Mẹ bầu dùng hộp nhựa, mỹ phẩm trôi nổi con dễ bị sụt giảm IQ

12-04-2020 11:31:58

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc mẹ bầu trong 3 tháng đầu tiếp xúc với hỗn hợp những hóa chất độc hại như hộp nhựa, mỹ phậm không rõ nguồn gốc dễ khiến con sụt giảm IQ.


Mẹ bầu 3 tháng đầu thai kỳ sử dụng hộp nhựa, hóa chất dễ khiến cho sụt giảm IQ. Ảnh minh họa

Theo các nhà nghiên cứu tại Đại học Y khoa Icahn (Mount Sinai) và Đại học Karlstad (Thụy Điển), việc sản phụ tiếp xúc với hỗn hợp những hóa chất nghi ngờ gây rối loạn nội tiết có trong nhiều sản phẩm tiêu dùng trong ba tháng đầu của thai kỳ có thể khiến IQ ở trẻ em 7 tuổi thấp hơn.

Nghiên cứu được công bố trên Environment International và là một trong những nghiên cứu đầu tiên về các hỗn hợp hóa chất nghi ngờ phá vỡ nội tiết liên quan đến sự phát triển của thần kinh. Trong nghiên cứu về bà mẹ và trẻ em Thụy Điển (được gọi là SELMA), các nhà khoa học đã đo được 26 hóa chất trong máu và nước tiểu của 718 sản phụ trong 3 tháng đầu mang thai, theo Chất lượng Việt Nam. 

Những hóa chất này bao gồm bisphenol A (BPA), được tìm thấy trong hộp đựng thức ăn và đồ uống bằng nhựa, cũng như thuốc trừ sâu, phthalates và các hóa chất khác có trong các sản phẩm tiêu dùng. Một vài hóa chất trong số đó được biết là làm gián đoạn hoạt động nội tiết (hormone) ở người; một số khác bị nghi ngờ làm gián đoạn nội tiết vì chúng có chung đặc điểm hóa học với những loại chất gây hại đã được biết đến.

Các nhà nghiên cứu sau đó đã theo dõi các đứa trẻ 7 tuổi và phát hiện ra rằng những bà mẹ có lượng hóa chất cao hơn trong cơ thể khi mang thai dễ khiến con có chỉ số IQ thấp hơn, đặc biệt là các bé trai, với điểm số thấp hơn 2 điểm. Trong đó, bisphenol F (BPF), một hợp chất thay thế BPA, có ảnh hưởng lớn nhất trong việc hạ thấp IQ của trẻ, đồng nghĩa rằng BPF không an toàn hơn cho trẻ em so với BPA.

Nghiên cứu cho thấy các hóa chất đáng lo ngại khác là chloropyrifos trong thuốc trừ sâu; các chất polyfluoroalkyl, được tìm thấy trong các sản phẩm làm sạch; triclosan, một hóa chất được tìm thấy trong xà phòng kháng khuẩn; và phthalates, được tìm thấy trong nhựa và mỹ phẩm polyvinyl clorua mềm.

Nhiều chất hóa học chỉ tồn tại trong cơ thể trong một thời gian ngắn, có nghĩa là ngay cả khi tiếp xúc trong thời gian ngắn cũng có thể gây bất lợi, vì vậy các nhà nghiên cứu tin điều này chỉ ra rằng việc ngăn ngừa phơi nhiễm đối với phụ nữ mang thai hoặc phụ nữ chuẩn bị mang thai là rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương thần kinh cho trẻ em.

Một câu hỏi cũng được khá nhiều sản phụ quan tâm đó là mẹ bầu nhiễm Covid-19 có truyền sang thai nhi không, theo Khỏe và đẹp chia sẻ của ông Trần Danh Cường - Giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, Trưởng bộ môn phụ sản ĐH Y Hà Nội chia sẻ trên hiện nay chưa có bằng chứng rõ ràng về virus Covid-19 có thể lây từ mẹ bầu sang thai nhi.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng, khi mẹ bầu bị nhiễm trùng vì bất cứ lý do gì (không chỉ riêng Covid-19) thì sẽ ảnh hưởng đến thai nhi thông thường ở giai đoạn rất sớm, cụ thể trong tuần đầu hoặc 3 tháng đầu.

Ảnh hưởng thứ nhất là nhiệt độ. Khi mẹ bầu bị sốt, nhiệt độ cơ thể mẹ sẽ tăng cao, nếu sốt quá cao sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, nên cần phải hạ sốt.  Ảnh hưởng thứ 2 là sự phát triển của thai, tuy nhiên sẽ tuân theo quy luật "tất cả". Một là hỏng thai, hai là thai nhi bình thường. Ảnh hưởng thứ 3, đặc thù của Covid-19 là gây viêm phổi nặng, phụ nữ sẽ bị suy giảm hệ miễn dịch, suy hô hấp, ảnh hưởng đến thai nhi  do thiếu oxy.

Mẹ bầu cần làm gì để bảo vệ tăng cường sức khỏe thai nhi?

- Rửa tay thường xuyên với nước và xà phòng.

- Đeo khẩu trang khi ra ngoài, đặc biệt là tránh những chỗ đông người.

- Ăn chín uống sôi, thức ăn đảm bảo dinh dưỡng (tăng cường rau xanh, trái cây giàu vitamin C0 và không ăn thịt động vật hoang dã.

- Xây dựng chế độ sinh hoạt lành mạnh, cân đối.

- Uống nhiều nước, nhất là những lúc cổ họng bị khát. Nước nên là nước ấm, đảm bảo ít nhất 2l nước mỗi ngày. 

- Vận động, tập thể dục điều độ, chú ý giữ ấm cơ thể.

Diệu Tâm (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //