Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021

12-02-2021 05:46:47

Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết Nguyên Đán được các gia đình vô cùng chú trọng để cầu mong một năm mới khỏe mạnh, bình an và hạnh phúc. Trong việc cúng lễ đó, mâm cơm cúng luôn được mọi nhà sửa soạn chu đáo.

Ảnh minh họa

Mùng 1 Tết là ngày vô cùng quan trọng trong năm, bởi nó là ngày đầu tiên bắt đầu năm mới. Chẳng biết từ bao giờ, người Việt ta đã có lệ làm mâm cỗ cúng mùng 1 Tết, còn gọi là mâm cỗ cúng Nguyên Đán, tức cúng vào sáng sớm của ngày đầu năm, ngày mùng 1 Tết.

Mâm cỗ cúng mùng 1 Tết, người ta sẽ hiểu là lễ cúng vào buổi sáng. Lễ cúng vào chiều mùng 1 Tết Nguyên Đán được gọi là cúng Tịch điện, tức cúng cơm chiều, tùy theo phong tục từng nơi mà có. Để có mâm cỗ cúng mùng 1 Tết được tươm tất, đủ đầy, người ta thường chuẩn bị lễ vật gồm cả lễ chay và lễ mặn cùng với tiền vàng, đèn nến. Lễ chay thường có trái cây, hương hoa, trầu cau, trà nước…

Lễ mặn sẽ có bánh chưng (hoặc bánh tét), gà luộc, rượu và các món ăn khác tùy theo điều kiện của gia chủ. Thường các món ăn này là những món đặc trưng ngày Tết như giò chả, nem rán, canh măng hầm hoặc canh bóng, miến, thịt đông…

Một điều đặc biệt mà gia chủ cần lưu ý là nếu có ý định cúng gà luộc trong sáng mùng 1 thì nên làm gà sẵn từ chiều 30 Tết. Sở dĩ như vậy là vì đầu năm sát sinh là điều kiêng kị, không tốt lành cho gia đình. 

Gia chủ sáng sớm dậy chuẩn bị mâm cỗ cúng mùng 1 Tết dâng lên thần linh, tổ tiên để thể hiện tấm lòng thành kính hướng về nguồn cội, cũng là mong được các vị bề trên che chở, phù hộ cho năm mới an lành. Hương tàn thì gia chủ lễ tạ và hạ cỗ xuống cho mọi người trong nhà cùng hưởng lộc. Đọc thêm Văn khấn mùng 1 Tết - Cúng lễ Tổ tiên (mùng 1 Tết)
 
Còn 1 điều khác biệt trong lễ cúng sáng mùng 1 Tết đó là toàn bộ tiền vàng sau lễ cúng vẫn được để nguyên trên bàn thờ chứ chưa đem đi hóa. Đèn nến trên ban thờ cũng thường được thắp sáng liên tục cho đến 3 ngày sau, đến lễ Hóa vàng mới thôi. Tới lễ hóa vàng, người ta sẽ đem tiền vàng trên ban thờ đi hóa.

Các bữa còn lại trong ba ngày Tết chỉ cần cúng bánh chưng, giò và các loại bánh mứt, kẹo. Trên bàn thờ, ngọn đèn thờ (đăng hay nến) đỏ lửa liên tục trong 3 ngày Tết cùng với hương hoa thơm ngát sẽ tạo không khí Tết thêm đầm ấm, sum vầy... Tuy vậy theo các chuyên gia phong thủy, trong các ngày Tết mọi người không nên thắp hương nhiều, chỉ khi nào làm lễ trước bữa ăn thì thắp hương.

Thiên Thanh (T/H)
Theo Giáo dục & Thời đại //