Lương y chỉ bà bầu ăn ngải cứu đúng cách

21-12-2019 15:00:45

Ngải cứu vừa là loại cây thuốc chữa bệnh, vừa có thể chế biến những món ăn ngon và bổ tuy nhiên ăn nhiều ngải cứu có thể gây ra ngộ độc. Vậy, bà bầu có thể ăn ngải cứu không?

Rau ngải cứu có mùi nồng, vị hơi đắng hoặc rất đắng tùy theo mùa. Ngải cứu từ xưa không chỉ là món rau ngon, bổ mà còn là vị thuốc quý dùng chữa được nhiều bệnh có hiệu quả. Ngải cứu có nhiều công dụng tốt cho sức khỏe nhưng bà bầu có thể ăn ngải cứu không?


Bà bầu có thể ăn ngải cứu với liều lượng ít. Ảnh minh hoạ

Theo lương y Nguyễn Minh Phúc, Chủ tịch Hội đông y Vũng Tàu, trong vòng 3 tháng đầu thi kỳ không nên quá lạm dụng ngải cứu bởi có thể dẫn đến ra máu nhiều, co tử cung và sảy thai. 

Cũng theo lương y Minh Phúc, bà bầu không nên ăn nhiều ngải cứu, chỉ nên dùng khi phụ nữ có thai ra huyết do hàn lạnh bằng cách dùng lá ngải cứu tươi 10g, thái nhỏ hấp trứng gà ăn ngày 1-2 lần.

Theo Y học cổ truyền ngải cứu công dụng chữa chứng ngoại cảm gió lạnh, ấm dạ dày, gân cơ đau mỏi, trư được khí lạnh ở gan, điều hòa huyết mạch, ngải cứu nên kiêng không dùng nhiều với người âm hư, nội nhiệt, phụ nữ có thai người nóng nhiệt, táo bón không dùng.

Một số món ăn từ ngải cứu cho bà bầu

Canh ngải cứu nấu thịt nạc

Bài thuốc chữa bệnh kinh nguyệt không đều, khí hư, đau bụng do lạnh. Bà bầu ăn rau ngải cứu với thịt nạc cũng giúp cho thai nhi phát triển tốt.

Cách chế biến: Thịt heo băm nhỏ, ướp gia vị xào qua, nêm nước, đun sôi cho rau ngải cứu vào. Canh sôi, nêm vừa miệng, ăn nóng.

Gà hầm ngải cứu

Bài thuốc bồi bổ sức khỏe. Bà bầu ăn gà hầm ngải cứu giúp hoạt huyết, tốt cho hệ xương.

Cách chế biến: Gà đen làm sạch, cho vào nồi, đổ săm sắp nước, hầm cùng 3 trái táo đỏ, kỷ từ, 3 lát sâm, ngải cứu, hạt sen, tam thất. Nêm vừa miệng, hầm đến khi gà nhừ.

Cháo ngải cứu

Bà bầu ăn ngải cứu nấu cháo giúp chữa động thai, giảm đau xương khớp.

Cách chế biến: Thái nhỏ ngải cứu, nấu lấy nước để nấu cháo. Khi ăn cho một ít đường, ăn nóng.

Lưu ý khi bà bầu ăn rau ngải cứu

Mẹ bầu chỉ nên ăn ngải cứu khoảng 2-3 lần/tuần, mỗi lần từ 3-5 ngọn.

Nếu có tiền sử sảy thai, sinh non, mẹ không nên ăn ngải cứu thường xuyên, nhất là vào 3 tháng đầu.

Nếu mắc chứng rối loạn đường ruột cấp tính, mẹ bầu nên tránh xa ngải cứu. Bởi ngải cứu là vị thuốc nhuận tràng, sẽ khiến bệnh tình trở nên trầm trọng hơn.

Tinh dầu trong ngải cứu có tác dụng chữa bệnh, nhưng cũng là thành phần có độc tính. Do đó, nếu mắc bệnh viêm gan, bầu tuyệt đối không nên ăn, bởi rất dễ dẫn đến viêm gan cấp tính do trúng độc.

Hạo Nhiên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //