Luật sư nói gì vụ thượng uý công an cướp ngân hàng bị khởi tố tội gây rối trật tự công cộng?

05-10-2019 10:18:49

Theo quan điểm của luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cơ quan điều tra khởi tố thượng uý công an cầm súng cướp ngân hàng về tội gây rối trật tự công cộng cần phải làm rõ động cơ vào ngân hàng.


Chi nhánh ngân hàng bị thượng uý công an cầm súng vào cướp. Ảnh Zing

Liên quan đến vụ việc thượng uý công an cầm súng vào cướp ngân hàng Vietcombank ở xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa khiến 1 bảo vệ bị thương sau vụ nổ súng phải khâu 5 mũi.

Chiều 4/10, trong cuộc họp báo về tình hình kinh tế, xã hội 9 tháng năm 2019 do UBND tỉnh Thanh Hoá tổ chức, đại tá Đào Đức Minh - Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa đã thông tin về diễn biến điều tra vụ nổ súng xảy ra tại ngân hàng Vietcombank, chi nhánh Nghi Sơn (huyện Tĩnh Gia) hôm 25/7.

Theo đại tá Minh, thông tin ban đầu về vụ việc này là cướp ngân hàng. Tuy nhiên, qua tài liệu thu thập thì hiện nay cơ quan điều tra đã tiến hành khởi tố tội Gây rối trật tự công cộng.

Người gây ra vụ việc này là thượng úy Đào Xuân Tư, cán bộ Đội xây dựng phong trào Công an huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa).

Trước sự việc này, trao đổi với PV, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết, luật sư cũng bất ngờ trước quyết định của Cơ quan điều tra việc xử lý đối tượng về tội Gây rối trật tự công cộng.

Trước đó, theo báo chí đưa tin và đăng tải Clip trên mạng xã hội thấy có người đàn ông bịt mặt cầm súng bắn ba phát súng thị uy, đe dọa hai nhân viên bảo vệ nhằm mục đích vào phòng giao dịch và bị bảo vệ Ngân hàng chống lại thì đối tượng đã lên xe bỏ chạy.

Theo quan điểm của Luật sư, trong vụ việc này trước tiên cần làm rõ động cơ mục đích của đối tượng vào phòng giao dịch Ngân hàng để làm gì. Tại sao vào Ngân hàng mà cầm súng, bịt khẩu trang, đội mũ bảo hiểm che mặt tránh sự phát hiện của người khác.

Với những biểu hiện như vậy, theo quan điểm của Luật sư thường là của những đối tượng có động cơ mục đích xông vào Ngân hàng để chiếm đoạt tài sản.


Nơi xảy ra vụ cướp

Theo luật sư Thơm, trong vụ án này, có thể Cơ quan điều tra chưa kết luận động cơ, mục đích của đối tượng xông vào phòng giao dịch Ngân hàng mà chỉ đánh giá hình thức hành vi bên ngoài của đối tượng để làm căn cứ xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng theo Điều 318 BLHS.

Hành vi phạm tội của đối tượng còn sử dụng súng bắn bị thương Nhân viên bảo vệ đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS. Rất có thể xảy ra trường hợp Nhân viên bảo vệ thỏa thuận không giám định tỷ lệ thương tật và không yêu cầu khởi tố đối tượng về tội Cố ý gây thương tích nên Cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý. Tội cố ý gây thương tích là loại tội phạm khởi tố theo yêu cầu của người bị hại được quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự.

Nếu Cơ quan điều tra làm rõ được động cơ, mục đích của đối tượng sử dụng súng xông vào Phòng giao dịch nhằm chiếm đoạt tài mà bảo vệ ngăn chặn, chưa nhằm chiếm đoạt được tài sản cụ thể thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản theo Khoản 2 Điều 168 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Đối với thương tích bắn bị thương nhân viên bảo vệ sẽ là tình tiết định khung tăng nặng của tội Cướp tài sản tương ứng với tỷ lệ thương tật của nạn nhân.

Tội cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lầm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Trường hợp này đối tượng bị bảo vệ ngăn chặn, chưa chiếm đoạt được tài sản  thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành được quy định tại Điều 15 Bộ luật hình sự.

Đối với khẩu súng của đối tượng bắn nhân viên bảo vệ cần làm rõ khẩu súng hoặc qua giám định đạn bắn để xác định là vũ khí quân dụng hay không. Nếu là vũ khí quân dụng thì đối tượng phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Tàng trữ vũ khí quân dụng theo Điều 304 BLHS. Trường hợp, không thuộc vũ khí quân dụng thì đối tượng sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/NĐ-CP

Điều 168. Tội cướp tài sản

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%;

d) Sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;

đ) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

e) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

g) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

h) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 18 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 31% trở lên;

c) Làm chết người;

d) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

6. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN //