Lớp học song ngữ của người thầy đặc biệt

25-02-2025 16:49:43

Tại một góc nhỏ ở miền quê Sóc Trăng, nơi có đông đảo bà con dân tộc Khmer sinh sống, mỗi buổi chiều lại diễn ra một lớp học đặc biệt dưới mái hiên đơn sơ.

Thầy giáo Thạch Kên và những học trò tại lớp học đặc biệt của mình.

Không bàn ghế đầy đủ, cũng chẳng có thiết bị giảng dạy hiện đại, nhưng lớp học ấy lại ấm áp tình người và tràn đầy nhiệt huyết của người thầy là anh Thạch Kên, một người con của dân tộc Khmer.

Người thầy “không bằng cấp”

Hơn hai năm trước, anh Thạch Kên (41 tuổi), một người thợ làm công trình tại huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, quyết định mở một lớp học song ngữ miễn phí cho bà con Khmer trong vùng. Lớp học này không chỉ giúp trẻ em hiểu và sử dụng thành thạo tiếng Việt mà còn giúp họ không quên đi chữ viết, ngôn ngữ và văn hóa của dân tộc mình.

Từ khi còn nhỏ, anh Kên đã nhận ra rằng nhiều người Khmer trong vùng mình sinh sống rất e ngại khi giao tiếp với người Việt (do không thông thạo tiếng Việt). Ngược lại, trẻ em Khmer khi đến trường lại chủ yếu học tiếng Việt, ít có cơ hội học và viết chữ Khmer một cách bài bản.

Nhận thấy sự bất cập này, anh Kên quyết định hành động. Dù không được đào tạo qua trường lớp sư phạm nào, nhưng với vốn hiểu biết từ quá trình học tại Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam Bộ, anh đã tự soạn giáo án, mày mò nghiên cứu phương pháp giảng dạy và lớp học dần dần thu hút ngày càng nhiều học trò.

Mỗi ngày, từ 5 giờ 30 phút đến 9 giờ, căn nhà nhỏ của anh Kên lại vang lên tiếng đọc bài “ê” “a” của các em học sinh. Có những em nhỏ mới chỉ vài tuổi, cũng có những cụ già đã ngoài 60, tất cả đều say mê học chữ. Những tấm bảng được treo trên vách nhà, những viên gạch lát nền trở thành chỗ ngồi, vậy mà không khí học tập lại chưa bao giờ trầm lắng.

Trong lớp học của anh Kên, mọi người không chỉ học chữ mà còn học cách giao tiếp, cách ứng xử, học về phong tục tập quán của cả hai dân tộc Khmer và Kinh. Đặc biệt, anh luôn cố gắng tạo ra những bài giảng thú vị, dễ hiểu bằng cách lồng ghép những câu chuyện đời sống, những ví dụ thực tế, giúp các “học trò” dễ tiếp thu. Đối với trẻ em, anh còn tổ chức các hoạt động vui chơi sau giờ học, đôi khi còn có những bữa cơm ấm cúng do chính tay vợ anh chuẩn bị.

Sau những giờ học, học sinh được vui chơi cùng nhau để tạo nên không khí thoải mái. Ảnh: Quốc Anh

Hành trình của một người thầy “đặc biệt”

Những ngày đầu tiên mở lớp, anh Kên đã gặp không ít khó khăn. Nhiều bà con còn e dè, chưa quen với việc đi học, đặc biệt là những người lớn tuổi. Số lượng học viên chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng anh không nản lòng. Mỗi ngày, sau khi tan làm, anh đi từng nhà để vận động bà con tham gia lớp học.

Anh kiên trì giải thích rằng học chữ không chỉ giúp mỗi người đọc thông, viết thạo mà còn giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống. Nhờ sự kiên trì ấy, ngày càng nhiều người biết đến lớp học của anh. Dần dần, căn nhà nhỏ trở thành nơi gắn kết cộng đồng, nơi mọi người cùng nhau học tập và chia sẻ niềm vui.

Dù cần kinh phí để duy trì lớp học nhưng anh Kên không nhận bất kỳ khoản học phí nào. Anh cùng những người bạn trong xóm nhận làm thêm các công trình xây dựng nhỏ, đầu tư mua máy cắt lúa để làm dịch vụ mùa vụ. Nhờ đó, anh có thu nhập ổn định, có thể tiếp tục duy trì lớp học mà không phải lo lắng về kinh tế.

“Mỗi ngày, sau giờ làm, tôi lao ngay về lớp học. Có những hôm trong người cũng rất mệt, nhưng chỉ cần nhìn thấy ánh mắt háo hức của các em nhỏ, của bà con, tôi lại thấy mọi mệt mỏi đều tan biến”, anh Kên chia sẻ.

Sau hơn hai năm duy trì lớp học, anh Kên đã giúp hàng trăm trẻ em và bà con Khmer đọc thông, viết thạo cả tiếng Việt lẫn chữ Khmer. Không chỉ vậy, những rào cản về ngôn ngữ, những khoảng cách trong giao tiếp giữa bà con Khmer và người Việt cũng dần được thu hẹp.

Em Thạch Hoàng Phúc, 11 tuổi, một học sinh của lớp học, hào hứng nói: “Trước đây, em chỉ biết nói tiếng Khmer, không biết đọc hay viết. Sau vài tháng học với thầy Kên, em đã biết viết chữ Khmer và có thể đọc được sách nữa”.

Không chỉ trẻ em, những người lớn tuổi cũng nhờ lớp học này mà tự tin hơn khi giao tiếp. Chị Thạch Thị Ni (38 tuổi) tâm sự: “Hồi nhỏ gia đình nghèo nên tôi chỉ học đến lớp 2. Vì không rành tiếng Việt nên mỗi lần đi chợ hay đi đám tiệc, tôi rất ngại giao tiếp. Nhờ lớp học của thầy Kên, giờ tôi đã có thể nói chuyện thoải mái hơn với mọi người”.

Mỗi khóa học, anh Kên đều tổ chức kiểm tra để đánh giá sự tiến bộ của các học viên. Những em nhỏ đạt yêu cầu sẽ được học chương trình nâng cao và nhận phần thưởng khích lệ. Điều đó không chỉ giúp các em có động lực học tập mà còn khiến bà con chòm ấp ngày càng tin tưởng vào lớp học này.

Dù chưa từng chính thức đứng trên bục giảng, anh Thạch Kên đã làm được những điều khiến mọi người phải kính trọng gọi anh là “người thầy” của bà con Khmer. Không chỉ dạy chữ, anh còn giúp họ tìm thấy sự tự tin, phá bỏ những rào cản trong giao tiếp, và trên hết, gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Lớp học song ngữ của anh Kên không đơn thuần là nơi học chữ. Đó còn là một không gian gắn kết cộng đồng, nơi mọi người cùng nhau tự hào về nguồn cội, đồng thời sẵn sàng hội nhập và phát triển. Những buổi học dưới mái hiên đơn sơ đã trở thành điểm tựa tinh thần, nơi tri thức và tình người hòa quyện.

Câu chuyện về lớp học của anh Thạch Kên là minh chứng sống động cho sức mạnh của lòng nhiệt huyết và sự kiên trì. Một người bình thường, với tấm lòng bao dung và quyết tâm, có thể tạo ra những thay đổi phi thường. Và ở vùng quê nhỏ bé Sóc Trăng, lớp học của anh vẫn tiếp tục sáng đèn mỗi tối, mang lại tri thức và hy vọng cho bao thế hệ người Khmer.

Quốc Anh
Theo Giáo dục & Thời đại //