Lên kế hoạch cách ly diện rộng tại các đô thị lớn nếu Covid-19 bùng phát
Thủ tướng nhấn mạnh “phải kỷ luật sắt với tinh thần chống dịch như chống giặc”; ứng xử nhân văn đối với tất cả người cách ly, đặc biệt là người nước ngoài.
Tại cuộc họp thường trực Chính phủ chiều 5/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các đô thị đông dân phải chuẩn bị kế hoạch cách ly trên diện rộng, nếu Covid-19 bùng phát, đặc biệt với hai thành phố lớn Hà Nội và TP HCM.
Biểu dương nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt các chiến sĩ áo trắng, lực lượng vũ trang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khái quát, Việt Nam đã triển khai cách ly y tế rất sớm, ngay từ đầu, thậm chí di dời, nhường doanh trại quân đội cho công tác cách ly. Bộ Quốc phòng đã tổ chức diễn tập toàn quân, đã phát động, chuẩn bị 90 bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cơ sở để tiếp nhận trên 30.000 người cách ly, Báo Dân trí dẫn lời.
Do đó, kết quả phòng, chống dịch bệnh Covid-19 rất tốt. Trong 23 ngày qua, không ghi nhận ca mắc mới tại Việt Nam. Các địa phương được giao đều thực hiện nghiêm túc chủ trương của Thủ tướng, của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh “phải kỷ luật sắt với tinh thần chống dịch như chống giặc”; ứng xử nhân văn đối với tất cả người cách ly, đặc biệt là người nước ngoài.
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện lây lan ra 84 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 3.000 người tử vong, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu, không được chủ quan, không mệt mỏi, chần chừ; cần kiên định, kiên quyết hơn trong phòng, chống Covid-19.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao phối hợp với các địa phương huy động một số khách sạn để tổ chức cách ly người từ vùng dịch trở về.
Nhấn mạnh dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến kinh tế, xã hội, làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số đối tác quan trọng của Việt Nam, Thủ tướng cho biết sẽ ban hành các giải pháp cấp bách để tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội.
Bùng phát từ Vũ Hán từ tháng 12/2019, đến hôm nay Covid-19 đã lan ra 84 quốc gia, vùng lãnh thổ, khiến gần 96.000 người nhiễm bệnh, 3.286 người chết. Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Iran ghi nhận nhiều ca nhiễm.
Tại Việt Nam, 16 người nhiễm nCoV đã khỏi, 23 ngày qua không ghi nhận thêm ca nhiễm mới. Tuy nhiên, 92 người nghi nhiễm đang được cách ly; 16.190 người tiếp xúc gần với người nghi nhiễm và từ vùng dịch về, đang được theo dõi sức khỏe.
“Khi chúng ta đạt kết quả rồi, các cấp, các ngành, các địa phương cũng dễ thỏa mãn, dễ chủ quan trong tư tưởng và hành động”, Thủ tướng nhắc nhở.
Những hình thức, cách làm mới phải được vận dụng phù hợp, kịp thời, đặc biệt là các nguồn, đường lây nhiễm, mầm bệnh tại cộng đồng… đều phải chủ động phát hiện để tránh nguy cơ lây lan rộng. Tổ dân phố phải biết người dân sống thế nào, tình hình dịch bệnh ra sao. Lực lượng vũ trang, đặc biệt là quân đội, các địa phương tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cơ sở cách ly.
Nhắc lại mục tiêu kép, vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng cho rằng, dịch có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội, không chỉ làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở một số đối tác quan trọng của Việt Nam. Do đó, cùng ngày, Thủ tướng ký ban hành Chỉ thị về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch bệnh Covid-19.