Chen chân, đu cửa, dùng điện thoại quay cảnh ''chuyện ấy'' trong miếu Đụ Đị
Đến khoảnh khắc 12h đêm 11 tháng Giêng, hàng trăm thanh niên áp sát miếu Trò (hay còn gọi là miếu Đụ Đị) với mong muốn được xem đôi nam nữ thực hiện nghi thức “tình phộc” trong lễ Mật.
Chen chân tận mắt chứng kiến đôi trai gái làm ''chuyện ấy'' trong miếu Đụ Đị
Lễ hội “Linh tinh tình phộc” hay còn gọi là “Lễ hội Trò Trám” được tổ chức thường niên vào các ngày 11 và 12 tháng Giêng hàng năm. Tại lễ hội này, điểm hấp dẫn và thu hút sự quan tâm của du khách thập phương nhất đó là Trò Trám và Lễ Mật tại miếu Trò ở xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.
Các ''diễn viên'' là người dân trong làng biểu diễn những trò dân gian trong lễ hội.
Đây là lễ hội tôn vinh tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp, hiện đang được người dân ở đây trân trọng gìn giữ. Các nhà văn hóa cũng đánh giá đây là “lễ hội đáng quý”, mang đậm tính dân tộc, may mắn được khôi phục lại từ năm 1993.
Ngay từ chập tối ngày 8/2 (tức 11 tháng Giêng), người dân xã Tứ Xã và du khách thập phương đã tập trung về miếu Đụ Đị để tham gia lễ hội.
Trong lễ hội, hai tiết mục được người dân địa phương cũng như du khách thập phương mong đợi nhất đó là Trò Trám và Lễ Mật. Trò Trám là tiết mục mang lại tiếng cười cho nhiều du khách tham quan bởi những câu hò đối đáp mang đậm tín ngưỡng phồn thực như: “Gặp đây em mới hỏi chàng /Cái gì lủng lẳng một gang trong quần/ Nàng hỏi thì ta thưa rằng/Cái đeo lủng lẳng là giằng cối xay”.
Lễ hội ''Linh tinh tình phộc'' được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
Các “diễn viên” của đoàn trò là người dân trong làng và mở đầu bằng những trò diễn dân gian “Tứ dân chi nghiệp” với hoạt cảnh gắn liền với bốn nghề chính: Sĩ, nông, công, thương.
Tiếng trống vang lên, đoàn diễn viên Trò Trám đi một vòng chào khán giả. Bên cạnh đó, là những lời hát bắt đầu của chương trình “Phing phing phing phing, phình phình phình phình”.
Các tiết mục của Trò Trám tiếp nối với những lời ca tiếng hát mang đậm nét văn hóa phồn thực trong sự cổ vũ nhiệt tình của đông đảo người dân địa phương và du khách thập phương.
Trong Trò Trám, một trong những nhân vật được người dân và du khách thập phương ấn tượng nhất là một ông lão râu tóc trắng như cước hai bên hai quang gánh, ngất nghểu vừa đi vừa hát: “Ai ơi chớ bảo tôi già/ Tôi còn gánh nổi cả ba cái lờ”. Sau đó, khán giả hỏi vui: “Cụ ơi, già thế mà vẫn đi đánh lờ à?” ông lão nói đầy ẩn ý: “Muốn ăn cá diếc thì phải đi đánh lờ chứ”.
Diễn viên tái hiện lại hình ảnh ông lão với bộ râu tóc bạc phơ, vừa gánh quang gánh vừa hát đối.
Sau đó, ông lão còn hát: “Công tôi đắp đập be bờ/Không cho người khác đem lờ đến đơm/Ai ơi chớ bảo tôi già/Tôi còn tráng kiện bằng ba đương thì”.
Kết thúc Trò Trám, người dân và du khách thập phương được xem nghi thức tế lễ do các cụ cao niên trong xã thực hiện.
Gần 12h đêm, chuẩn bị đến thời khắc đặc biệt để làm Lễ Mật, người dân bắt đầu tiến dần vào miếu nhằm nhìn thấy được tận mắt cảnh đôi trai gái thực hiện nghi thức “tình phộc” trong Lễ Mật.
Trao đổi với PV, ông Bùi Văn Nghiệp, Trưởng Công an xã Tứ Xã cho biết: “Năm nay, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, chúng tôi đã huy động 26 người thuộc công an xã và 14 người tăng cường từ công an huyện nên sẽ đảm bảo được an ninh trong lễ hội”.
Ghi nhận của PV, vào khoảng 23h55, hàng trăm thanh niên đã tiến dần vào miếu nhưng đã bị lực lượng an ninh ngăn cản vì quy định không cho vào miếu Trò trong thời khắc linh thiêng.
Thanh niên ''quây'' kín miếu Đụ Đị để xem đôi trai gái thực hiện nghi lễ ''tình phộc''. Ảnh Phương Nguyễn
Ngay sau đó, hàng trăm thanh niên đã bủa vây xung quanh miếu Trò, người thì đứng bám cửa sổ, kiệu nhau, người thì dùng điện thoại, gậy tự sướng giơ lên cao để quay video. Đặc biệt, có thanh niên đã trèo hẳn lên cửa sổ của miếu Trò để tò mò nhìn vào trong.
Bà Khổng Thị Thành 62 kể lại: ''Lúc đó tôi là người đầu tiên đóng Lễ Mật, lúc đó nhiều thanh niên bảo đóng nhưng ai cũng xấu hổ nên tôi và chồng đứng ra làm lễ Mật.
Ngày xưa làm nghiêm chỉnh hơn, bây giờ thanh niên bạo dạn hơn nhiều nhưng toàn thanh niên ở xóm khác chứ không phải thanh niên làng này. Làm Lễ Mật phải nghiêm, ông chủ từ hô Linh tinh tình phộc thế là hai cầm nường và nõ bằng gỗ chạm vào nhau.
Tôi diễn khoảng 4-5 năm thì nghỉ, lần đầu tiên mọi người đến bây giờ vẫn trêu, mọi người nhìn thấy tôi vẫn kêu Linh tinh tình phộc".
Hai vợ chồng tập làm “chuyện ấy” ở nhà trước khi ''lâm trận''
Anh Chử Đức Chiến (38 tuổi) cùng vợ là chị Bùi Thị Thanh Huyền (26 tuổi) là người thực hiện làm “chuyện ấy” giữa miếu Trò (hay còn gọi là miếu Đụ Đị) cho biết, hai vợ chồng anh phải tập bằng dụng cụ tự tạo ở nhà để khi thực hiện nghi thức không bị trượt.
Trước đó vào năm 2016, vợ chồng anh Chiến đã vinh dự được chọn là người thực hiện nghi thức làm “chuyện ấy” tại miếu Trò thay vợ chồng anh Nguyễn Văn Lực và chị Nguyễn Thị Đám.
Chia sẻ với PV chiều 7/2 (tức 11 tháng Giêng Tết Đinh Dậu) sau 1 năm thực hiện nghi thức linh thiêng ấy, anh Chiến cho biết: “Lúc đầu mới tham gia thực hiện nghi thức “tình phộc” cũng bị bà con trong làng trêu nên tôi có chút ngại ngần nhưng đây là nghi thức truyền thống và được người dân trong làng tín nhiệm nên tôi không ngại ngùng nữa”
Nhiều người còn mang cả điện thoại ra quay.
Anh Chiến cho biết thêm, nghi thức năm ngoái anh và vợ đã thực hiện “tình phộc” 3 lần trúng cả 3, có thể vì thế mà công việc làm ăn của hai vợ chồng tốt đẹp hơn, kinh tế gia đình anh năm qua cũng vững vàng hơn.
“Năm nay, vợ chồng tôi vẫn được người dân tín nhiệm để thực hiện nghi thức linh thiêng giữa miếu Trò. Tuy nhiên, năm nay có điểm mới là lễ hội Trò Trám được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia nên vợ chồng tôi bị áp lực hơn. Hai vợ chồng đã phải tập ở nhà khoảng 10 phút bằng dụng cụ tự tạo để khi thực hiện nghi thức không bị trượt”, anh Chiến nói.
Có chút ngại ngần khi nói chuyện với PV, chị Bùi Thị Thanh Huyền (26 tuổi) nói: “Năm 2016 là lần thực hiện nghi thức đầu tiên của tôi, đây cũng là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy và thực hiện nghi thức “tình phộc”. Sau khi thực hiện xong nghi thức, nhiều người trêu vợ chồng tôi lắm, bảo gan thật đấy, vợ chồng trẻ mà không ngại. Tuy nhiên, thực hiện nghi thức trang nghiêm do ban tổ chức tín nhiệm nên vợ chồng tôi cũng không thấy ngại ngùng”.
Thậm chí là đu cửa để tò mò nhìn vào bên trong.
“Khi thấy hai con được người dân tín nhiệm cho thực hiện nghi thức “tình phộc” tôi rất phấn khởi. Tôi rất đồng tình khi hai con tham gia vì gia đình tôi cạnh miếu nên phải có trách nhiệm với tập thể, với việc gìn giữ nét đẹp của lễ hội Trò Trám, cùng bà con quảng bá hình ảnh của lễ hội đến với du khách thập phương”, bà Lê Thị Nút (mẹ của anh Chiến) cho hay.
Thành viên ban tổ chức, ông Nguyễn Thành Ngữ (69 Tuổi, người trông miếu Trò) cho biết, chương trình tổ chức lễ hội Trò Trám năm nay có điểm đặc biệt là nhận giấy chứng nhận lễ hội Trò Trám là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.
“Qua nhiều năm gìn giữ, khôi phục đến năm 2017, lễ hội Trò Trám chính thức được chứng nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia khiến chúng tôi hết sức vui mừng. Chính vì thế, lượng du khách năm nay đến tham dự lễ hội đông hơn mọi năm”, ông Ngữ nói.
Đúng 12h, chủ Lễ Mật lên thượng cung lấy lễ vật xuống làm lễ. Sau đó, khi điện tắt, chủ lễ lấy lễ vật ra và trao cho hai người được chọn, một nam và một nữ cầm hai linh vật là sinh thực nam và sinh thực nữ chuẩn bị thực hiện nghi thức. Trong bóng đêm, tiếng cụ chủ lễ vang lên “Linh tinh tình phộc”, đôi nam nữ “phộc” dương vật - âm vật bằng gỗ vào nhau 3 lần. Nếu cả 3 lần đều trúng, năm đó cả làng may mắn, làm ăn phát đạt. Sau đó, cụ chủ lễ hô to “tháo khoán”, lúc này, các đôi trai gái được “tự do” mọi chuyện, thỏa sức làm các “chuyện trai gái” nếu muốn. Tuy nhiên, ngày nay, tục “tháo khoán” không còn, các đôi trai gái không đi tìm “nơi tâm sự” mà họ trải chiếu trước miếu, cùng nhau thụ lộc, tâm tình. |