Khóc, cười xét nghiệm ADN: Lật tẩy thủ đoạn của người đàn bà gian xảo vì khối tài sản kếch xù

17-02-2017 06:49:24

Quá mệt mỏi vì những quan niệm nặng nề phải có cháu đích tôn, lại ở độ tuổi trung niên, chuyện sinh nở không còn thuận lợi nên chị mở ra cho anh một hướng thoát.

Thông thường, khi xảy ra tranh chấp về quyền lợi, các khách hàng sẽ tìm đến Trung tâm Phân tích ADN để làm thủ tục đề nghị xét nghiệm cho người đang còn sống, nhưng đôi khi vẫn có trường hợp phải tiến hành xét nghiệm cho người đã khuất để làm rõ quan hệ huyết thống.

Trường hợp của chị Ngân, một người phụ nữ ở huyện miền núi cách Hà Nội không xa khiến tôi phải suy nghĩ mất một thời gian dài sau khi gặp gỡ và làm việc.

Chị đến văn phòng của tôi ngay sau ngày làm lễ thất tuần (49 ngày) cho chồng, đặt lên bàn hai chiếc phong bì chứa mẫu móng chân, móng tay được niêm phong cẩn thận, bên ngoài ghi đầy đủ họ tên của người chồng quá cố và đứa con riêng của anh vừa được 6 tuổi.

Chị bảo trước khi đến đây đã tìm hiểu cách thức lấy mẫu nên trước khi chồng mất, chị kịp thu lại số mẫu đi làm xét nghiệm. Tôi xem xét mẫu rồi đưa cho chị tờ khai để điền các thông tin cần thiết, nét căng thẳng trên gương mặt chị giãn dần ra, chị trút bầu tâm sự với tôi về quá trình dẫn đến quyết định này.

Chấp nhận chồng “ngoài luồng” để giữ hạnh phúc gia đình

Anh chị lấy nhau gần 20 năm, sinh được ba đứa con gái khá xinh xắn, ngoan ngoãn, chăm chỉ học hành. Anh làm nghề sửa chữa xe máy tại nhà còn chị là công nhân trong một nhà máy sản xuất công cụ điện, thu nhập hàng tháng đủ để nuôi các con ăn học và tích lũy.

Về kinh tế, chưa bao giờ chị phải lo nghĩ. Chỉ có điều, anh là con trưởng trong gia đình, áp lực phải có con trai nối dõi đè nặng lên vai chị. Nhưng khi sinh đến đứa con thứ ba, nhà máy đã có hình thức kỉ luật đối với chị, nếu tiếp tục sinh thêm con, có thể chị sẽ bị buộc thôi việc.

Bố mẹ, họ hàng nhà chồng lại không hề tỏ ý thông cảm mà luôn tìm cách xúi bẩy, thúc giục anh phải đi kiếm bằng được con trai. Quá mệt mỏi vì những quan niệm nặng nề đó, hơn nữa chị đã bước vào độ tuổi trung niên, chuyện sinh nở không còn thuận lợi nên chị mở ra cho anh một hướng thoát.

Xét nghiệm ADN và những câu chuyện dở khóc dở cười. Ảnh minh họa

Một hôm chị bảo: “Anh cứ ra ngoài kiếm con trai để thỏa ý nguyện của dòng họ, khi nào có được một thằng cu mang về đây em sẽ nuôi dạy như con đẻ, chỉ có một điều kiện là sau đó phải chấm dứt vĩnh viễn với mẹ đứa bé. Còn nếu vẫn sinh con gái thì anh phải tự chịu trách nhiệm với mẹ con đứa bé, không được làm ảnh hưởng đến kinh tế cũng như tình cảm đối với vợ cái con cột”.

Được chính vợ mình “bật đèn xanh”, anh hào hứng ra ngoài tiến hành công cuộc kiếm con trai. Nhưng khổ nỗi, hai người phụ nữ tình nguyện sinh con cho anh lại chỉ sinh được bé gái, anh chán nản quay về nhà sau khi chu cấp một lần cho những đứa con rơi một khoản tiền kha khá.

Thế nhưng, một trong hai người phụ nữ “ngoài luồng” kia lại dùng nghệ thuật níu giữ khiến anh không thể dứt bỏ được như thỏa thuận ban đầu. Qua lại với nhau một thời gian nữa, cô ta thông báo với anh là đã mang thai đứa thứ hai và cam đoan lần này sẽ là con trai.

Đủ chín tháng mười ngày, cô ta sinh được một đứa con trai bụ bẫm. Anh mừng rơn, lập tức về nhà thông báo với vợ tin vui này. Chị là người điềm tĩnh, biết giữ lời hứa nên đã cùng anh đến gặp người phụ nữ kia để thương lượng sẽ đưa cho cô ta một số tiền lớn, cô ấy phải giao con cho vợ chồng chị và không bao giờ được nhận là mẹ của đứa bé nữa.

Trước số tiền bằng cả một gia tài, người phụ nữ nghèo suy tính: nếu mình tự nuôi con thì không thể có điều kiện tốt như vợ chồng chị, chi bằng cho con vào nơi giàu có, còn mình cũng có tiền gây dựng sự nghiệp, đảm bảo đời sống cho mình và đứa con gái. Cô ấy gật đầu đồng ý viết giấy cam kết sẽ thực hiện đúng những điều kiện của anh chị rồi trao đứa con mình rứt ruột đẻ ra vừa tròn một tháng tuổi về tay người khác.

Về phía anh, sau khi thực hiện được mong muốn có cháu đích tôn cho dòng họ thì triệt để giữ lời, không dám tơ tưởng đến những chuyện bên ngoài, chỉ chuyên chú làm ăn, lo toan cho cuộc sống gia đình.

Chuyện xét nghiệm ADN khiến nhiều gia đình tan nát. Ảnh minh họa

Thằng bé được chị mang về nuôi rất chu đáo, không phân biệt con chung con riêng nên mấy đứa con gái cũng rất yêu quý em. Khi bắt đầu tập nói, tiếng đầu tiên nó gọi chị là “mẹ” làm chị xúc động trào nước mắt. Mỗi khi nghe tiếng xe chị đi làm về, nó lao ngay ra cổng đón, miệng rối rít “mẹ Ngân, mẹ Ngân…”.

Đêm đêm chị nằm ôm thằng bé, nó hồn nhiên rúc đầu vào ngực chị ngủ ngon lành như một chú cún con nằm trong lòng mẹ. Nhìn chị yêu thương con riêng của mình bằng tình mẫu tử thực sự, anh thấy yên lòng và càng thêm phần cảm phục tấm lòng của người vợ bao dung.

Lật tẩy thủ đoạn của người đàn bà gian xảo

Các con gái lớn dần, đứa vừa tốt nghiệp Đại học đã có việc làm ngay, hai đứa nhỏ hơn lên cấp ba, thằng bé con sắp đi học, chị muốn có nhiều thời gian ở nhà để đưa đón, kèm cặp con nên chị xin nghỉ hưu sớm, một phần cũng muốn phụ giúp anh quản lý cửa hàng sửa chữa, buôn bán phụ tùng xe máy ngày càng ăn nên làm ra. Có tiền, anh chị đầu tư mua mấy mảnh đất trên thị xã, sau này sẽ cho mỗi đứa con gái một mảnh làm của hồi môn.

Riêng cậu con trai thì sẽ được thừa kế toàn bộ ngôi nhà anh chị đang ở và một phần đất hương hỏa ở quê. Những sự tính toán đó của anh được chị hoàn toàn ủng hộ, tuy có phần thiên vị con trai nhưng dù sao nó cũng sẽ là người đứng ra lo liệu thờ cúng cha mẹ, ông bà tổ tiên về sau.

Chỉ có điều, chị không ít lần lăn tăn khi quan sát kĩ thằng bé và nhận thấy càng lớn càng khác xa các chị nó và không mang nét nào giống bố. Chị cố hình dung nó mang gien trội của mẹ đẻ mà trong lòng vẫn gợn lên một nỗi băn khoăn không dứt.

Cuộc sống êm đẹp cứ ngỡ sẽ tiếp diễn như thế lâu dài. Nhưng không ngờ anh mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Khi biết mình mắc bệnh khó qua khỏi, anh đã lặng lẽ giấu vợ con vì không muốn tốn kém chữa trị mà cuối cùng vẫn tiền cạn kiệt, người cũng không sống được. Thời gian phát bệnh của anh rất nhanh, chỉ sau hơn hai tháng bị di căn, anh đột ngột ra đi trước sự bàng hoàng của người thân.

Ngày đưa tang anh, hai người phụ nữ có con với anh trước kia (trong đó có mẹ thằng bé) đưa con gái về xin chịu tang bố, nghĩa tử là nghĩa tận, chị cũng đành lòng xé khăn tang cho những người đó. Trong đám tang, mẹ đẻ thằng bé kín đáo hỏi chị là anh đã kịp làm di chúc cho con trai thừa kế gia tài chưa? Nhìn ánh mắt và lời nói chứa đầy tham vọng của người phụ nữ đó, chị chợt nhắc mình cần phải cảnh giác, chị lạnh lùng nhắc lại những điều khoản trong bản cam kết và yêu cầu cô ta làm lễ viếng xong phải đưa con gái về ngay.

Khóc cười chuyện xét nghiệm ADN. Ảnh minh họa

Sau ngày anh mất, chị liên tục nhận được điện thoại của mẹ đẻ thằng bé, cô ta không ngớt thúc giục, thậm chí còn khóc lóc van nài chị hãy vì ước nguyện cuối cùng của anh mà làm ngay những thủ tục thừa kế cho con trai để linh hồn anh được thanh thản nơi chín suối.

Càng nghe những lời đó, nỗi nghi ngờ trong lòng chị lại càng lớn. Tại sao cô ta lại quá lo lắng đến việc thừa kế của con mình như vậy, khi nó là con trai duy nhất của anh và đã được chị chăm nuôi như con đẻ từ bé? Chờ qua lễ 49 ngày của chồng, chị thắp hương xin phép anh được đi tìm lời giải đáp cho những băn khoăn, nghi ngại trong lòng mình…

Ngày nhận kết quả xét nghiệm ghi hai đối tượng không phải bố con, gương mặt chị thoáng nét tức giận rồi trở lại bình thản ngay sau đó. Chị chào tôi ra về, tôi rất muốn biết chị sẽ xử lý chuyện này ra sao nhưng không dám hỏi ngay.

Mấy tháng sau, chị Ngân gọi cho tôi, vẫn bằng giọng nói điềm đạm, chị kể cho tôi nghe phần còn lại của câu chuyện. Chị đã đến gặp người phụ nữ kia, thẳng thừng vạch ra thủ đoạn cô ta lừa dối chồng chị như thế nào.

Cô ta sợ hãi quỳ sụp xuống xin chị tha thứ và hãy thương xót thằng bé, xin chị cho nó được sống cùng gia đình chị để được chăm lo ăn học thành người, nếu chị trả con về, coi như cuộc sống của mấy mẹ con cô ta bị đẩy vào ngõ cụt. Vì tương lai của con, cô ta xin tuân thủ tất cả những điều chị đưa ra, kể cả phải đi biệt xứ, không bao giờ xuất hiện trước mặt con trai nữa.

Chị nói tiếp, vẫn với vẻ điềm đạm: “Chị suy nghĩ kĩ rồi. Thằng bé vẫn là con của chị, nó chẳng có tội tình gì cả. Mình chỉ tìm ra sự thật cho sáng tỏ những thắc mắc trong lòng thôi. Chị sẽ nuôi dạy nó nên người cho đến khi trưởng thành thì tự nó sẽ quyết định về với mẹ đẻ hay ở tiếp với mình. Còn bây giờ điều cần nhất là mang đến cho nó một cuộc sống bình yên. Mọi thứ của cải vật chất cuối cùng đều là phù du thôi, quan trọng là tình người em nhỉ”.

Nghe những điều chị nói, tôi thấy ấm lòng vì sự bao dung của một người mẹ, nhưng cũng không khỏi chạnh lòng về sự ích kỉ của người lớn khiến cho một số phận trẻ thơ bị nhào nặn lắt léo. Chính vì vậy, trường hợp chị Ngân đã khiến tôi mất một thời gian dài suy nghĩ…

Phong Lan (ghi theo lời nhân vật)
Theo Đời sống Plus //