Lào Cai: Suối Ngòi San bị thắt dòng, người dân lo lũ lịch sử lặp lại

25-03-2021 07:08:21

Mỗi lần mưa lũ, toàn bộ nước thượng nguồn đều đổ dồn về suối Ngòi San rồi chảy ra sông Hồng. Tuy nhiên do suối bị thu hẹp, nước không thoát kịp khiến người dân xã Quang Kim (huyện Bát Xát, Lào Cai) thường xuyên chịu cảnh ngập lụt.


Lo lắng trước tình trạng suối Ngòi San bị thu hẹp, nước không thoát kịp gây ngập úng, một số hộ dân đã chuẩn bị thuyền để phòng trường hợp có lũ còn chạy được hoa màu. Ảnh: PV

Ký ức kinh hoàng

Ông Trần Quang Phấn (ở xã Quang Kim) kể cho chúng tôi nghe về trận mưa bão gây ngập lụt và sạt lở đất kinh hoàng hồi tháng 10 năm ngoái. Lũ lớn không chỉ cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi, hoa màu của người dân mà còn cướp đi một cháu bé 3 tuổi theo dòng nước dữ.

Cũng tại huyện Bát Xát, tháng 8/2016, một trận lũ ống, lũ quét đổ ập xuống mảnh đất Phìn Ngan khiến lòng người nghẹn thắt. Dòng suối đỏ bầm như máu cuồn cuộn chảy, nhìn những ngọn cây chấp chới trước dòng lũ như cánh tay người dân bị nạn đang cầu cứu. Trận lũ lịch sử ấy đã làm 11 người chết và mất tích. Đây là thiệt hại nặng nề mà những cao niên như ông Phấn lần đầu chứng kiến.

Bà Vàng A Châu, một cao niên khác của xã Kim Quang kể thêm: Sau trận lũ lịch sử rạng sáng 5/8/2016, hàng trăm hộ dân và hecta hoa màu ở các thôn làng Quang, làng Kim, làng San bị ảnh hưởng nặng nề. Nước lũ rút, bà con oằn mình gấp rút khôi phục nhà cửa, rửa dọn đồ đạc. Một vài người dân có ruộng lúa, bãi ngô bị lũ lấp ra ruộng cũng chỉ biết trông mắt nhìn, nhặt nhạnh vài khúc củi sót lại về đun. Sau một ngày xảy ra lũ đến Quang Kim - xã Anh hùng trong thời kỳ đổi mới, nhiều người vẫn không thể nhận ra đâu là ruộng, đâu là vườn, ao chum hay sông suối. Dòng suối Ngòi San thường ngày hiền hòa là vậy mà trong trận lũ đã mang một lượng bùn đất khổng lồ tràn ngập những cánh đồng trù phú, những ruộng rau xanh mướt chưa kịp thu hái. Một số người khóc lạc giọng khi chẳng thể tìm thấy đâu là nền nhà của mình trong đống đổ nát hoang tàn trước mặt.

"Lũ quét đục ngầu, réo ào ào, cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó. Dù đã chủ động phòng tránh nhưng chúng tôi lại bị động khi dòng suối Ngòi San không thể thoát nước kịp thời dẫn đến lũ quét ập về", bà Châu nói.

Thấp thỏm trước mùa mưa lũ


Một đoạn suối Ngòi San mới bị đổ trộm đất thải (ảnh chụp tháng 3/2021).

Nằm dọc vành đai của dãy Hoàng Liên, khu vực cửa khẩu Kim Thành là nơi cửa suối Ngòi San chảy ra sông Hồng. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng đổ đất, lấn chiếm vào dòng chảy diễn ra liên tục khiến cửa ngòi vốn đã hẹp nay con nước suối Ngòi San lại bị thắt cổ chai.

"Dòng suối Ngòi San là nơi thoát nước chính của xã Quang Kim. Nếu không có biện pháp khơi thông, mở rộng dòng chảy để thoát lũ từ khu vực bên trong ra sông Hồng thì lúc mưa lũ xảy ra, người dân nơi đây sẽ phải hứng chịu. Thực tế là những năm qua, các trận lũ lụt đều gây ảnh hưởng rất lớn đến người dân sinh sống bên hai bờ suối Ngòi San. Chúng tôi đã tổng hợp ý kiến và phản ánh lên xã, rồi xã nói đã phản ánh về huyện, huyện thì bảo chờ ý kiến của tỉnh. Bây giờ đã là cuối tháng 3, khi mùa mưa lũ cận kề nhưng chưa thấy cơ quan nào can thiệp khiến hơn 200 hộ dân sinh sống ở khu vực này ai cũng thấp thỏm, lo âu", ông Dương Minh Tiến, Trưởng thôn Làng Quang (xã Quang Kim) chia sẻ.

Tại Quang Kim, tới thời điểm này, những dấu vết của những trận mưa lũ vẫn còn in hằn lên tường nhà hộ dân. Chắt chiu bao năm, họ mới tích cóp được số tiền ít ỏi mua sắm đồ đạc, vật dụng trong nhà, thế nhưng mỗi mùa mưa bão qua lại lấy đi tất cả. Trận lũ lịch sử năm 2016, nhà ông Tiến cùng toàn bộ nhà cửa, đồng ruộng Làng Quang ngập cao đến 2,8m. Còn năm 2020, nhà ông Tiến cũng ngập hơn 1m nước. Vì vậy, lúc nào trong nhà cũng chuẩn bị thuyền để phòng trường hợp có lũ còn… chạy.


Trận bão lũ tháng 8/2016 mang một lượng bùn đất khổng lồ tràn ngập những cánh đồng trù phú ở Quang Kim.

Trưởng thôn Làng Quang cũng cho biết, từ ngày làm đường cao tốc phải nắn suối Ngòi San, rồi người ta đổ đất bừa bãi thành ra lòng suối trước đây rộng mấy chục mét thì nay rất hẹp, còn bị thắt cổ chai. Cũng theo ghi nhận tại khu vực cầu Vòm ngược lên đến cửa suối Ngòi San có nhiều điểm đổ đất mới. Tuy nhiên do suối Ngòi San là địa bàn giáp ranh giữa thành phố Lào Cai và huyện Bát Xát nên tình trạng đổ trộm đất vào suối diễn ra trong thời gian dài mà không có cơ quan nào ngăn chặn.

Nhiều xã lân cận của Quang Kim cũng kiến nghị UBND huyện Bát Xát sớm bố trí các địa điểm làm bãi đổ thải đất, đá phục vụ khắc phục hậu quả mưa lũ. Mỗi lần có mưa lớn gây sạt lở đất đá xuống đường, các địa phương đành phải khắc phục tạm bợ để người và phương tiện lưu thông, tuy nhiên về lâu dài vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Chủ tịch UBND xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) cho biết, với tác động của môi trường như hiện nay cùng những trận mưa bão đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông lâm nghiệp của người dân trên địa bàn. Tại nút thắt cổ chai nơi suối Ngòi San đổ ra sông Hồng, hiện tượng san gạt đất giữ bờ kè, đổ trộm chất thải có tác động không nhỏ tới dòng chảy khi mùa mưa lũ đến. Đặc biệt, năm 2021 xác định là năm có tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thời tiết. Do vậy, chính quyền địa phương đã kiến nghị huyện, tỉnh sớm có biện pháp khơi thông, mở rộng dòng chảy để thoát lũ từ khu vực bên trong ra sông Hồng.

 

Nhóm Phóng Viên
Theo Giadinh.net //