Lái xe kinh doanh vận tải phải có thêm 'chứng chỉ hành nghề' có hợp lý?
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ đang lấy ý kiến doanh nghiệp yêu cầu: Để lái xe kinh doanh vận tải, bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) được Bộ GTVT bổ sung nhiều điểm mới. Trong đó có đề xuất người điều khiển xe kinh doanh vận tải phải bổ sung chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải. Quy định này nằm ở khoản 11 Điều 9 của dự thảo.
Theo đó, chi tiết về chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải được quy định tại Điều 109 của dự thảo. Cụ thể, người có nhu cầu được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn tại các cơ sở đào tạo lái xe theo nội dung và chương trình quy định.
Hiện nay, việc yêu cầu lái xe vận tải có chứng chỉ hành nghề không quá xa lạ. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị vận tải cho phép tài xế sử dụng chứng chỉ sơ cấp để đủ điều kiện vào làm việc. Thep báo Đầu tư, trong văn bản gửi Bộ Giao thông - Vận tải góp ý cho Dự thảo trên, VCCI khẳng định, đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành và cần được cân nhắc.
Ảnh minh họa
Thứ nhất, yêu cầu này tăng thủ tục xin-cho không cần thiết. Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép. Để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.
Thứ hai, trùng lặp về mục tiêu quản lý. Mục tiêu của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” suy đoán là nhằm đảm bảo người lái xe kinh doanh vận tải có đủ kỹ năng lái xe an toàn, đảm bảo an toàn giao thông, tính mạng của khách hàng và người tham gia giao thông khác cũng như an toàn hàng hóa.
Tuy nhiên, mục tiêu này cũng hoàn toàn trùng lặp với mục tiêu của “giấy phép lái xe” từng hạng xe (đặc biệt là các xe phục vụ mục tiêu kinh doanh là chủ yếu). Lái xe kinh doanh vận tải hay lái xe không kinh doanh (bao gồm cả vận tải nội bộ) thì đều phải đảm bảo yếu tố an toàn theo mục tiêu này. Nói cách khác, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”. Đó là chưa kể nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo.
Một khía cạnh khác cũng được VCCI chỉ ra là quy định trên tạo ra nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo. Theo đó, mặc dù chưa được quy định chi tiết nhưng những nội dung đào tạo để cấp chứng chỉ hành nghề có khả năng lớn là trùng lặp với đào tạo để cấp giấy phép lái xe (do mục tiêu quản lý là trùng lặp).
“Có thể với chứng chỉ, một số nội dung khác không liên quan đến kỹ năng lái xe mà về các nghiệp vụ kinh doanh sẽ được bổ sung. Tuy nhiên, nếu đúng thì việc đào tạo này là không cần thiết, vì mục tiêu quản lý cho các lái xe là hướng đến lái xe an toàn – kinh doanh là vấn đề của chủ doanh nghiệp, không phải của các lái xe.
Do đó, yêu cầu người lái xe đã có giấy phép lái xe phải có thêm “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải” là chưa hợp lý, tạo gánh nặng về thủ tục, chi phí và thời gian của lái xe và hoặc doanh nghiệp, khi phải trải qua hai lần đào tạo, hai lần cấp giấy phép. Đề nghị ban soạn thảo bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, VCCI nêu quan điểm.
Tuy nhiên, về vấn đề trên, ông Bùi Đình Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, nhận định với PLO rằng việc yêu cầu lái xe vận tải cung cấp chứng chỉ hành nghề là cần thiết. Hiện nay, các doanh nghiệp vận tải thuộc hiệp hội vẫn yêu cầu tài xế cung cấp chứng chỉ thực tập.
Đồng thời, chủ doanh nghiệp và hiệp hội phải có kỳ tập huấn, giáo dục để tài xế chấp hành luật lệ giao thông và các kỹ năng nghiệp vụ khác. Nếu không có các khóa nghiệp vụ này, vô hình trung làm cho doanh nghiệp xa rời và bỏ mặc tài xế lái xe dễ dẫn đến nguy hiểm.