Kỳ cuối: 'Làng cháy' Luân Phượng vẫn cháy và sự bất lực của cơ quan chức năng
Các vụ cháy ở làng Luân Phượng kéo dài đã 2 năm nhưng các cơ quan chức năng không tìm ra nguyên nhân. Bước sang năm 2018 tiếp tục xảy ra 10 vụ cháy lớn nhỏ.
LTS: Nạn cháy ở 'làng cháy' xứ nghệ Luân Phượng (xã Đồng Văn, Thanh Chương, Nghệ An) từ lúc bùng phát tính đến nay đã hơn 2 năm. Lực lượng chức năng địa phương đã áp dụng rất nhiều biện pháp để truy tìm nguyên nhân nhưng đến giờ tất cả vẫn là bí ẩn. Nạn cháy kéo dài không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn làm người dân hoang mang lo sợ.
Xem kỳ 2: Những lời đồn thổi rợn tóc gáy ở 'làng cháy' nơi miền Tây xứ Nghệ
Bất lực với "ma lửa"
'Làng cháy' Luân Phượng vẫn cháy và sự bất lực của cơ quan chức năng
Nếu như năm 2016, làng Luân Phượng liên tục xảy ra cháy, chủ yếu là cháy cây rơm thì sang năm 2017 các vụ cháy ít hơn hẳn. Dù chưa tìm ra nguyên nhân nhưng người dân Luân Phượng đã rất vui mừng khi nghĩ rằng những vụ cháy bí ẩn sẽ không còn xuất hiện.
Đã có người khẳng định chắc nịch, thủ phạm gây cháy đã không dám xuất hiện vì chính quyền lắp camera giám sát khắp nơi. Từ đây có thể kết luận, chẳng có ma quỷ nào cả, nguyên nhân cháy là do con người, chỉ có điều chưa tìm thấy thủ phạm.
Không còn nỗi lo "ma lửa", cuộc sống dần trở lại bình thường, dân “làng cháy” yên tâm ra đồng cày cấy sản xuất, tích trữ rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò. Đội “phản ứng nhanh” với đầy đủ xô chậu, kẻng báo động… do các bô lão trong làng lập ra cũng tin rằng đã đến lúc được nghỉ ngơi. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang khi bước sang năm 2018 "làng cháy" Luân Phượng lại bốc hỏa.
"Làng cháy" tiếp tục cháy khiến dân càng hoang mang lo sợ Ảnh: báo Nghệ An
Người dân lại xôn xao sống trong bất an, chính quyền... lại sốt sắng vào cuộc. Và, cũng như mọi khi, "thủ phạm" vẫn tiếp tục châm lửa đốt rơm trong sự bất lực đến cùng cực của người dân và cơ quan chức năng.
Nếu như năm 2016, gia đình ông Lê Duy Thọ đã từng bị cháy cây rơm tới 4 lần thì vào năm 2018, cây rơm nhà ông Thọ lại cháy thêm… 2 lần nữa.
Ông Thọ cho biết, cuối tháng 5/2018, có một vụ cháy bùng phát ở cây rơm nhà một hộ dân cách nhà ông mấy trăm mét, khói bốc lên nghi ngút. Nghe báo động, cả làng tá hỏa kéo ống nước và các dụng cụ cứu hỏa đến giúp. Chưa dập xong, ông Thọ điếng người khi có người hô hoán thấy lửa ngùn ngụt phía nhà mình. Dù đã cố gắng hết sức dập lửa nhưng cuối cùng cây rơm nhà ông Thọ chỉ còn lại đống tro đen.
Ông Thọ mệt mỏi và tỏ ra bất lực khi không có cách nào để tìm ra thủ phạm gây cháy.
Cây rơm cũ vừa bị bà hỏa thiêu xong, một tháng sau, khi đang vào mùa thu hoạch, gia đình ông Thọ tiếp tục kéo rơm rạ về chất đống ở một cái kho ngoài sân. Một hôm đang nằm ngủ trưa, ông Thọ bỗng ngửi thấy mùi khét. Đã có "kinh nghiệm" từ những vụ cháy trước nên ông Thọ bật dậy như chiếc lò xo vì biết chắc là rơm cháy. Lần này, nhờ phát hiện sớm, vụ cháy nhanh chóng được dập tắt.
Ở làng Luân Phượng, nhà ông Trần Văn Huy được xem là may mắn khi suốt hai năm trời không một lần bị bà hỏa ghé thăm. Thế nhưng, cũng lo xa nên ông Huy vẫn sắm đủ các dụng cụ như máy bơm, vòi nước, xô chậu... để sẵn sàng đối phó với giặc lửa.
Tưởng như những dụng cụ kia là thừa thãi thì bất ngờ một đêm giữa tháng 5/2018, vợ chồng ông Huy đi chơi hàng xóm về, mới ngả lưng được một lát đã thấy ánh lửa bốc lên gần cửa sổ. Nhận ra cây rơm nhà mình bốc cháy cả nhà ông Huy chồm dậy vừa dập lửa vừa hô hoán tìm sự trợ giúp. Rất đông người đã cùng nhau khống chế bà hỏa nhưng cuối cùng bất lực. Cây rơm nhà ông Huy đã biến thành đống tro sau vài chục phút bốc hỏa.
Nhà bà Trần Thị Liên có 2 mẹ con đang sống với nhau, nhận làm mấy sao ruộng và nuôi thêm 2 con bò. Những lúc nông nhàn, bà thường đi cắt cỏ, dành rơm cho bò ăn mùa đông. Mấy lâu do nạn cháy rình rập, gia đình thấp thỏm lo sợ và cũng chỉ biết cầu nguyện "ma lửa" sẽ chừa nhà mình ra.
Nhà có 2 mẹ con, quanh năm đầu tắt mặt tối với ruộng đồng, sống hòa nhã với người làng trên xóm dưới. Bà Liên vẫn thường nghĩ, nếu có kẻ xấu bụng ra tay phóng hỏa chắc cũng không nỡ làm hại mẹ con bà. Thế nhưng, cây rơm nhà bà Liên cuối cùng cũng bị cháy rụi, không phải một mà đến hai lần bị cháy.
Chính quyền nợ người dân một câu trả lời
Người dân ở làng Luân Phượng bảo, họ rất ghi nhận sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Các cấp lãnh đạo cũng về nằm vùng tháng này qua tháng khác, cũng đủ phương án "tác chiến", chỉ có điều kết quả là con số 0.
Khi không thể đặt niềm tin vào lãnh đạo địa phương, người dân đành tự tìm cách "cứu mình". Trước đó, một số hộ gia đình đã chọn cách bỏ tiền của xây các nhà rơm kiên cố, lợp tôn, quây rào bằng lưới B40 kín mít, lắp thêm khóa đề phòng người lạ ra vào, nhưng vẫn cứ cháy. Cách tốt nhất người dân Luân Phượng lựa chọn là vác rơm đi gửi các xóm lân cận.
“Nhà chứa rơm được xây và che lợp rất kín, khóa cửa cẩn thận nhưng không hiểu sao lửa lại có thể bốc lên và cháy từ giữa ra. Thậm chí có người tự phán đoán trưa nay nhà mình sẽ xảy ra vụ cháy nhà chứa rơm nên mang xô, chậu đựng đầy nước ra đứng canh. Và sau đó đúng là đã xảy ra vụ cháy.
Đang mùa thu hoạch nên dân tui cứ vội vã chất rơm lên xe đi gửi, cả làng luôn. Giờ ai cũng lo nơm nớp, lúc ở nhà cũng như lúc đi làm ngoài đồng, cháy rơm còn chịu được, chứ cháy luôn cả nhà thì biết làm sao”, một người dân lắc đầu ngao ngán cho biết.
Không những chỉ cháy cây rơm, có gia đình lửa đã cháy lan khiến chuồng trâu cũng bị thiêu rụi, có nhà cháy vào cả nhà nhưng may mắn dập được lửa. Tháng 5/2018 vừa rồi xảy ra vụ cháy lớn ở gia đình nhà bà Trần Thị An, giữa làng Luân Phượng. Bà An năm nay đã cao tuổi, nằm bẹp một chỗ, có người con gái ở cùng trông coi.
Lửa tiếp tục cháy lan cả vào vật dụng trong nhà bà An.
Hôm đó có cháy một cây rơm ở nhà cách đó mấy trăm mét, con gái bà cũng tham gia dập lửa, vừa trở về đầu cổng thì đã thấy khói bốc lên trong nhà. Hóa ra tấm đệm dưới chân mẹ mình đang bén lửa, trong khi bà An vẫn nằm thiêm thiếp trên đó. Lửa đã bén sang cả tấm ri đô ở bàn thờ ngay cạnh đó.
Quá hốt hoảng, con gái bà An kêu gào ầm ỹ, mấy thanh niên cạnh đấy tức tốc chạy sang bế bà An ra ngoài, số còn lại thi nhau dội nước. Đêm đó, họ hàng phải gửi bà An sang tá túc ở làng bên, rồi cắt cử người trông coi vì sợ ngọn lửa có thể bùng lên bất cứ lúc nào. Cứ thế, cả nhà phải canh chừng suốt mấy hôm, đến khi thấy "ổn định tình hình" mới dám đưa bà An về.
Theo thống kê của người dân ở đây, bước sang năm 2018, “làng cháy” Luân Phượng đã xảy ra 10 vụ cháy lớn nhỏ, bắt đầu từ vụ cháy ở nhà ông Trần Đình Mậu hồi tháng 3; trong đó chủ yếu là cháy cây rơm, nhà rơm, kể cả rơm đang phơi trên đường. Các vụ cháy ở xóm Luân Phượng có đặc điểm là xảy ra bất cứ lúc nào, không kể đêm hay ngày, mưa hay nắng.
Ông Thiện cùng cây kẻng báo cháy sẵn sàng ứng cứu với các vụ cháy bí ẩn bất ngờ trong thôn
Tất nhiên khi cháy vẫn cứ cháy và chính quyền tỏ ra bất lực thì người dân lại tin vào tâm linh. “Nếu hằn thù cá nhân thì chỉ một vài nhà, đằng này cả làng cháy. Hơn nữa, chúng tôi nghĩ chắc chắn không phải do con người, ai có đủ tính toán tài tình để có thể đốt hàng chục vụ mà không bị tóm, nếu có thù hằn nhau cùng lắm đốt dăm ba vụ là phát hiện được ngay.
Chính quyền đã tích cực tuyên truyền người dân tố giác tội phạm và tổ chức bỏ phiếu kín nhằm tìm ra kẻ xấu, vẫn không có kết quả. Nếu như nguyên nhân do khí thì trước đó hồi 2016 đã có cán bộ lấy mẫu đất mang đi, đến giờ vẫn chưa có kết quả.
Lúc cháy cao điểm, Công an xã Đồng Văn đã cử lực lượng túc trực 24/24 h để cùng ứng phó với bà con. Tuy nhiên, có hôm có sự hiện diện của lực lượng công an các cấp, nạn cháy trong xóm vẫn diễn ra một cách khó hiểu', ông V. - một người cao tuổi trong làng Luân Phượng tỏ ra hoang mang.
Ông V. cũng nói rằng, đã hai năm rồi nhưng không tìm ra nguyên nhân sự việc khiến cuộc sống của bà con không thể ổn định, vô cùng mệt mỏi.
"Nếu thời gian tới vẫn cháy thì không chết vì cháy mà chết vì lo lắng bất an cho mà xem”, ông Thiện, một cao niên trong làng chuyên túc trực đánh kẻng báo cháy chia sẻ.
Một người dân khác thở dài: “Chúng tôi biết xã và cả huyện đều đã tập trung cao độ để đối phó, nhưng đúng là đến lúc này cũng lực bất tòng tâm. Chúng tôi đề nghị huyện, tỉnh và các cơ quan khoa học nhanh chóng vào cuộc một cách khẩn trương, nhanh nhất có thể. Hai năm rồi, chính quyền địa phương vẫn nợ chúng tôi một câu trả lời”.
Sáng 23/8, trả lời chúng tôi, ông Nguyễn Quốc Chương - Chủ tịch UBND xã Đồng Văn thừa nhận, không thể tìm ra thủ phạm dù xác định nguyên nhân các vụ cháy là do con người.
"Kể từ tháng 5/2018 đến nay làng Luân Phượng không còn xảy ra vụ cháy nào nữa, tình hình ở địa phương khá ổn định. Chúng tôi vẫn xác định tác nhân gây cháy là do con người nhưng không bắt được thủ phạm.
Công an huyện cũng chịu, họ cũng đã báo cáo tỉnh. Chúng tôi là cán bộ ở địa phương cũng chỉ biết tổ chức lực lượng, tuần tra kiểm soát, điều tra truy xét rồi báo cáo với huyện chứ cũng không biết làm gì hơn. Đã mấy tháng không xảy ra cháy và hy vọng sẽ không còn cháy nữa', ông Chương chia sẻ.
Xem thêm: Thông tin mới nhất vụ nam thanh niên bị đâm tử vong tại quán karaoke