Kinh hãi những chuyến phà 'dỡn' mặt tử thần ở Nam Định - Ninh Bình

27-01-2020 10:02:19

Các huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) và Kim Sơn, Yên Khánh (Ninh Bình) bị chia cắt bởi con sông Đáy mà không có cây cầu nào nối hai bờ sông. Thay vào đó là những bến đò phà lớn, nhỏ được bố trí suốt chiều dài hàng chục km từ đầu huyện đến cuối huyện.

Trong số đó, có những bến đò phà lớn như Tam Tòa, Đò Mười, Quỹ Nhất,…Khi chưa có nổi một cây cầu nối liền hai bên như mong mỏi từ bao đời nay của người dân hai bên bờ sông, việc đi lại trên những chuyến đò phà là sự lựa chọn duy nhất.

Không chỉ ngày Tết, các bến đò phà này hoạt động gần như 24/24h kể cả ngày thường mới đáp ứng được nhu cầu đi lại và thông thương hàng hóa không chỉ cho nhân dân các huyện Kim Sơn, Yên Khánh của tỉnh Ninh Bình và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định, mà còn là tuyến đường nối các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu (Nam Định) với các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An...


Bến đò phà hoạt động hết công suất trong những ngày Tết.

Tuy nhiên, có một thực tế là sau một thời gian dài các tuyền đò phà này trang bị áo phao, phao cứu sinh theo kiểu “trang bị cho có” nhằm đối phó với lực lượng chức năng, đến nay, do sự buông lỏng quản lý nên các tuyến đò phà này thậm chí còn không được trang bị bất kỳ một thiết bị nổi nào để phòng trường hợp bất trắc không may xảy ra.


Không có bất kỳ thiết bị nổi nào được trang bị trên phà.

Có mặt tại bến đò phà Quỹ Nhất (theo cách gọi của người dân huyện Nghĩa Hưng) hay còn gọi là bến đò Quang Thiện (theo cách gọi của người dân bên kia bờ sông) vào ngày 26/1 (mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý), PV Infonet nhận thấy, hoạt động của bến phà này luôn trong trạng thái hết công suất với hai chiếc phà lớn liên tục đi – về cùng những người và xe chật như nêm.


Thở phào khi phà cập bến.

Đáng chú ý, không một hành khách nào trên những chuyến phà này được trang bị áo phao. Nghiêm trọng hơn, có tìm mỏi mắt cũng không thấy bất kỳ một thiết bị nổi nào như áo phao hay phao cứu sinh được treo trên phà.


Một trong hai chiếc phà hoạt động thường xuyên tại bến phà Quang Thiện - Quỹ Nhất. Trước đây, những chiếc phao cứu sinh và áo phao được treo "cho có" ở phía dưới mái tôn này, nhưng nay đã không còn.

Chiếc “phao cứu sinh” duy nhất trên chuyến phà mang số hiệu “NĐ 3009: 48N – 2 ô tô” được treo bên lan can nhưng lại là chiếc phao bị vỡ làm hai mảnh.


Thứ duy nhất được gọi là "phao cứu sinh" cho gần 100 hành khách trên phà.

Chuyến phà này chở tới 20 chiếc xe máy, 8 xe ô tô từ 4-16 chỗ cùng hơn 80 hành khách gồm cả người lớn và trẻ nhỏ. Mức giá dịch vụ ngày Tết cũng được chủ đò phà tự ý tăng giá đến mức phi lý.


Nín thở chờ phà cập bến.

Cụ thể, mức phí đối với xe máy là 15.000 đồng/xe (đầu từ Kim Sơn sang là 20.000 đồng/xe), mức phí đối với ô tô là 50.000 đồng/xe. Đây rõ ràng là một mức giá không tương xứng với chất lượng dịch vụ do các chủ đò, phà cung cấp.



Người và xe chen chúc nhau không còn một chỗ trống.

Theo ước tính, với việc tăng giá dịch vụ như trên, mỗi ngày trong dịp Tết này, chủ bến đò phà này thu về hàng trăm triệu đồng. Mức doanh thu “khủng” như vậy cũng không khiến cho các chủ đò mảy may nghĩ về việc trang bị an toàn cho hành khách.


Sông nước mênh mông có thể chứa đựng những bất trắc, nhất là nguy cơ đò phà có thể va chạm với tàu bè qua lại.

Trong khi đó, mức giá theo quy định của UBND tỉnh Nam Định ban hành theo Quyết định số 52/2016/QĐ-UBND ngày 29/12/2016 là tối đa 5.000 đồng/xe máy và 20.000 đồng/xe ô tô đến 5 ghế ngồi.


Chiếc phà còn lại tại bến phà Quang Thiện - Quỹ Nhất.

Trên những chuyến phà như thế này đều được dán bảng "Nội quy bến đò", trong đó quy định trách nhiệm của bến đò là "phát áo phao cho khách trước khi cho đò rời bến" và "bán vé cho khách theo đúng giá vé đã niêm yết"; Nghĩa vụ của khách đi đò là "mua vé đầy đủ và mặc áo phao khi xuống đò". Tuy nhiên bảng nội quy này dường như chỉ được dán một cách chống đối. 


Liên tục hai chiếc phà đi - về từ sáng sớm tới tận đêm muộn.

Theo tìm hiểu, tại các bến đò phà còn lại trên tuyến sông này, sự an toàn của hành khách cũng bị các chủ đò phà “bỏ quên”. Nhưng cũng cần phải nói rằng sự chủ quan của chính những hành khách qua sông đã góp phần làm nên tình trạng này.



Tại bến đò Thượng Trại (cách bến đò Quỹ Nhất chưa đầy 1km), tình trạng tương tự cũng diễn ra. 

Tại bến phà Đò Mười, một bến phà lớn và nổi tiếng nhất trên tuyến sông này, mặc dù chủ đò phà trang bị áo phao và phao cứu sinh trên khoang lái và lan can phà, nhưng số lượng là quá ít ỏi, và thậm chí chúng còn không được ai ngó ngàng đến.


Bến phà Đò Mười (nối từ huyện Yên Khánh sang Nghĩa Hưng) ngày mùng 1 Tết. Chỉ đến khi phà cập bến khách mới chắc chắn mình đã an toàn.

Theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 5 Thông tư 22/2014/TT-BGTVT ngày 06/06/2014 đối với phà chở hành khách và xe ô tô phải được trang bị đủ số lượng, đúng chủng loại các trang thiết bị, dụng cụ cứu sinh, cứu đắm, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
 
PV
Theo Infonet //