Kiếm ngon lành 30 triệu một tháng nhờ nghề lạ ít người làm
Nghề nuôi trai cung cấp cho cơ sở cấy nhân tạo ngọc trai hiện chưa có ai làm. Nhận thấy mảnh đất màu mỡ này, anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã mạnh mẽ thử sức và thành công.
Theo tin tức từ báo Dân Trí, dến khu vực đầm Nha Phu (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa), hỏi anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) làm nghề nuôi trai thì không ai không biết. Thời điểm này, anh Tuấn cũng đang thu hoạch mẻ trai sau 7 tháng thả nuôi, với hơn 10 lao động đang tất bật làm việc.
Khi chúng tôi tới, anh Tuấn cho biết đang kéo các lồng bè lên, xuất bán 4 lô trai đạt tiêu chuẩn, với hơn 4 tấn. Hiện giá trai anh Tuấn bán tại lồng là 17.000 đồng/kg.
“Số trai xuất bán lần này, sau trừ tiền giống, chi phí nuôi dưỡng, công chăm sóc thì cũng lãi 20-30 triệu đồng”, anh Tuấn tiết lộ.
Anh cho biết, tháng nào anh cũng xuất bán trai và doanh thu không thay đổi. Cụ thể, mỗi tháng xuất bán từ 5 đến 8 tấn trai, tương đương hơn 1 triệu con giống. Sau khi xuất bán, có lãi thì anh lại mua con giống mới tiếp tục thả nuôi.
Theo tìm hiểu, nghề nuôi trai là một trong những nghề mới ở Khánh Hòa nên ít người nuôi vì chưa có kinh nghiệm. Tuy nhiên, nghề này mang lại thu nhập hàng chục triệu đồng/tháng, được cho là nghề “hái ra tiền” hiện nay ở Khánh Hòa.
“Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi cho nên đến nay việc nuôi trai của gia đình tôi rất thuận lợi. Sau 7 tháng nuôi, trai đạt trọng lượng trung bình từ 17 - 20 gram/con”, anh Tuấn vui mừng nói.
Theo anh Tuấn, tiêu chuẩn đáp ứng trai nguyên liệu phải đạt trọng lượng từ 10 gram/con. Sau đó, số trai này sẽ được đơn vị thu mua nuôi dưỡng thêm 7 đến 8 tháng rồi cấy nhân tạo ngọc trai.
Trong khi đó, ở Ninh Bình, có nông dân cũng kiếm tiền tỷ mỗi năm nhờ nghề nuôi trai. Đi lên từ 2 bàn tay trắng, người nông dân chân chất dám nghĩ dám làm Đinh Văn Việt (sinh năm 1974, xóm Nội, xã Khánh Lợi, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) đã trở thành tỷ phú nhờ vào việc áp dụng thành công kỹ thuật nuôi cấy ngọc trai nước ngọt.
Cơ sở nuôi trai của anh Tuấn đang thu hoạch. Ảnh: Dân Trí
Hơn 3.000 hécta mặt nước để nuôi ngọc trai, mỗi năm gia đình ông Việt đạt mức thu nhập khoảng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ đồng. Hiện tại, ông đang tiếp tục triển khai chuỗi cửa hàng, tạo ra làng nghề phục vụ và biểu diễn quy trình kỹ thuật cho khách du lịch. Mục tiêu lâu dài đó là xuất khẩu tại chỗ và bán ra nước ngoài.
Trước đây, việc mua được viên ngọc trai cũng không dễ dàng, có khi người dân phải ra tận Phú Quốc thì mới mua được ngọc có chất lượng tốt. Vì thế ông Việt luôn luôn ấp ủ ước mơ có thể nuôi trai lấy ngọc trên đất liền.
Trong một lần tình cờ ông được tham gia chương trình thử nghiệm của phái đoàn Nhật về thí nghiệm nuôi cấy trai lấy ngọc ở Hạ Long, ông may mắn là một trong số ít người biết tiếng Nhật nên đã được đào tạo chuyên sâu về nuôi cấy ngọc trai theo phương pháp Nhật Bản.
Năm 2004, ông Việt thành lập doanh nghiệp riêng ở Hạ Long, đến năm 2010 ông chuyển vào Huế, thế nhưng cả 2 địa điểm này đều không thuận lợi cho việc nuôi cấy ngọc trai nước ngọt và hầu như không thu được lợi nhuận. Nhưng có lẽ cái duyên nợ của ông với ngọc trai vẫn chưa dứt.
Năm 2012, ông trở về Ninh Bình. Trong lúc đi bộ dọc đê sông Đáy, ông thấy bà con bán trai lấy ruột, còn vỏ thì bỏ đi. Ông thấy phí quá và lúc này “đam mê” của ông lại trỗi dậy, ông quyết định mua 1 tấn trai để cấy ghép và thành công đến từ đó, báo Khoa học Phát triển đưa tin.