Không chỉ trẻ em, phụ nữ sau sinh cũng phải bổ sung vitamin A
Nếu khi mang thai bà bầu phải hạn chế bổ sung vitamin A vì nguy cơ dị tật thai nhi thì theo các chuyên gia y tế, ngay tháng đầu sau sinh chị em cần bổ sung ngay nhưng đa phần mọi người lại lãng quên việc này.
Vì sao bà mẹ sau sinh nhất thiết phải bổ sung vitamin A?
Thông thường trẻ nhỏ là đối tượng cần bổ sung vitamin A nhưng vì sao bà mẹ sau sinh nhất thiết phải bổ sung vitamin A?
Trao đổi với PV Đời sống Plus, Ths.BS Trần Thu Phương, Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết từ trước tới nay, đa số các bà bầu mới chỉ tập trung bổ sung vitamin A cho con trẻ trong 2 năm đầu đời mà quên mất việc chính mình phải bổ sung Vitamin A liều cao trong tháng đầu sau sinh.
Cùng quan điểm với Ths.BS Trần Thu Phương, PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng cho biết, khi bà mẹ không uống bổ sung vitamin A ngay sau sinh, sữa mẹ dễ bị thiếu vi chất quan trọng này. Trong khi đó chỉ, cơ thể lại cần một liều vitamin A duy nhất là đủ cho việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Theo đó, bổ sung vi chất này có thể làm giảm 24% tỷ lệ tử vong của tất cả các nguyên nhân khác nhau. Không chỉ vậy, nhiều nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng, Vitamin A có mối quan hệ mật thiết với chức năng phổi của trẻ với bà mẹ. Trong đó đó, chức năng phổi của trẻ được cải thiện rõ rệt.
"Vì thế, sẽ là rất thiếu sót cho bà mẹ nào không chú ý bổ sung vitamin A trong tháng đầu sau sinh"- PGS.TS Lê Danh Tuyên nói
PGS.TS Lê Danh Tuyên cũng nhấn mạnh, để phòng ngừa thiếu vitamin A, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên được bú sữa mẹ, đặc biệt là sữa non.
Nhiều nguy cơ gặp phải khi bà mẹ quên bổ sung vitamin A sau sinh
Có nhiều nguy cơ gặp phải khi bà mẹ quên bổ sung vitamin A sau sinh
Ths.BS Trần Thu Phương, chính vì tâm lý sau khi sinh con tập trung tất cho con mà ít người để ý đến bản thân nên không đi uống bổ sung vitamin A dẫn đến tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ rất thấp.
Trong khi đó, theo đánh giá của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ vitamin A trong sữa mẹ chỉ đạt từ 20-30% thì xếp loại thiếu ở mức trung bình; còn trên 30% là thiếu mức độ nặng. Tại Việt Nam, theo khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, có rất nhiều tỉnh thành phố có tỷ lệ các mẹ thiếu vitamin A trong sữa ở mức độ nặng.
"Việc thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở những đối tượng đặc biệt như phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai, nuôi con bú và trẻ em dưới 5 tuổi ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ con người
Khi bị thiếu vitamin A trẻ sẽ kém phát triển, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đặt biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa và hô hấp. Nó cũng là nguyên nhân gây bệnh khô mắt, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ để lại hậu quả mù lòa vĩnh viễn"- Ths.BS Trần Thu Phương nhấn mạnh.
Đặc biệt, PGS Tuyên nhấn mạnh, việc thiếu hụt vitamin A trong sữa mẹ sẽ khiến cơ thể trẻ không có đủ vitamin A dù có được uống bổ sung vitamin A đầy đủ. Vì thế sau sinh các mẹ nhất thiết phải bổ sung vitamin A liều cao vì sức khỏe, thể chất của cả mẹ và con.
Theo thống kê của WHO, mỗi năm có 1,1 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do thiếu vitamin A, kẽm; 350.000 trẻ em bị mù do thiếu vitamin A. Hiện ở Việt Nam vẫn còn 14,2% trẻ em dưới 5 tuổi thiếu vitamin A trong huyết thanh. |