Khoai lang trị táo bón được không?

04-12-2023 11:04:43

Khoai lang trị táo bón, nhuận tràng rất hiệu quả. Đây là phương pháp chữa táo bón được nhiều người lựa chọn vì nguyên liệu dễ kiếm, đem tới hiệu quả tốt và an toàn với sức khỏe. Cùng khám phá các công thức khoai lang trị táo bón trong bài viết sau bạn nhé!

I. Tác dụng của khoai lang trong chữa trị táo bón

Trong y học cổ truyền, khoai lang được biết đến là một thực phẩm mang tính bình, có vị ngọt, với công dụng nhuận tràng, kiện vị rất tốt. Mặt khác, cũng theo nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy khoai lang có chứa nhiều chất xơ, protit, xenluloza, vitamin C, vitamin nhóm B… giúp tăng cường chức năng tiêu hóa hiệu quả.

Thực tế từ xa xưa cho đến nay khoai lang trị táo bón tại nhà là cách dân gian truyền nhau rất được ưa chuộng. Bởi phương pháp này không chỉ đem tới hiệu quả khả quan, mà lại còn tương đối lành tính, an toàn.

Nhờ lượng chất xơ phong phú có trong khoai lang, nên khi ăn thực phẩm này thường xuyên sẽ giúp làm mềm phân, cho phân được tạo thành từng khuôn, dễ đi vào đường ruột hơn.

Đặc biệt, không chỉ có củ khoai giúp trị táo bón, mà lá khoai cũng chứa một lượng lớn chất nhựa tẩy tự nhiên. Chúng có khả năng tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ tăng sự chuyển hóa chất thải, cải thiện chứng táo bón và bệnh trĩ rất tốt.

II. Chế độ ăn kết hợp khoai lang chữa táo bón

Khoai lang là một thực phẩm dễ tìm mua, lại có hương vị khá ngon, nên được rất nhiều người lựa chọn để chữa táo bón. Nếu bạn cũng đang tìm cách chữa táo bón bằng khoai lang, hãy tham khảo ngay các cách sau:

1. Món ăn từ củ khoai lang trị táo bón

Dưới đây là tổng hợp những món ăn, thức uống được chế biến từ củ khoai lang giúp cải thiện hệ thống tiêu hóa và chữa bệnh táo bón:

1.1. Nước ép khoai lang sống

Công thức làm món nước ép khoai lang sống rất đơn giản. Bạn chỉ cần chuẩn bị khoai lang, nước lọc đun sôi để nguội và một máy xay, sau đó làm theo cách sau:

  • Sơ chế khoai lang, gọt vỏ và thái bào sợi như làm nộm.
  • Cho phần khoai lang vừa bào xợi đi xay.
  • Tiếp theo, bạn chắt phần nước và bỏ bã khoai lang, cho nước ép khoai lang ra cốc và thưởng thức.

1.2. Khoai lang luộc 

Khoai lang luộc là món ăn dân giã, không còn xa lạ với nhiều người. Bạn có thể ăn mỗi ngày 2 củ khoai lang để cải thiện chứng táo bón hiệu quả, với cách chuẩn bị như sau:

  • Chuẩn bị khoai lang, nước, nồi luộc khoai.
  • Sơ chế khoai lang (bạn có thể gọt vỏ khoai lang hoặc không gọt vỏ cũng được).
  • Sau đó cho khoai, nước vào trong nồi, đun tới khi sôi, thì giảm nhỏ lửa và chờ tới khi khoai chín là tắt bếp và thưởng thức món khoai luộc nóng hổi.

1.3. Cháo khoai lang

Món cháo khoai lang được làm từ những nguyên liệu là khoai lang, đậu xanh, bí đỏ, đường (hoặc muối) và nước, với cách làm như sau:

  • Gọt vỏ bí đỏ, khoai lang và ngâm đậu xanh.
  • Sau đó bạn hãy cho các thực phẩm trên vào nồi, thêm khoảng 1,5 lít nước. Đun cháo trong khoảng 30 phút ở lửa nhỏ và thêm gia vị theo khẩu vị, sau đó thưởng thức.

2. Chữa táo bón với món ăn từ rau khoai lang

Lá khoai lang có thể cải thiện những chứng bệnh về đường tiêu hóa như táo bón rất hiệu quả, không kém gì so với củ khoai lang. Bạn có thể biến rau khoai lang theo những cách sau:

2.1. Rau lang luộc

Chuẩn bị lượng rau khoai lang theo khẩu phần ăn của bạn. Sau đó đem rau đi rửa sạch, cho rau khoai lang vào nồi nước đang sôi và luộc trong khoảng 1 phút thì vớt rau ra, bỏ phần nước trong nồi đi.

Sau đó, bạn chỉ cần cho rau vào nồi, thêm nước mới, đậy nắp, đun đến khi rau chín thì cho ra đĩa và thưởng thức. Bạn có thể ăn rau lang với nước tương hoặc nước mắm. Đặc biệt, đừng quên uống cả phần nước rau lang luộc bạn nhé!

2.2. Rau lang xào tỏi

Món rau lang xào tỏi có cách chuẩn bị rất đơn giản, bạn chỉ cần chuẩn bị một nắm rau lang non, thêm vài tép tỏi tươi và nấu theo cách sau:

  • Sơ chế rau lang, dùng dao thái thành những phần nhỏ (mỗi phần dài khoảng 5cm).
  • Sau đó, bạn hãy cho rau lang vào nồi nước sôi chần sơ qua trong khoảng 2 phút để rau không bị chát.
  • Cuối cùng, bạn cho dầu vào chảo nóng và cho phần tỏi được băm nhỏ vào nồi. Khi bạn thấy tỏi dậy mùi, hãy cho rau vào xào trong lửa to. Đợi đến khi rau gần chín, bạn chỉ cần nêm nếm gia vị vừa ăn, tắt bếp, cho rau ra dĩa và thưởng thức.

2.3. Canh thịt bò nấu với rau lang

Món canh thịt bò nấu với rau được chuẩn bị từ những nguyên liệu gồm 1 nắm rau lang, khoảng 100-150g thịt bò, 2 củ hành tây. Sau khi chuẩn bị đủ các thành phần này, bạn thực hiện như sau:

  • Sơ chế rau lang, hành tím và thịt bỏ. Thái rau lang, hành tím thành những phần nhỏ. Đồng thời bạn cần phải thịt bỏ thành các miếng nhỏ.
  • Tiếp theo, bạn cần cho rau lang vào nồi nước sôi, mục đích là để chần rau lang qua nước sôi, giúp rau không bị đắng.
  • Sau đó, bạn chỉ cần đun nóng dầu trong chảo, rồi thêm hành tím vào phi thơm.
  • Lúc này, bạn chỉ cần cho thịt bò vào đảo tới khi thịt săn lại, thì cho rau lang vào chảo, nêm nếm gia vị và tiếp tục xào cho tới khi rau chín, tắt bếp và cho ra đĩa thưởng thức.

III. Sử dụng khoai lang trị táo bón cần lưu ý gì?

Để sử dụng khoai lang chữa táo bón đạt hiệu quả tốt nhất, bạn cần phải kiên trì thực hiện những biện pháp kể trên, đồng thời lưu ý tới những điều sau:

  • Không ăn khoai lang trị táo bón nếu bạn đang đói bụng. Bởi lượng đường có trong khoai lang sẽ tăng tiết dịch vị dạ dày, gây đau bụng, chướng bụng…
  • Theo nghiên cứu, các loại khoai lang vỏ trắng, ruột trắng giúp trị táo bón hiệu quả nhất.
  • Không ăn những loại khoai lang đã bị mọc mầm, có vỏ xanh hay bị sùng… Bởi lúc này các thành phần trong khoai đã bị chuyển hóa thành chất độc hại, tác động không tốt đến sức khỏe.
  • Những ai đang bị sỏi thận cần chú ý không ăn nhiều khoai thường xuyên. Bởi các thành phần trong khoai lang có thể làm gia tăng kích thước sỏi thận.
  • Những ai bị táo bón có khả năng chuyển biến thành bệnh trĩ, cần đi khám, sử dụng thuốc theo chỉ dẫn bác sĩ để cơ thể phục hồi tốt hơn.

IV. Một số câu hỏi thường gặp khác về khoai lang

Dưới đây là một số câu hỏi mà những ai mới áp dụng phương pháp ăn khoai lang để trị táo bón vô cùng quan tâm:

1. Ăn nhiều khoai lang có gây tiêu chảy không?

Việc ăn quá nhiều khoai lang trong khoảng thời gian ngắn sẽ rất dễ gây ra tình trạng đầy bụng, ợ nóng, khó tiêu, hay thậm chí là người bệnh có thể bị tiêu chảy. Do đó, bạn cần phải ăn khoai lang với lượng vừa đủ. Theo lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng thì khối lượng tối đa bạn có thể ăn khoai lang trong một ngày là 300g (khoảng 1-2 củ).

2. Có thể ăn khoai lang nếu bị hội chứng ruột kích thích (IBS) không?

Khoai lang được đánh giá là một trong những thực phẩm hữu ích và an toàn đối với những người đang bị mắc phải hội chứng ruột kích thích. Đó là bởi, thực phẩm này cung cấp lượng lớn chất xơ hòa tan, các vitamin… giúp cải thiện hệ tiêu hóa.

3. Khoai lang cung cấp vitamin và khoáng chất gì?

Theo nghiên cứu, khoai lang cung cấp nhiều loại vitamin phong phú như vitamin A, vitamin B6, vitamin B5, vitamin E… Cùng với đó là các loại khoáng chất như kali, manga… rất tốt cho sức khỏe.

4. Khoai lang có tác dụng giảm cân không?

Khoai lang có tác dụng giảm cân. Bởi việc tiêu thụ nhiều thực phẩm này sẽ giúp kích thích sự trao đổi chất, giảm tích tụ chất béo và hỗ trợ đào thải độc tố rất tốt. Chưa kể, nó còn chứa nhiều chất xơ, hỗ trợ giảm cân hiệu quả vì giúp no lâu.

Bài viết trên đây gửi tới bạn thông tin và hướng dẫn sử dụng khoai lang trị táo bón. Đây là một phương pháp lành tính, bạn có thể áp dụng tại nhà để cải thiện hệ tiêu hóa. Song, hãy ăn khoai lang đúng cách, không quá lạm dụng, tránh gặp phải phản ứng ngược bạn nhé!

DS. Hà Lan
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //