Khi phụ huynh vung tay
Công an thành phố Điện Biên Phủ (Điện Biên) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với một phụ huynh vì tội cố ý gây thương tích đối với một học sinh lớp 6 ngay tại trường học.
Vụ việc xảy ra tại Trường THCS Tân Bình, TP Điện Biên Phủ, phụ huynh của học sinh M. đã vào lớp 6A4 đánh cháu N.Q.H. (bạn cùng lớp với cháu M.), sau đó người này đưa cháu H. ra ngoài lớp học rồi tiếp tục đánh. Sự việc xảy ra có sự chứng kiến của nhiều HS trong lớp 6A4.
Là cha mẹ, ai chẳng xót xa khi biết con mình bị đánh? Cảm thông với tâm trạng ấy, nhưng từ đau xót, thương con, phụ huynh này lại ra tay với một đứa bé bằng đúng tuổi con mình thì chắc chắn không ai có thể chấp nhận.
Đánh một người yếu thế, đang là học sinh ngay trước mặt tất cả bạn bè của cháu và có thể chính đứa con của mình, không rõ lúc ấy người cha này nghĩ gì? Người lớn và con trẻ, hơn nhau là ở việc biết kiềm chế, điều tiết cảm xúc. Nếu dùng nắm đấm để giải quyết sự việc, kể cả là sự việc bạo lực trước đó xảy ra không bao giờ là cách giải quyết tốt đẹp, thậm chí sẽ gây ra những hậu quả đáng tiếc…
Bạo lực sẽ chỉ đổi lấy bạo lực. Bao nhiêu nỗ lực dạy dỗ học sinh hành xử đúng mực, tôn trọng bạn bè, người lớn, thân thiện, bao dung… mà các thầy cô cố gắng nói và làm gương cho lớp lớp thế hệ học sinh cũng không bằng một lần phụ huynh ứng xử sai.
Nhất là trước con mắt của mấy chục học sinh, những cú đấm sẽ để lại không chỉ vết thương trên da thịt một học sinh mà còn là nỗi ám ảnh trong tâm trí, suy nghĩ của các em mới là vết thương còn mãi, rất khó chữa lành…
Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 06/2019/TT-BGDĐT Quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Trong đó, lần đầu tiên chính thức đề cập cụ thể đến hành vi của phụ huynh tại nơi trường học. Cha mẹ người học phải có ngôn ngữ đúng mực, tôn trọng, chia sẻ, khích lệ, thân thiện, yêu thương. Không xúc phạm, bạo lực với người học. Cha mẹ học sinh phải tôn trọng, trách nhiệm, hợp tác, chia sẻ. Không bịa đặt thông tin; không xúc phạm tinh thần, danh dự, nhân phẩm với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên.
Quy định không phải là đặt ra cho có. Việc xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm là cần thiết để nhắc nhở những bậc phụ huynh khác cần cư xử đúng mực không chỉ trong khuôn viên nhà trường mà còn ở những nơi khác.
Nói như lãnh đạo Phòng GDĐT TP Điện Biên Phủ, phụ huynh là thành viên đặc biệt quan trọng trong việc phối hợp với thầy cô, nhà trường, ngành giáo dục và chính quyền địa phương để giáo dục và nuôi dạy trẻ. Có được sự kết hợp của những thành phần trên mới tạo ra môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh nhất. Mong lắm những tấm gương sáng để không làm lu mờ con trẻ!