Kế toán trưởng Nhật Cường "phù phép" giúp ông chủ trốn thuế như thế nào?
Nguyễn Thị Bích Hằng dùng "mánh" trong nghiệp vụ kế toán nhằm che giấu hành vi trốn thuế trong đường dây buôn lậu lên tới gần 3.000 tỷ đồng của Công ty Nhật Cường do Bùi Quang Huy cầm đầu.
Theo Kết luận điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường đã lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường; trong đó có 1 hệ thống chỉ theo dõi nội bộ, không kê khai với cơ quan nhà nước.
Theo đó, để che giấu hành vi trốn thuế của mình, Bùi Quang Huy đã chỉ đạo Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường và Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường tại 2 hệ thống sổ sách trên phần mềm ERP và MISA. Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư cho các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập... chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý Nhà nước.
Công an thu giữ hơn 1.900 điện thoại và thiết bị công nghệ khi khám xét chuỗi cửa hàng của Nhật Cường.
Cơ quan điều tra xác định, hành vi trên của Huy và đồng phạm, chỉ tính tiền phần nghĩa vụ nộp thuế trong các hoạt động kinh doanh đã gây hậu quả nghiêm trọng thiệt hại tài sản nhà nước là gần 30 tỷ đồng (theo kết quả giám định). Bên cạnh đó, hành vi lập 2 hệ thống sổ sách kế toán còn nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền... ), tránh sự kiểm tra, phát hiện của các cơ quan chức năng. Với hành vi này của Bùi Quang Huy đã phạm vào tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Tại cơ quan điều tra, bị can Nguyễn Thị Bích Hằng khai, Công ty Nhật Cường kinh doanh buôn bán các loại điện thoại, phụ kiện điện thoại có nguồn gốc nhập khẩu và mua trong nước có hóa đơn (có nộp thuế và không có hóa đơn, chứng từ (không nộp thuế).
Bùi Quang Huy chỉ đạo sử dụng 2 phần mềm ERP và MISA để ghi chép số liệu hoạt động kinh doanh. Trong đó, phần mềm ERP ghi chép đầy đủ số liệu hàng hóa Công ty Nhật Cường mua vào, bán ra (hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, có nộp thuế và hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không nộp thuế), nhằm mục đích phản ánh chính xác doanh thu, lợi nhuận để quân lý toàn bộ hoạt động kinh doanh. Trong khi đó, phần mềm MISA chỉ ghi chép số liệu hàng hóa mua vào, bán ra có hóa đơn chứng từ (có nộp thuế) để phục vụ việc kê khai nộp thuế, lập sổ sách kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính gửi các cơ quan quản lý nhà nước.
Nguyễn Thị Bích Hằng cũng khai, được Bùi Quang Huy giao phụ trách công tác kế toán của Công ty Nhật Cường. Hằng sử dụng phần mềm kế toán MISA để kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo thuế để nộp cho cơ quan thuế. Quá trình kê khai thuế, lập sổ sách kế toán, Hằng chỉ ghi chép số liệu liên quan đến việc mua vào, bán ra hàng hóa có hóa đơn, chứng từ, có nộp thuế vào sổ sách kế toán trên phần mềm MISA, không ghi chép số liệu liên quan đến việc mua vào, bán ra hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ, không nộp thuế. Bị can Hằng không ghi chép số liệu trên phần mềm ERP, nhưng được cấp quyền truy cập phần mềm ERP để xem, trích xuất các số liệu về hoạt động kinh doanh của Công ty Nhật Cường.
Được quyền truy cập hệ thống nội bộ nhưng Nguyễn Thị Bích Hằng không kê khai hết với cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại cơ quan điều tra, Hằng thừa nhận số liệu ghi chép trên phần mềm ERP và số liệu ghi chép trên phần mềm MISA có sự chênh lệch lớn, có nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty do Bùi Quang Huy thành lập... chỉ được ghi nhận trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ mà không được ghi nhận trên phần mềm MISA để lập báo cáo thuế, báo cáo tài chính kê khai với cơ quan Nhà nước.
Điều này trùng khớp với kết luận của cơ quan điều tra: Giai đoạn 2014-2018, số liệu kinh doanh ghi nhận qua 2 hệ thống sổ sách kế toán trên chênh lệch nhau rất lớn. Kết quả giám định về thuế cho thấy "mánh" sử dụng 2 hệ thống sổ sách đã giúp Nhật Cường trốn nộp khoản thuế gần 30 tỷ đồng, trong đó có 26,8 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và 3,1 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp.
"Việc ghi chép không đầy đủ, để ngoài số sách kế toán báo cáo với cơ quan nhà nước nhiều số liệu về tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí là vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định về kế toán, gây thiệt hại", kết luận điều tra nêu.
Do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn, Cơ quan điều tra định tách vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội và một số đơn vị liên quan để điều tra, xử lý sau.
Như Dân Việt đã thông tin, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã hoàn tất bản kết luận điều tra và đề nghị truy tố 15 bị can trong vụ án: Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài và một số đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan. Trong số 15 bị can, Nguyễn Thị Bích Hằng - Kế toán trưởng Nhật Cường và Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Nhật Cường bị đề nghị truy tố về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng". Nguyễn Bảo Ngọc và 13 người khác bị đề nghị truy tố thêm về tội "Buôn lậu" gồm Trần Ngọc Ánh, Đỗ Quốc Huy, Nông Văn Lư, Trần Tất Khoa, Lê Hoài Phương, Hoàng Văn Phong, Mai Tiến Dũng, Bùi Quốc Việt (các nhân viên của Nhật Cường); Nguyễn Bảo Trung, Ngô Đức Tùng, Phạm Văn Hiệp, Đỗ Văn Dũng (nhóm lao động tự do) và Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty Thanh Sơn). Đến nay Bùi Quang Huy và một số người liên quan đang bỏ trốn, chưa bắt được. Do đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định tách vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở KH-ĐT TP.Hà Nội và một số đơn vị liên quan để điều tra, xử lý sau. |