Hiểu đúng về trầm cảm sau sinh: Có những nỗi đau chỉ khi làm mẹ mới hiểu

26-09-2018 09:40:57

Trầm cảm sau sinh diễn ra khi người phụ nữ phải chịu nhiều áp lực hoặc có nhiều lo lắng. Và có những nỗi đau chỉ khi làm mẹ mới hiểu.


Thi thể người mẹ trẻ mất tích bí ẩn cùng con 7 tháng tuổi ở Hà Nội đã được tìm thấy ở cầu Thanh Trì. Nhiều nguồn tin cho rằng căn bệnh trầm cảm đã khiến nạn nhân sinh ra nghĩ quẩn.

Những câu chuyện đầy nước mắt

Hai ngày qua, câu chuyện về chị Trần Phương T. (SN 1993, ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) cùng con 7 tháng tuổi mất tích bí ẩn ở Hà Nội đã khiến nhiều người không khỏi xót xa. Ngày 25/9, thi thể người mẹ đã được tìm thấy ở khu vực cầu Thanh Trì. Được biết, vợ chồng nạn nhân đã có một cháu lớn và sống rất hạnh phúc. Gia đình 2 bên nội ngoại cũng hết sức hỗ trợ vợ chồng nạn nhân trong việc chăm sóc con cái. Tuy nhiên, sau khi sinh con gái được 4 tháng, chị T. có dấu hiệu bị trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người trong nhà. Nhiều nguồn tin cho rằng căn bệnh trầm cảm đã khiến nạn nhân sinh ra nghĩ quẩn.

Chỉ hơn một tháng trước, cộng đồng bàng hoàng với câu chuyện một người phụ nữ nghi trầm cảm sát hại con và cháu mình. Theo đó, vào tối ngày 20/7, người dân sinh sống tại khu đô thị T.H phát hiện một phụ nữ (sinh năm 1985) có ý định tự tử nên can ngăn.

Chị luôn miệng nói “tôi giết con tôi rồi!”. Sau đó, khi đưa được chị xuống nhà, mọi người phát hiện hai cháu bé gồm một trai, một gái bị thắt cổ và đã tử vong.

Sau mỗi vụ việc, chắn chắn nhiều người sẽ đưa ra lời trách móc những bà mẹ trả quá yếu mềm. Họ đã để cho cảm xúc lấn át lý trí và rồi tự tay kết liễu mạng sống của chính mình và đứa con mà họ mang nặng đẻ đau.

Tuy nhiên, để căn bệnh trầm cảm đến những hậu quả đau lòng thì liệu có phải là lỗi của một cá nhân? Trong xã hội hiện đại, con người nhiều khi rất dễ yếu mềm, thế nhưng nếu có người bên cạnh, quan tâm, chia sẻ động viên, liệu kết cục xấu có thể xảy ra?

Nếu gia đình không quá thờ ơ?

Theo một thống kê công bố gần đây, tỉ lệ trầm cảm sau sinh đối với các bà mẹ khoảng 10-20%. Tuy nhiên, theo ThS.Bs Trần Thị Mai Thy (Khoa Nội Ngoại thần kinh Bệnh viện Quốc tế City) những người mẹ có các triệu chứng liên quan đến trầm cảm nhưng chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn để chẩn đoán trầm cảm sau sinh rất cao, chiếm 70 – 80% tỉ lệ các bà mẹ. Nhóm này được gọi là trầm buồn sau sinh (baby blues) nhưng nếu không được hỗ trợ đúng cách rất có thể dẫn đến trầm cảm sau sinh.

Tuy nhiên, các biểu hiện trầm cảm ban đầu thường không được gia đình ghi nhận và để ý. Chỉ đến khi nhiều hậu quả đau lòng xảy ra, người ta mới nghĩ lại về các dấu hiệu gợi báo của bệnh.


(Ảnh minh họa)

Trong khi đó, TS. BS. Phạm Thị Việt Hương (Khoa Nhi, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều) thì rằng trầm cảm sau sinh chủ yếu là do người mẹ bị bỏ rơi.

"Nghiên cứu cho rằng nguyên nhân là do giảm lượng hormone sau sinh. Tuy nhiên một thực tế đau lòng là nguyên nhân chủ yếu gây ra trầm cảm sau sinh là do người mẹ bị bỏ rơi, không được động viên tinh thần, chăm sóc thể chất thỏa đáng" - bác sĩ Hương chia sẻ. 

Cũng theo bác sĩ Hương, trong xã hội văn minh này, khi mà người ta ra rả nêu khẩu hiệu yêu thương bà mẹ trẻ em thì vẫn có rất nhiều phụ nữ bị đối xử tàn nhẫn ngay trong thai kỳ và những năm tháng nuôi con nhỏ. Sự ghẻ lạnh của người thân (đặc biệt là của chính người chồng, gia đình nhà chồng), việc phải nuôi con nhỏ quá mệt mỏi không có sự trợ giúp. Hay những lời nói mang tính miệt thị như giè bỉu không đẻ được con trai, con xấu, con không giống bố, con dị tật.

Việc sinh nở mất sức khỏe nhưng không được chăm sóc lại còn phải chăm sóc người khác như cơm nước cho chồng con chẳng hạn, công việc cơ quan vất vả, gánh nặng kinh tế…Tất cả đè nặng lên thể xác và tinh thần người mẹ trẻ.

Đáng tiếc là rất nhiều người mẹ trẻ thay vì được chăm sóc yêu thương lại còn bị bạo hành ngay trong thời gian nuôi con nhỏ, bị sỉ nhục, bị ngược đãi, bị cô lập, thậm chí bị dọa ly hôn, dọa bị chia con, dọa bị ra khỏi nhà tay trắng...

Trong hoàn cảnh này, họ không phải là ngay lập tức tìm đến cái chết để giải thoát. Họ nghĩ đến cha mẹ đẻ và những người yêu thương họ. Nhưng phụ nữ Việt Nam nói riêng, phụ nữ Phương Đông nói chung vẫn theo nếp nghĩ cổ xưa: “Lấy chồng là con nhà người ta, có thế nào cũng không được làm bố mẹ mình buồn lo về mình”.

Có những người phụ nữ giầu nghị lực và sự chịu đựng phi thường thì họ không tìm đến cái chết. Tuy nhiên họ sống mà đem theo nỗi đau dai dẳng không dễ gì liền được. Chứng trầm cảm này chuyển sang “mạn tính”.

Bác sĩ Hương cho rằng chữa bệnh cho những phụ nữ này không thể dùng thuốc, mà phải dùng tình thương thực sự. Và để có tình thương thực sự thì những người trót phạm tội ác phải đủ dũng cảm nhận thức ra tội ác của mình trong quá khứ đã gây ra cho người phụ nữ, thay vì kết tội người phụ nữ "cả nghĩ", "suy nghĩ không tích cực". 


Xem thêm Bắc Giang: Người chồng có vợ đi đẻ không mang con về, quẫn trí tự tử

Khánh Chi
Theo Đời sống Plus/GĐVN //