Hàng nghìn hộ dân Thanh Hóa gồng mình chống lũ
Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua nên nhiều huyện ở tỉnh Thanh Hóa ngập sâu trong nước, hàng nghìn hộ dân đang phải gồng mình để chạy lũ.
Tình hình mưa lũ ở Thanh Hóa diễn biến rất phức tạp
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên địa bàn Thanh Hóa có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-200 mm. Mực nước ở các sông đang dâng nhanh, sông Bưởi, sông Chu, sông Mã trên mức báo động 2. Hồ Cửa Đặt, hồ Yên Mỹ đang thực hiện xả tràn.
Các huyện Lang Chánh, Bá Thước ngập lụt nặng, toàn bộ hệ thống điện đã bị cắt, huyện Yên Định, Tĩnh Gia, Thạch Thành... ngập lụt cục bộ ở nhiều xã, nhiều địa phương bị chia cắt hoàn toàn. Nhiều tuyến đê bao bị vỡ và sạt lở.
Đến 11h00 ngày 11/10 trên địa bàn Thanh Hóa đã có hàng trăm ngôi nhà bị lũ cuốn trôi, trên nhà 1.000 nhà dân nước ngập trên 1,5m ...
Theo báo cáo nhanh, đã có 8 người chết và mất tích: trong đó TP Thanh Hóa chết 1 người, huyện Nông Cống chết 1 người, Thường Xuân 3 người (1 người chết 2 người mất tích) Quan Sơn 1 người.
Tình hình mưa lũ ở Thanh Hóa ngày càng phức tạp khi mực nước ở các sông đều lên nhanh
Trong đó, vào lúc 18h45 ngày 10/10 tại đập tràn bản Bôn, xã Yên Khương (huyện Lang Chánh) 2 cán bộ Đồn Biên phòng Yên Khương - Bộ CHBĐ Biên Phòng tỉnh Thanh Hóa khi đi làm nhiệm vụ kiểm tra công tác phòng chống lụt bão đã bị nước cuốn trôi cả người và xe ô tô. Hiện tại, Thượng tá Cao Đăng Cường - Chính trị viên và Đại uý Nguyễn Thành Chũng - Đội trưởng Đội Tổng hợp Đồn Biên phòng Yên Khương vẫn chưa được tìm thấy.
Trước tình hình bão lụt nghiêm trọng trên Bộ CHQS Thanh Hóa đã trên 1.000 cán bộ chiến sỹ trên địa bàn tham gia Phòng chống, ứng phó ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới.
Hiện nay Bộ CHQS Thanh Hóa đã tổ chức và thành lập 5 đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về lũ lụt trực tiếp chi huy công tác tìm kiếm cứu họ cứu nạn. Trong đó tập trung phối hợp tìm kiếm nạn nhân bị nước cuốn trôi.
Chỉ đạo các đơn vị tiếp tục duy trì nghiêm các chế độ trực, nắm chắc tình hình; khi sảy ra mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, đá... phải có phương án ứng phó kịp thời. Phối hợp với các lực lượng tổ chức bố trí lực lượng canh gác tại các tràn, ngầm, cầu phao, bến đò, các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; các khu vực sạt lở đất, đá để kiểm soát, hướng dẫn giao thông bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, trang bị và tải sản của nhân dân.
Chỉ đạo các đơn vị tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền, nhân dân địa phương khắc phục những thiệt hại sau bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động tham gia ứng cứu các tình huống khi có lệnh.
Một số hình ảnh ghi nhận tại các huyện của Thanh Hóa.