Hai đứa trẻ bị bố mẹ bỏ rơi, dắt nhau nhặt rác mưu sinh trong giá lạnh
Rét như cắt thịt da, đường quê lạnh giá, hai đứa bé phong phanh áo mỏng, chân trần lẫm chẫm đi gom phế liệu, ve chai. Những thứ mà người ta bỏ đi ấy là nguồn sống của hai đứa bé bị bố mẹ ruồng bỏ.
Hai bé Quang Gia Huy, 5 tuổi và Quàng Thị Kiều Linh, 3 tuổi
Bố mẹ lần lượt bỏ đi khi anh em Huy, đứa còn đỏ hỏn, đứa ẳm bồng trên tay. Anh em Huy lớn lên trong tình thương yêu của ông bà ngoại. Để mưu sinh, hàng ngày, hai đứa trẻ cùng bà rong đuổi khắp đường làng thu nhặt phế liệu đổi gạo, cá ăn qua ngày.
Đó là hoàn cảnh đáng thương của hai đứa trẻ Quang Gia Huy (5 tuổi) và Quàng Thị Kiều Linh (3 tuổi, ngụ thôn Triều Long 2, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An).
Hàng ngày, hai đứa trẻ cùng bà rong đuổi khắp đường làng thu nhặt phế liệu
Mang phận mồ côi khi vẫn còn cha mẹ
Bà Phan Thị Xoan (60 tuổi, bà ngoại anh em Huy) kể, sau một thời gian ngắn xa nhà làm thuê ở Sài Gòn, chị Nguyễn Thị Thơ (26 tuổi, mẹ Huy và Linh) dẫn một thanh niên lạ trở về thông báo là người yêu, xin cha mẹ cho cưới “chạy” vì chót mang thai đến tháng thứ 4. Vừa thương vừa giận con nhẹ dạ nhưng đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, vợ chồng bà Xoan đành phải gật đầu cho con gái kết hôn mà chưa biết gì về con rể tương lai. Chỉ biết con rể người dân tộc Thái, quê ở huyện Quế Phong (Nghệ An).
“Ngày cháu Huy 2 tuổi, cháu Linh mới chào đời, bố chúng bảo đi làm kiếm tiền gửi về trang trải cuộc sống. Thế nhưng từ đó đến nay bặt vô âm tín. Ông nội của chúng đi tù vì ma túy. Bà nội thì ốm yếu, suốt cả chục năm nay không làm được gì. Gia đình tôi đã nghèo, đằng nội hai cháu còn nghèo hơn.
Thấy con tay dắt tay bồng trở về, mong muốn nương nhờ cha mẹ. Thương con thương cháu, vợ chồng tôi cưu mang. Nhưng rồi về chưa được bao lâu thì con gái tôi bỏ hai đứa con lại cho vợ chồng tôi nói đi làm ăn rồi biệt tích từ đó đến nay không về”, bà Xoan thở dài kể lại.
Ngày mẹ bỏ đi, Huy 3 tuổi, Linh mới 1 tuổi
Ngày mẹ bỏ đi, Huy 3 tuổi, Linh mới 1 tuổi. Anh em Huy lớn lên trong tình thương yêu, chăm sóc của ông bà ngoại, bà con lối xóm.
“Từ ngày bỏ đi đến giờ chúng có bao giờ ngó ngàng, hỏi thăm con cái nửa lời, dù chỉ một cuộc điện thoại. Suốt 3 năm chúng cũng không về lấy một lần xem con cái sống chết thế nào, cũng chưa cho con nghìn bạc, mua con hộp sữa. Nhiều người biết hoàn cảnh, tìm đến xin hai cháu làm con nuôi, bảo gửi làng trẻ mồ côi. Thương cháu, tôi không đành, tự hứa còn sống ngày nào cũng phải cưu mang cháu cho chúng có hơi ấm của người thân.
Phận làm cha làm mẹ, sinh ra con mà không dạy dỗ được, để giờ hai đứa cháu tôi phải khổ như thế này, tôi buồn lắm”, ông Nguyễn Văn Hường (62 tuổi, chồng bà Xoan) trải lòng.
Từ ngày bỏ đi đến giờ , mẹ hai bé không gọi điện hỏi thăm con cái nửa lời
Cũng đành nhặt phế liệu mưu sinh
Vợ chồng bà Xoan sinh được 3 người con. Ngoài chị Thơ, hai người con còn lại đều đã lập gia đình, tha phương kiếm sống nhưng cũng khó khăn, không phụ giúp cha mẹ được gì. Ông Hường mắc bệnh hen xuyển, mất sức lao động gần 20 năm nay nên chỉ biết ở nhà cơm nước, trông coi nhà cửa.
Dù sức khỏe yếu, chỉ nặng 34kg nhưng suốt hàng chục năm qua, bà Xoan trở thành lao động chính trong gia đình, vừa chăm sóc chồng bệnh tật, cưu mang hai đứa cháu bất hạnh.
Thu nhập chính phụ thuộc vào 2 sào ruộng khoán, để kiếm thêm thu nhập, hàng ngày, bà lại quang gánh hai vai, cùng hai đứa cháu nhỏ dạo khắp các đường làng, ngõ hẽm thu nhặt phế liệu.
Dù mới 5 tuổi nhưng hơn một năm nay, Huy đã biết đi nhặt phế liệu giúp bà. Hỏi đứa trẻ nhặt vỏ lon, chai nhựa làm gì thì Huy vô tư trả lời “Nhặt về cho bà đổi lấy gạo, đổi cá ăn”.
Hai đứa trẻ rất ngoan ngoãn, nghe lời ông bà và rất ham ăn, ham ngủ
Vì thiếu vắng tình thương yêu, chăm sóc của cha mẹ nên hai đứa trẻ trông thấp bé hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng lứa. Đã 5 tuổi nhưng Huy chỉ nặng 11kg. Bé Linh 3 tuổi nhưng chỉ nặng 9kg. Phận mồ côi khiến hai đứa trẻ trở nên an phận, tỏ ra ngoan ngoãn, nghe lời ông bà và rất ham ăn, ham ngủ.
Hoàn cảnh gia đình quá nghèo khó, chồng ốm, cháu thơ nên ở những ngày tháng cuối cuộc đời, vợ chồng bà Xoan cùng hai đứa cháu ngoại vẫn ở trong một căn nhà nhỏ, xuống cấp trầm trọng, trống trước hụt sau, đổ sập lúc nào không hay.
Hai bé và ông bà ngoại bên mâm cơm đạm bạc
Vừa qua, do chính quyền vận động, cháu Huy đã được đi học
“Ông đau yếu, bà bận rộn nên hàng ngày, hai anh em Huy cứ chân đất, vác bao tải nhỏ, dạo khắp đường làng nhặt phế liệu. Đến buổi đói bụng thì bé Linh lại vào nhà người dân xung quanh xin ăn cơm, bạ đâu ngủ đấy, gặp ai cũng gọi bằng mẹ. Hiểu được hoàn cảnh hai đứa trẻ quá bất hạnh nên hàng xóm, láng giềng ai cũng thương. Vừa rồi, chính quyền vận động, cháu Huy đã được đi học”, ông Nguyễn Ngọc Anh (trưởng thôn Triều Long 2) chia sẻ.
Nói đến tâm nguyện của mình, khuôn mặt bà Xoan nhòa lệ “Giờ tôi không sợ gì, chỉ sợ chết. Tôi mà chết rồi hai đứa cháu ngoại tôi sẽ sống sao đây? Cuộc đời chúng còn rất dài. Chỉ mong cha mẹ chúng ở đâu thì hãy về với con cái”.