Hai cơn bão liên tiếp “nối đuôi nhau” vào biển Đông
Áp thấp nhiệt đới trên biển sẽ mạnh lên thành bão cùng với đó là cơn bão số 3 (Roke) nối đuôi nhau vào biển Đông.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, vào 4h ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 150 km về phía đông đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60 km/h), giật cấp 8-9.
Cơn bão số 3 nối tiếp áp thấp nhiệt đới tiến vào biển Đông. Ảnh TTKTTV T.Ư
Áp thấp nhiệt đới di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5 km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13 giờ ngày 23/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 111,3 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 100km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 8-9.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 5km. Đến 4h ngày 25/7, tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực phía tây nam đảo Hải Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60 km/h), giật cấp 8-9.
Bão số 2 vừa qua, bão số 3 đã tới. Nguồn VTC1
Trong khi đó, vào chiều 22/7, một áp thấp nhiệt đới ở khu vực Đông Bắc Biển Đông đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 3 và có tên quốc tế là ROKE.
Trong 24 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25 km, đi vào đất liền phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 4h ngày 24/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực phía tây nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 7-8.
Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm do bão số 3 (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, biển động rất mạnh), phía Bắc vĩ tuyến 19,0 độ Vĩ Bắc, phía Tây kinh tuyến 119,0 độ Kinh Đông.