Hà Nội: Phường Hàng Bông 'làm ngơ' trước hàng loạt công trình vi phạm TTXD?

24-07-2018 15:39:33

UBND TP. Hà Nội đã ban hành quy chế quản lý quy hoạch - kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội để bảo vệ di sản quốc gia. Tuy nhiên, thực tế vẫn nhiều công trình nhà cao tầng vẫn được xây lên và nguy cơ phá vỡ quy hoạch phố cổ.


Công trình số 201 Hàng Bông

Phố cổ Hà Nội lâu nay vẫn là niềm tự hào của mọi người dân Hà Thành, là linh hồn của mảnh đất Thăng Long ngàn năm văn hiến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự phát triển ồ ạt của nhiều công trình sai phép, đặc biệt trước sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng khiến quy hoạch kiến trúc của phố cổ Thủ đô đang bị phá hỏng nghiêm trọng.

Để bảo tồn và phát huy kiến trúc phố cổ, tạo sự phát triển du lịch, ngày 24/10/2013, UBND TP. Hà Nội đã ra Quyết định số 6398/QĐ-UBND về việc “Ban hành Quy chế quản lý quy hoạch – kiến trúc Khu phố cổ Hà Nội” với độ dài lên tới 51 trang.

Trong đó, vai trò của Khu phố cổ được nhấn mạnh: “Là di tích cấp Quốc gia có giá trị về cấu trúc không gian đô thị gắn với các phố nghề, phường nghề và lễ hội truyền thống, hệ thống di sản, di tích kiến trúc có ý nghĩa văn hóa qua các giai đoạn lịch sử. Phần lớn nhà ở có tổ chức không gian hình ống, với các lớp công trình có sân xen kẽ, có mái dốc lợp ngói”.


Công trình số 211 hiện tại chủ đầu tư vẫn đang hoàn thiện

Quy định cụ thể: Các công trình xây dựng đối với lớp nhà mặt phố chỉ được phép từ 1-3 tầng, chiều cao 6-12m; đối với lớp phía sau chỉ từ 2-4 tầng, chiều cao 10-16m; khoảng lùi tối thiểu của lớp phía sau là 4-6m.

Theo Quyết định số 6398/QĐ-UBND đã quy định rất cụ thể: chỉ có tuyến phố Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải mới được phép xây dựng các công trình đa chức năng, trung tâm thương mại, khách sạn, nhà hàng.

Tuy nhiên, dạo qua các con phố mang đậm dấu ấn lich sử, văn hóa của phường Hàng Bông, bây giờ người ta dễ dàng nhận ra hàng loạt công trình “khủng” xây sai phép, vượt tầng, sai mật độ có thể “hiên ngang” tồn tại mà cấp chính quyền sở tại vẫn “làm ngơ” bất chấp bảo tồn của lãnh đạo UBND thành phố.


Công trình số 187 Hàng Bông hiện tại vẫn đang trong thời gian hoàn thiện

Điển hình cho việc này, có thể kể đến công trình xây dựng số 71 phá vỡ quy hoạch khi xây 7 tầng. Tiếp là công trình số 187 và 201 Hàng Bông có dấu hiệu phá vỡ quy hoạch phố cổ. Cách đó không xa là công trình số 211 Hàng Bông. Hiện tại, công trình số 201 đã hoàn thiện phần bên ngoài, còn lại 3 công trình đang được chủ đầu tư quây tôn kín, gấp rút hoàn thiện.

Chúng tôi có mặt tại công trình số 5 ngõ Hội Vũ không khó để nhận diện công trình sai phạm, mật độ chiều cao vượt trội so với các công trình liền kề khác... Đáng chú ý, những công trình sai pham này cách UBND phường Hàng Bông chỉ khoảng 1km nhưng lãnh đạo phường và đội thanh tra xây dựng dường như “vô cảm” với những sai phạm này?


Công trình số 71, hiện tại chủ đầu tư đã hoàn thiện xong bên ngoài

Một điều khó hiểu, nhiều công trình tại quận Hoàn Kiếm sai phạm về vượt tầng, mật độ xây dựng, và mất an toàn vệ sinh môi trường nhưng hàng tháng nay lãnh đạo UBND các phường vẫn không có động thái gì nhằm chỉ đạo các lực lượng chức năng vào cuộc xử lý khiến người dân vô cùng bức xúc và đặt nhiều dấu hỏi về năng lực làm việc và cách quản lý của lãnh đạo phường và các đội thanh tra xây dựng.

Trước tình trạng vi phạm trật tự xây dựng (TTXD) tràn lan tại một số địa phương trên địa bàn Hà Nội, UBND TP.Hà Nội đã nhiều lần ban hành các văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý các vi phạm còn tồn đọng và xử lý những công trình vi phạm mới. Tuy nhiên, chỉ đạo của TP.Hà Nội quyết liệt đến bao nhiêu thì tình trạng vi phạm TTXD tại Quận Hoàn Kiếm vẫn còn nhiều tồn tại.

Đề nghị các sở ban ngành TP.Hà Nội, Quận Hoàn Kiếm cần sớm vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật những công trình sai phạm, tránh tình trạng quy hoạch phố cổ có nguy cơ bị “băm nát”.

Trước đó, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã ký Công văn số 6175 ngày 19/08/2014 về tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị.

Văn bản nêu rõ, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, thông báo đến lực lượng chức năng để kiểm tra xử lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không kịp thời kiểm tra, báo cáo đến cấp có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết.

Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, hoặc để các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ thanh tra xây dựng theo dõi địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở Xây dựng phải xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định.

Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin.

NPV
Theo Đời sống Plus/GĐVN //