Hà Nội: Nhà hát huyện Đan Phượng vốn hơn 117 tỷ đồng giờ ra sao?

22-10-2018 14:41:55

Dự án nhà hát trăm tỷ trên địa bàn huyện Đan Phượng, Hà Nội được khởi công từ năm 2012 nhưng đến nay 6 năm công trình vẫn đang “đắp chiếu”.

Nhà hát trăm tỷ ở huyện Đan Phượng

Nhà hát huyện Đan Phượng, Hà Nội do UBND huyện làm chủ đầu tư, nhà hát nằm trong khu Trung tâm Văn Hóa - Thể Thao huyện, được khởi công từ ngày 23/2/2012, cao 3 tầng, có tổng diện tích sàn hơn 7.000 m2, nằm trên mảnh đất rộng 10.500 m2. Nhà hát được xây dựng với quy mô hoành tráng, kiến trúc độc đáo. Nhà hát có tổng vốn đầu tư hơn 117 tỷ đồng, nhà hát huyện Đan Phượng (Hà Nội) có đầy đủ các chức năng của một nhà hát tầm cỡ.

Bên ngoài được ốp lớp kính và đá đen bóng loáng, bên trong thiết kế hiện đại. Với 40 phòng chức năng, trong khu biểu diễn là một hội trường rộng 700 ghế ngồi và một sàn diễn rộng tới hàng trăm mét vuông. Trải qua 6 năm xây dựng, đến nay các hạng mục của nhà hát này cơ bản đã hoàn thành. Tuy nhiên, nhà hát huyện Đan Phương đến nay vẫn chưa hoạt động chính thức.

Vốn đầu tư xây dựng nhà hát trăm tỷ huyện Đan Phượng được lấy từ ngân sách. Thực tế, từ đầu năm 2015, phần ngoại thất của nhà hát này đã cơ bản hoàn thành. Nhưng thời điểm đó, huyện Đan Phượng chưa có nguồn vốn để thanh toán gói thầu thiết bị kỹ thuật. Do lo ngại phát sinh nợ công từ các dự án xây dựng cơ bản có tổng mức đầu tư lớn từ ngân sách, lại không thuộc công trình cấp bách, dân sinh bức xúc nên Nhà hát huyện Đan Phượng bị tạm dừng triển khai.

Thời điểm khởi công, huyện Đan Phượng dự kiến xây dựng nhà hát này trong vòng 2 năm (từ 2012-2014). Tính đến nay, nhà hát này chậm 4 năm so với tiến độ đề ra. 

Được khởi công từ năm 2012, nhưng cho tới nay nhà hát huyện Đan Phượng vẫn chưa thể đi vào hoạt động

Trả lời báo chí mới đây, bà Đào Thị Hồng, phó chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói: “Từ năm 2015 đến nay, chính quyền huyện Đan Phượng tiếp tục hoàn thiện các hạng mục còn dang dở, bằng nguồn lực của huyện. Bà Hồng cho biết, huyện đặt mục tiêu đến đầu năm 2019, sẽ hoàn thành những hạng mục còn lại, đưa nhà hát vào hoạt động chính thức, phục vụ nhân dân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phương cho biết, thực tế nhà hát này cũng đã được điều chỉnh công năng để phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công. “Tên nó là nhà hát thôi, nhưng thực ra là trung tâm văn hóa đa chức năng, vừa biểu diễn nghệ thuật, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ của nhân dân”, bà Hồng giải thích.

Dù dự án chậm tiến độ so với dự kiến hơn 4 năm qua, nhưng các hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhân dân Đan Phượng cũng không thiếu nơi biểu diễn. Bà Hồng cho hay, với những sự kiện lớn được tổ chức ở sân vận động, hoặc hội trường của UBND huyện.

“Thực tế, bây giờ nhà văn hóa cũng đang hoạt động, nhưng chỉ tổ chức những lớp bồi dưỡng năng khiếu, câu lạc bộ ở một số phòng, khu phụ trợ. Còn nếu biểu diễn lớn, đông người, thì phải sau khi hoàn thiện phòng cháy chữa cháy mới được tổ chức”, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng nói thêm.

Chị Nguyễn Thị Nhẫn, ở thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà hát xây dựng hoành tráng như vậy nếu mỗi năm chỉ tổ chức vài buổi liên hoan văn nghệ thì rất lãng phí. Trong khi đó, nhiều nhà văn hóa thôn xuống cấp thì không có tiền đầu tư.


Xem thêm Xem thêm: Bị 'ném đá' vì ủng hộ xây nhà hát 1500 tỷ, Mỹ Linh: Tôi không vô cảm!

Nguyễn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN //