Giăng dây điện trần bẫy chuột khiến người khác thiệt mạng bị xử lý như nào?
Một người dân ở Thái Bình vừa tử vong vì điện giật do vướng vào dây điện trần một hộ dân gần đó giăng ra để bẫy chuột.
Trước đó, vào khoảng 15h chiều ngày 18/8, bà H.T.M. (SN 1969, trú tại thôn Hồng Phong, xã Nguyên Xá) trong quá trình ra đồng bón phân cho lúa thì bất ngờ vướng vào dây điện trần do gia đình ông N.H.T. (trú cùng địa chỉ) giăng để bẫy chuột.
Vụ việc khiến bà M. bị điện giật. Khi được phát hiện, nạn nhân đã tử vong. Đáng chú ý, thời gian gần đây, chính quyền xã Nguyên Xá thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, nghiêm cấm việc người dân giăng dây điện trần để bẫy chuột nhưng sự việc đáng tiếc trên vẫn xảy ra.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những tư vấn về vụ việc dưới góc nhìn pháp lý.
Luật sư Cường nhấn mạnh, pháp luật nghiêm cấm việc sử dụng điện vào mục đích chống trộm hay bẫy chuột. Cho nên, nếu người dân sử dụng điện vào các mục đích trên gây hậu quả chết người thì người sử dụng điện sẽ bị xử lý hình sự về tội “giết người” hoặc tội “vô ý làm chết người”.
Theo quy định của pháp luật thì điện là nguồn nguy hiểm cao độ, sử dụng điện phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn điện, điện sinh hoạt, điện cao thế đều có thể giật dẫn đến chết người.
Người nào sử dụng điện để chống trộm, phòng trộm có nghĩa rằng người đó biết chắc là điện có thể giật chết người nhưng vẫn bỏ mặc hậu quả nguy hiểm chết người có thể xảy ra.
Bởi vậy, nếu trong trường hợp sử dụng điện để phòng trộm, chống trộm dẫn đến chết người thì người sử dụng điện sẽ bị xử lý về tội “giết người” theo quy định tại điều 123 Bộ luật Hình sự với lỗi cố ý gián tiếp (Biết hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, cố ý thực hiện hành vi nguy hiểm bẩy bỏ mặc hậu quả chết người có thể xảy ra). Nếu bị kết tội về tội danh này thì hình phạt có thể được quy định tại khoản 2, Điều 123 BLHS là từ 7 đến 15 năm tù.
Còn trường hợp sử dụng điện để bẫy chuột, mục đích là để diệt chuột, phòng chuột, không nhằm mục đích tước đoạt tính mạng con người bởi vậy trong trường hợp nếu có người vướng phải dây điện phòng chống chuột dẫn đến tử vong thì người sử dụng điện sẽ bị xử lý về tội vô ý làm chết người theo quy định tại điều 128 BLHS năm 2015.
Như vậy, với hành vi sử dụng điện để bẫy chuột mà làm chết một người thì hình phạt có thể lên đến 5 năm tù, còn nếu chết hai người trở lên thì hình phạt có thể lên đến 10 năm tù theo quy định tại điều 128. Bộ luật hình sự.
Cũng liên quan đến vụ việc, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội nhận định. “Đối với trường hợp sử dụng điện trái phép để diệt chuột, chống súc vật phá hoại mùa màng thì cần phân biệt như việc người sử dụng điện mắc điện ở nơi có nhiều người qua lại (cho dù có làm biển báo hiệu).
Biết việc mắc điện trong trường hợp này là nguy hiểm đến tính mạng con người, nhưng cứ mắc hoặc có thái độ bỏ mặc cho hậu quả xảy ra và thực tế có người bị điện giật chết, thì người phạm tội bị xét xử về tội giết người”.
Luật sư Thơm phân tích, hành vi sử dụng điện là nguồn nguy hiểm cao độ để phòng chống chuột phá hoại mùa màng, không có cảnh báo an toàn là hành vi gây nguy hiểm đến tính mạng người khác.
“Dù đối tượng không mong muốn hậu quả chết người xảy ra nhưng đã có ý thức bỏ mặc hậu quả nên lỗi của đối tượng trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp được quy định tại khoản 2, Điều 10 BLHS.
"Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra. Do đó, hành vi phạm tội của đối tượng đã cấu thành tội giết người. Tội phạm và hình phạt được qui định tại Khoản 2 Điều 123 BLHS”, Luật sư Thơm cho biết.