Giám đốc Công ty Phúc Cường ở Thái Bình vừa bị bắt có thể đối mặt với hình phạt nào?
Theo luật sư, hành vi chặn xe khách, thu phí bảo kê có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật. Trong quy định của pháp luật, không có khoản tiền nào được gọi là phí bảo kê.
Như Dân Việt đưa tin, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã bắt khẩn cấp Nguyễn Văn Cường (42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải Phúc Cường).
Cường bị bắt để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản khi thu phí bảo kê các chủ xe khách chạy tuyến Thái Bình - Hà Nội cùng với một số hành vi vi phạm pháp luật khác gồm cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản.
Lực lượng chức năng chiều cùng ngày đã tiến hành khám xét tại văn phòng công ty này tại số 382 Lý Bôn, TP.Thái Bình. Qua khám xét, nhà chức trách thu giữ rất nhiều hung khí như dao bầu gắn tuýp sắt, kiếm…
Được biết, lực lượng Công an cũng tiến hành khám xét văn phòng của Công ty Dịch vụ vận tải Phúc Cường ở thị trấn Tiền Hải (Tiền Hải, Thái Bình).
Theo tìm hiểu, Nguyễn Văn Cường có liên quan đến vụ tài xế Nguyễn Minh Lập (31 tuổi, Tiền Hải) cùng phụ xe bị nhóm côn đồ chặn đường, hành hung, ném vỡ kính chắn gió của chiếc xe khách do anh Lập cầm lái. Chiếc xe này chạy tuyến cố định từ bến xe Nam Trung (huyện Tiền Hải) đến bến xe Yên Nghĩa (TP.Hà Nội).
Lực lượng chức năng khám xét văn phòng Công ty Phúc Cường.
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, hành vi chặn xe khách, thu phí bảo kê là hành vi vi phạm quy định pháp luật, thực chất là có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản. Trong quy định của pháp luật, không có phí nào được gọi là phí bảo kê.
Trường hợp Nguyễn Văn Cường (42 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Phúc Cường) bị điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản cũng tương tự.
Theo thông tin từ báo chí, Cường có dấu hiệu cùng đàn em bảo kê, cưỡng đoạt tài sản. Mục đích của việc này có thể là thu tiền, cưỡng đoạt tài sản của người khác, cũng có thể là để phục vụ cho việc cạnh tranh trong làm ăn.
Do vậy, trong quá trình xác minh đơn tố giác tội phạm của cá nhân, quá trình điều tra làm rõ mà có căn cứ thể hiện Cường là người thực hiện hành vi thu tiền bảo kê, ném đá vào cửa kính xe ô tô,… thì cơ quan điều tra sẽ ra các quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với hành vi "cưỡng đoạt tài sản" theo điều 170 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt thấp nhất của tội danh này là 1 năm tù, cao nhất là 10 năm tù.
Luật sư Hoàng Tùng, Văn phòng Luật sư Trung Hoà (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội).
Ngoài ra, theo luật sư Hoàng Tùng, những hành vi như dùng đá ném vỡ cửa kính ô tô có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "huỷ hoại tài sản" theo điều 178 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt thấp nhất của tội danh này là 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù.
Đối với hành vi chặn xe, đánh người, nếu như thương tích của nạn nhân từ 11% trở lên thì có thể người đánh sẽ bị truy tố thêm tội "cố ý gây thương tích" theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Mức phạt thấp nhất của tội danh này là 6 tháng tù, cao nhất là tù chung thân.
Theo luật sư Hoàng Tùng, hiện tại, cơ quan chức năng đang làm rõ các tội danh mà Cường và nhóm đối tượng. Nếu như đủ căn cứ, cơ quan chức năng sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Và có thể Cường và nhóm đối tượng vi phạm sẽ phải đối mặt với mức phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm tù.
Điều 170 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội "cưỡng đoạt tài sản" cụ thể như sau: 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm: a) Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ; d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; e) Tái phạm nguy hiểm. |