Facebook đưa bản đồ sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa gây bức xúc
Khi chọn vị trí đối tượng trong cài đặt quảng cáo, Facebook gom người dùng ở Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc khiến dư luận bức xúc.
Thông tin này được đưa ra bởi các group chuyên về marketing ở Việt Nam. Theo đó khi mục chọn vị trí đối tượng chạy quảng cáo là Trung Quốc, Facebook đã khoanh vùng, hiển thị vị trí lãnh thổ của quốc gia này theo màu sắc, bao gồm luôn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Facebook đang có hơn 2 tỉ người dùng toàn cầu, vì vậy việc này khiến các nhóm chuyên về quảng cáo và marketing giận dữ, đặc biệt khi chọn quảng cáo ở Việt Nam thì hai quần đảo này không hiển thị, trong khi đây cũng không phải là đối tượng khách hàng để có thể quảng cáo hay bán hàng.
Được biết Facebook đang dùng hai nguồn bản đồ công nhận trái phép Hoàng Sa và Trường Sa của Trung Quốc trên nền tảng của mình, gồm Openstreetmap và Here Maps. Trong đó Openstreetmap chịu trách nhiệm hiển thị mật độ người dùng livestream, sử dụng tên gọi Sansha (Tam Sa do Trung Quốc gọi) khi mô tả Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam và khoanh vùng cho thuộc Trung Quốc.
Khi chọn đối tượng quảng cáo Trung Quốc, Facebook đã bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Thanh Niên
Zing.vn đã liên lạc với bà Lê Diệp Kiều Trang, Giám đốc Facebook Việt Nam nhưng vị này chưa có câu trả lời về vụ việc. Một nguồn tin khác cho biết đã báo cáo vấn đề này đến đội ngũ chính sách của Facebook.
Nói với Zing.vn, Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM cho rằng Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa, vì vậy Facebook không thể dùng tên Tam Sa để gọi vị trí này.
"Còn về Trường Sa, quần đảo này vừa được tòa án thế giới nhận định là những bãi nổi/chìm. Vì vậy việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại đây không được công nhận", ông Việt nói.
Trước đó, năm 2015, Google cũng từng gây tranh cãi khi sử dụng tên gọi Tam Sa trên bản đồ Google Maps. Sau đó, Google đã thực hiện sửa đổi, đánh dấu toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bằng tên quốc tế là Paracel. Việc tìm kiếm "Tam Sa" (Sansha) theo cách gọi của Trung Quốc đã không còn hiệu lực.