Dừng miễn thuế VAT hàng nhập khẩu giá trị thấp: Tăng sức cạnh tranh hàng nội địa

21-02-2025 16:12:29

Theo quy định cũ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT.

Từ 18/2, hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh sẽ không còn được hưởng chính sách miễn thuế VAT. Minh họa/INT

Việc thu thuế đối với hàng nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng sẽ giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu, góp phần kiểm soát về xuất xứ, nguồn gốc hàng nhập khẩu.

Phù hợp tình hình mới

Theo Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 18/2, hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp, dưới 1 triệu đồng gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh không được miễn thuế giá trị gia tăng (VAT). Quyết định mới này thay cho Quyết định số 78/2010 trước đó của Chính phủ.

Theo quy định cũ, hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn thuế nhập khẩu và thuế VAT. Còn hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị trên 1 triệu đồng phải nộp thuế nhập khẩu, VAT theo quy định.

Về chính sách thuế và hải quan, việc kê khai và nộp thuế sẽ thực hiện theo Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Cơ quan hải quan sẽ căn cứ vào tờ khai hải quan và bảng kê chi tiết của doanh nghiệp chuyển phát nhanh để xác định số thuế phải nộp.

Việc khai báo sẽ được thực hiện thông qua hệ thống thông quan hàng hóa tự động - VNACCS (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường không và đường biển) hoặc tờ khai giấy (đối với hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ và đường sắt).

Tuy nhiên, do hệ thống VNACCS chưa có chức năng tự động tính thuế VAT đối với hàng giá trị thấp, các doanh nghiệp sẽ phải tự tính thuế và khai báo với cơ quan hải quan. Tổng cục Hải quan đang làm việc với các nhà thầu công nghệ để cập nhật hệ thống, nhưng dự kiến cần ít nhất 4 tuần để hoàn tất việc điều chỉnh phần mềm.

Về thách thức trong quá trình triển khai, cơ quan hải quan nhận định: “Mặc dù việc thu thuế VAT đối với hàng giá trị nhỏ mang lại nhiều lợi ích về ngân sách và công bằng thương mại, nhưng quá trình triển khai sẽ gặp không ít khó khăn”.

Đối với doanh nghiệp, các công ty chuyển phát nhanh sẽ phải cập nhật hệ thống tính thuế và làm quen với quy trình kê khai mới. Điều này có thể làm tăng chi phí vận hành và kéo dài thời gian xử lý đơn hàng.

Đối với người tiêu dùng, người mua hàng từ nước ngoài có thể phải trả thêm thuế VAT, làm tăng giá thành sản phẩm. Một số mặt hàng trước đây có giá rẻ do miễn thuế có thể không còn hấp dẫn như trước.

Còn đối với cơ quan hải quan, việc thu thuế VAT đối với hàng giá trị thấp sẽ tạo thêm khối lượng công việc đáng kể, đặc biệt khi hệ thống quản lý thuế chưa được nâng cấp hoàn chỉnh. Trong thời gian chờ hệ thống tự động hóa, các cán bộ hải quan sẽ phải kiểm tra và xác nhận thuế theo phương thức thủ công, làm tăng áp lực công việc.

Tuy nhiên, cơ quan hải quan khẳng định, chính sách bãi bỏ miễn thuế VAT đối với hàng giá trị nhỏ không chỉ nhằm tăng nguồn thu ngân sách, mà còn phù hợp với định hướng của Chính phủ về cải cách thuế.

“Mặc dù, chính sách mới có thể gây ra một số khó khăn ban đầu, nhưng về lâu dài, đây là bước đi cần thiết để hoàn thiện hệ thống thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng và phù hợp với xu hướng quốc tế”, lãnh đạo ngành hải quan nhận định.

Việc kê khai, nộp thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu trị giá thấp được thực hiện theo quy định tại Luật Thuế GTGT và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Minh họa/INT

Tạo môi trường cạnh tranh công bằng

Lý giải về việc ngừng miễn thuế, trước đó, Bộ Tài chính cho biết, nhiều nước như Anh, Australia, Thái Lan, Singapore... đã bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ. Nhiều chuyên gia Dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP) cũng khuyến nghị Việt Nam cân nhắc bỏ quy định này.

Bên cạnh đó, chính sách miễn thuế với hàng giá trị nhỏ được ban hành từ năm 2010, khi hệ thống khai báo hải quan thuần túy thực hiện thủ công. Lúc đó, việc miễn thuế này đã giúp đẩy nhanh thời gian thông quan hàng hóa, giảm số lượng hàng phải khai nộp thuế. Tuy nhiên đến nay, chính sách này không còn phù hợp do thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh qua các năm.

Theo Tổng cục Hải quan, việc bãi bỏ miễn thuế hàng giá trị nhỏ đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các chủ thể tham gia vào hoạt động thương mại hàng hóa. Ngoài ra, việc áp thuế nhằm thực hiện công tác quản lý Nhà nước và các giải pháp về phòng, chống gian lận thương mại, trốn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu nói chung và hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ nói riêng.

Xu hướng này cũng phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế. Việc bãi bỏ quy định miễn thuế VAT đối với hàng hóa có giá trị nhỏ sẽ góp phần bổ sung nguồn lực ngân sách Nhà nước, thúc đẩy khả năng cạnh tranh của hàng hóa trong nước với hàng hóa nhập khẩu.

Theo ý kiến của các chuyên gia, việc thu thuế hàng nhập khẩu sẽ giúp hàng hóa trong nước được cạnh tranh bình đẳng hơn với hàng hóa nhập khẩu. Thực tế hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nhập khẩu chất lượng kém, không đúng xuất xứ so với thông tin quảng cáo, hay thậm chí hàng hóa nước ngoài đội lốt hàng Việt Nam, lấy tên, nhãn mác của hàng Việt Nam để bán ở thị trường Việt Nam, làm ảnh hưởng đến thương hiệu, giá trị của sản phẩm trong nước.

Vì vậy, lợi ích của việc thu thuế là vừa đảm bảo việc quản lý Nhà nước, vừa an toàn, tránh thiệt hại cho người tiêu dùng.

Chuyên gia Trần Minh Phong nhìn nhận, việc áp thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ sẽ giúp các doanh nghiệp nội địa có cơ hội rà soát lại hoạt động sản xuất, tối ưu hóa chi phí và hạ giá thành sản phẩm, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu.

“Việc áp thuế VAT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ không chỉ giúp đảm bảo công bằng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước, mà còn góp phần hạn chế tình trạng thất thu thuế, nhất là khi hàng có giá trị nhỏ nhập tương đối nhiều.

Để chính sách này phát huy hiệu quả cần có những biện pháp hỗ trợ đi kèm, giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu. Bởi Trung Quốc là “công xưởng thế giới” với quy mô sản xuất lớn, công nghệ hiện đại và chi phí tối ưu”, ông Phong nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, vài năm trở lại đây, hàng hóa giá trị nhỏ vào bằng chuyển phát nhanh chủ yếu được người tiêu dùng trong nước mua trực tiếp từ nước ngoài, qua shop quốc tế trên các sàn thương mại điện tử trong nước như Shopee, Lazada, Tiki, TikTok Shop và các nền tảng bán lẻ xuyên biên giới như AliExpress, Shein, Temu... Năm 2023, tổng giá trị hàng có giá trị dưới 1 triệu đồng được nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh là 27.700 tỷ đồng.

Bảo Hân
Theo Giáo dục & Thời đại //