Dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ 2025, bước chuyển phù hợp

21-03-2023 15:36:27

Sau khi dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 được công bố, nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao chủ trương của Bộ GD&ĐT.


Học sinh Hà Nội trong kỳ thi vào lớp 10 năm học 2022-2023. Ảnh: INT

Phù hợp với chương trình mới

Nghiên cứu dự thảo, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long nhận định: Phương án được xây dựng dựa trên những căn cứ pháp lý cụ thể, đồng thời là sản phẩm được hình thành từ thực tiễn tổ chức thi của Việt Nam và các nước tiên tiến trên thế giới. Trong phương án có phân vai cụ thể giữa Bộ GD&ĐT và các địa phương; đồng thời đề cao vai trò của hoạt động thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thi, cũng như trách nhiệm giải trình của các đơn vị tham gia nhằm bảo đảm kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc.

Một ưu điểm khác là phương án đưa ra có tính liên thông, kết nối giữa quá trình dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm từng bước giải quyết bất cập “học một đằng - thi, kiểm tra một nẻo” hay “thi gì dạy nấy”. Việc xác định cần phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tổ chức thi cũng phù hợp nhằm hạn chế tiêu cực, giảm áp lực công việc chân tay; đồng thời xác định lộ trình tổ chức thi các môn trắc nghiệm trên máy tính để địa phương có bước chuẩn bị về hạ tầng kỹ thuật, công nghệ.

Nội dung được đặc biệt quan tâm là xác định các môn thi. Theo ông Trịnh Văn Ngoãn, dự thảo phương án đưa ra các môn bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Lịch sử, Ngoại ngữ (chỉ áp dụng đối với học sinh phổ thông, không áp dụng đối với học sinh/ học viên hệ giáo dục thường xuyên), và 2 trong số 4 môn đã chọn học là cải tiến lớn.

“Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014, Bộ GD&ĐT quy định có 2 môn bắt buộc là Ngữ văn, Toán; 2 môn tự chọn bao gồm Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học, Vật lý, Lịch sử, Địa lý. Tôi tin rằng, kinh nghiệm tổ chức cho học sinh lựa chọn môn thi ở năm 2014 là tiền đề quan trọng để thực hiện thành công phương án thi gồm các môn bắt buộc, môn lựa chọn vào năm 2025 và những năm tiếp theo.

Phương án này vừa phù hợp với cách thiết kế môn học và định hướng nghề nghiệp từ sớm của Chương trình GDPT năm 2018, đồng thời thể hiện độ mở của kỳ thi. Đặc biệt hơn hết là chủ trương đưa môn Tin học và Công nghệ vào nhóm môn để học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp. Việc làm này sẽ giúp người dạy, người học quan tâm hơn đến tin học và công nghệ, góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số quốc gia và đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, ông Trịnh Văn Ngoãn nhận định.

Cũng theo thầy Trần Văn Hân, Lịch sử là môn thi bắt buộc nên các nhà trường, học sinh sẽ tiếp tục quan tâm, đầu tư đúng mức, góp phần nâng chất môn học này trong trường phổ thông, đồng thời đáp ứng được kỳ vọng của xã hội về vị trí, vai trò của môn học. Bên cạnh đó, tất cả môn sẽ được xây dựng ngân hàng mới theo định hướng chú trọng đánh giá năng lực, giúp giáo viên, học sinh mạnh dạn hơn trong truyền đạt, tiếp thu kiến thức một cách sáng tạo, chủ động, linh hoạt không nặng nề kiến thức hàn lâm như hiện tại.

Cũng đánh giá tích cực về dự thảo, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mỹ Quý (Đồng Tháp) cho rằng: Phương án đáp ứng được yêu cầu của các nhà trường, học sinh, phụ huynh học sinh về định hướng cụ thể của Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 - thời điểm khoá học sinh đầu tiên hoàn thành Chương trình GDPT 2018 cấp THPT với nhiều thay đổi, từ nội dung chương trình, đến kiểm tra đánh giá, tổ chức thực hiện.

Các môn thi theo hình thức bắt buộc kết hợp với lựa chọn giúp người dạy, người học có định hướng rõ ràng và phần nào giảm áp lực học tập. Học sinh được lựa chọn các môn học trong chương trình, sau đó tiếp tục lựa chọn 2 môn để thi tốt nghiệp nên rất thuận lợi. So với hiện tại phải cố định bài thi Khoa học tự nhiên, hay Khoa học xã hội khá áp lực.

Học sinh chỉ có thể chọn chung 3 môn trong bài thi tổ hợp, cho dù lực học không phù hợp và chủ yếu chỉ dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Vì nhu cầu thực tế nên học sinh không tập trung, không đầu tư vào môn học nào đó, nhưng trách nhiệm của giáo viên thì phải tổ chức ôn tập bảo đảm theo quy định.


Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa/ INT

Một số góp ý cho dự thảo

Thầy Nguyễn Bá Khương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Long (Bắc Ninh) cho biết cơ bản đồng tình với dự thảo phương án Bộ GD&ĐT đưa ra. Riêng quy định với môn thi, để giảm áp lực cho học sinh, có thể thay đổi thành: Học sinh thi 4 môn bắt buộc và 1 môn lựa chọn. Em nào có nhu cầu xét đại học thì có thể chọn thêm một số môn nữa, còn xét tốt nghiệp chỉ cần chọn 1 môn thi.

Cũng đưa góp ý liên quan đến nội dung này, thầy Trần Huy, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng, cần có phương án song hành với xét tuyển đại học. Nếu chỉ có nhu cầu xét tốt nghiệp, học sinh thi 4 môn bắt buộc là đủ. Học trò nào cần xét đại học thì đăng ký thêm 2, 3 trên 4 môn tổ hợp lựa chọn. Như vậy vừa giúp giảm tải cho học sinh, việc phân luồng rõ rệt hơn.

Là Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận), thầy Nguyễn Hải Thọ đánh giá cao Bộ GD&ĐT đã sớm ban hành dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, có lộ trình thời gian cụ thể để địa phương, nhà trường chủ động thực hiện. Môn thi và hình thức thi phù hợp với mục tiêu Chương trình GDPT 2018. Việc phân cấp, phân quyền tổ chức thi như dự thảo là hợp lý. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước và thanh tra, kiểm tra, giám sát… để kỳ thi được tổ chức nghiêm túc giữa các địa phương.

Nhắc đến việc dự thảo được công bố, lấy ý kiến xã hội từ 17/3 đến 17/5, ông Trịnh Văn Ngoãn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho rằng, điều này thể hiện tinh thần cầu thị của Bộ GD&ĐT đối với vấn đề lớn của ngành Giáo dục. Bên cạnh những ưu điểm nổi bật đã chia sẻ, ông Trịnh văn Ngoãn đề xuất cần bổ sung thông tin về việc sử dụng kết quả thi và phương án xét công nhận tốt nghiệp. Cụ thể, còn sử dụng kết quả kỳ thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển sinh cao đẳng, đại học? Còn kết hợp điểm quá trình (điểm trong học bạ) và điểm thi để xét công nhận tốt nghiệp hay không?

“Nhìn chung, tôi đồng tình, ủng hộ chủ trương đổi mới thi và mong Bộ GD&ĐT tổng hợp ý kiến của các bộ ngành, địa phương, tầng lớp nhân dân để sớm ban hành phương án tổ chức thi. Tôi tin với sự vào cuộc quyết liệt và tinh thần trách nhiệm của các đơn vị liên quan, chúng ta sẽ có phương án tổ chức thi tốt trong thời gian tới”, ông Trịnh Văn Ngoãn chia sẻ.

“Tôi đồng tình với dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD&ĐT vì: Phương án này không thay đổi nhiều so với phương thức thi tốt nghiệp THPT đang triển khai; phù hợp với việc học các môn trong Chương trình GDPT 2018; đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh sử dụng điểm thi để xét tuyển vào đại học. Đặc biệt, tôi tán thành việc đưa Tin học và Công nghệ trở thành môn thi tốt nghiệp (môn tự chọn). Nâng cao vị thế môn học này là phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hiện nay”. - Thầy Nguyễn Đức Hồng, Hiệu trưởng Trường THPT Minh Châu, Hưng Yên

 

Hiếu Nguyễn
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //