Đu đủ miền Tây chỉ 500 đồng/kg nhưng vẫn vắng khách
Đu đủ miền Tây đang rơi vào khủng hoảng khi giá đu đủ đã rẻ như cho mà vẫn chẳng khách mua hàng.
Đu đủ miền Tây dù đã đến mùa thu hoạch nhưng vắng tanh vắng ngắt, không còn không khí tấp nập như những năm trước. Người dân ở làng trồng đu đủ thuộc địa phận ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp đang rơi vào bế tắc vì không biết bán cho ai.
Ông Trần Văn Xuyến (75 tuổi) cho biết, trong vườn nhà ông có tới 200 gốc cây đu đủ đã chín, và mặc dù giá chỉ còn 500 đồng/kg nhưng vẫn không bán được. "Mọi năm, thương lái đến vườn cân giá 5.000-6.000 đồng một kg, tệ lắm cũng phải 3.000 đồng”, ông Xuyến so sánh.
Đu đủ miền Tây bán với giá rẻ như bèo nhưng vẫn chẳng thấy khách mua. Ảnh: Bình Tân
Đu đủ là loại cây dễ trồng lại nhẹ công chăm sóc, chúng thường sẽ chín sau 4 tháng với năng suất 30-50kg/cây. Do dễ tiêu thụ, loại cây màu này được nhiều người dân Hồng Ngự chọn trồng.
“Nhưng giờ đầu ra rất bí. Vườn nhà tôi có hơn chục tấn, đang rơi rụng mỗi ngày vì quá lứa thu hoạch. Mấy năm trước, với sản lượng này, nhà tôi bán được 50-60 triệu đồng, trừ chi phí còn lời phân nửa”, ông Trần Văn Trà (51 tuổi) than thở.
Vì không có khách mua, một số chủ vườn đành tìm thương lái bán với giá rẻ như bèo. Người dân nơi đây cho biết, thông thường những trái đu đủ già gấn chín sẽ được bán cho thương lái về làm gỏi trộn mắm. Thị trường chính của loại trái này là Campuchia và TP HCM. Giá mỗi kg đu đủ chỉ còn 500 đồng, trong khi đó thuê người thu hoạch đã 200 đồng một kg.
Không thể tiêu thụ, nhà nông cũng đã mang sản phẩm cho bớt các cơ sở từ thiện nhưng các nơi này cũng quá tải. Tính chỉ riêng ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền có khoảng 70 hộ trồng, người ít thì vài công đất còn những người trồng nhiều lên đến vài ha. Tại các các xã Long Khánh A, Long Khánh B…, nhiều hộ cũng trồng đu đủ và gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ dù giá giảm nhiều lần.
Người nông dân than vãn chưa bao giờ thấy đu đủ rớt giá như hiện nay. Ảnh: Bình Tân
“Toàn huyện có khoảng 600 ha rẫy. Đu đủ là loại cây nông dân tự chuyển đổi, song do nhiều quá dẫn đến dư thừa, không có đầu ra”, ông Trần Thành Nhi - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Ngự cho biết.