Đón Tết ở nhà chồng: Cảm giác tủi thân, lạc lõng không bao giờ mất đi
Mỗi dịp Tết đến, chuẩn bị gấp đồ đạc quần áo về quê, thấy chồng con vui thì tôi cũng cười nói thôi chứ trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, cảm giác này không dám nói ra vì sợ chồng con mất vui.
Tôi quê ở Hải Dương, lấy chồng ở Lào Cai và hiện đang sống ở Hà Nội. Lấy chồng 8 năm nay nhưng tôi chưa bao giờ cảm nhận được không khí Tết. Ngược lại, mỗi lần chuẩn bị quần áo, đồ đạc về quê tôi lại không khỏi chạnh lòng.
Từ ngày lấy chồng, tôi ít bạn bè, những buổi cà phê tám chuyện với lũ bạn cũng thưa dần, thay vào đó là chuyện bỉm sữa, chồng con…. Nhưng những chuyện đó tôi cũng không lấy làm buồn vì đó là quy luật. Nhưng có một chuyện khiến tôi canh cánh trong lòng không thể nào nguôi ngoai là từ ngày lấy chồng, tôi bỗng trở thành đứa con bất hiếu của cha mẹ, đứa cháu bất hiếu của cả ông bà, dòng tộc.
Lấy chồng 8 năm nhưng chưa có năm nào được về quê đón Tết cùng bố mẹ. Ừ thì lấy chồng theo chồng, nhưng chí ít ra thì mồng 3 hay mồng 4 cũng được về thăm nhà đẻ để hưởng tí không khí Tết “vét”. Ấy vậy mà chưa bao giờ tôi được một lần về quê ngửi hương Tết từ 8 năm nay.
Cuối tuần vừa rồi, bọn trẻ nhắc: “Mẹ ơi cô dặn học hết tuần này, tuần sau là được nghỉ học đón Tết”. Rồi hai anh em chúng reo vui ầm nhà, kể chuyện sắp được về nhà nội, được gặp anh này em kia…. Lúc đó, tôi nhẹ nhàng: Năm nay các con có muốn về bà ngoại ăn Tết không? Cả hai đứa cùng hét lên: Con không về bà ngoại đâu, con về bà nội thôi. Hai anh em chúng dường như còn quá nhỏ để đọc được nỗi buồn trong mắt mẹ. Tôi đi vào phòng, cảm giác tủi thân ghê gớm.
Cảm giác tủi thân, lạc lõng khi đón Tết ở nhà chồng
Chưa bao giờ tôi vui vẻ khi Tết về. Những năm đầu còn chiến tranh lạnh với chồng tôi về chuyện ăn Tết nhà nội hay nhà ngoại. Nhưng cuối cùng người thua cuộc vẫn là tôi. Chồng tôi là một người khá gia trưởng và bảo thủ. Mọi thứ có thể chiều vợ nhưng riêng chuyện đón Tết nhà ngoại thì anh khẳng định là không bao giờ. Anh chiều tôi bằng cách Tết dương lịch cho về nhà ngoại 2 ngày còn Tết âm lịch thì tuyệt đối không. Ban đầu tôi cũng hậm hực lắm, rồi thì cũng quen dần với nhịp sống ấy thôi. Chồng con mà, bỏ sao được.
Từ ngày lấy chồng, không chỉ với bố mẹ mà với anh em họ hàng, bạn bè làng xóm tôi cũng bỗng trở lên xa lạ. Năm nào Tết đến, tôi cũng cùng chồng về quê nội cho hết mùng 4, tới mùng 5 Tết mới bắt đầu lên Hà Nội để mùng 6 đi làm.
Tôi bỏ dần thói quen đi chúc Tết các bác, các cô các chú cả bên ngoại từ khi lấy chồng. Có duy nhất một năm tôi được chúc Tết ở nhà ngoại sau ngày mồng 4. Đó là năm đầu tiên, tôi đưa chồng về ra mắt họ hàng làng xóm, còn lại tuyệt nhiên 7 năm nay, tôi chưa bao giờ được đón Tết truyền thống ở nhà ngoại.
Mấy năm nay, mỗi lần tôi muốn về quê dịp Tết, chồng lại bảo cho về một mình, còn 3 bố con về nội. Những lúc đó tôi cảm thấy đơn độc và ngượng ngùng với dòng họ nên lại lẽo đẽo theo chồng con về nhà nội.
Từ ngày lấy chồng, tôi như bị tách ra khỏi cuộc sống của bạn bè và người thân. Tôi chỉ biết đến chồng và con thôi. Mỗi lần chuẩn bị về quê đón Tết tôi không háo hức, vui vẻ gì. Những nề nếp và thói quen quê chồng luôn khiến tôi thấy lạc lõng. Nó khác với những gì tôi đã quen, đã thấy. Tôi chỉ ở nhà dọn dẹp, nấu nướng như một ô sin thực thụ, chồng đi chúc tết, đi thăm viếng họ hàng, đi hội họp bạn bè.
Bố mẹ chồng tần tảo nhưng sắc sảo. Mẹ chồng là người quán xuyến đủ mọi việc, con cái chỉ biết răm rắp làm theo. Tôi thấy mình là người thừa, rất thừa trong gia đình chồng, đặc biệt là khi chồng không ở nhà. Tôi buồn và có cảm giác bị bỏ rơi, thật cô đơn dù chồng luôn có mặt.
Ở quê chồng, mẹ chồng làm cơm cúng, đêm 30 cũng đón giao thừa nhưng không khí mang nặng lễ nghi và quyền lực của bố mẹ. Bố và mẹ nói lời nghiêm trọng, tôi vẫn chưa quen được. Tôi chỉ muốn mọi lời nói thật đơn giản thôi nhưng đúng là của những người thân, nói với người thân. Tôi sợ đêm 30 ở quê chồng lắm lắm.
Điều đáng nói là chồng không hề để ý đến tâm trạng của tôi. Tôi có cảm giác như mình bị vứt về xó nhà ấy, hình như chồng đã yên tâm với việc cả nhà đã có mặt đông đủ, thế là xong. Chồng chẳng biết rằng tôi nhớ những chiều 30 nơi quê nhà. Nơi ấy có mẹ tôi đi cấy vộ những cây lúa cuối cùng để kịp về gói bánh chưng cùng chị em tôi.
Tôi nhớ cảm giác 4 chị em chia nhau việc nhà, đứa thì cắt lá dong, đứa thì rửa lá, đứa lau chùi bàn ghế, đứa cắm hoa tầm xuân, cành đào… Tất cả diễn ra trong tiếng nhạc xuân ấp áp biết bao. Tôi nhớ cả tiếng lợn kêu xung quanh hàng xóm khi thỉnh thoảng có nhà mổ lợn đụng đón giao thừa. Tôi nhớ lắm, nhớ Tết quê tôi.
Bây giờ, đối với tôi Tết là ăn cơm, rửa bát, trông con. Tết là về nhà chồng, nhìn ánh mắt của mọi người trong nhà để sống. Tết là đi ra đi vào, thấy cô dì chú bác phải để ý cười tươi và chào cho đúng lễ nghi, phép tắc… Tết quê chồng đông vui mà cảm giác như thui thủi một mình.
Nếu ai cho tôi một điều ước, tôi ước gì chồng nhận ra nỗi cô đơn, hiu quạnh của tôi mỗi khi Tết đến xuân về. Tôi ước gì chồng hiểu cái cảm giác lạc lõng, cô đơn bị bỏ rơi của tôi…. Và tôi ước gì chồng đồng ý để dù chỉ một lần thôi, tôi được đón Tết bên bố mẹ, người đã sinh thành, nuôi dưỡng và lúc nào cũng khát kháo được vui vầy bên con cháu ngày Tết mà không dám nói ra sợ con gái buồn.