Đối tượng ném đá vào xe đang lưu thông trên đường cao tốc có thể bị phạt tù
Nhiều trường hợp lái xe di chuyển trên đường cao tốc bị ném vật lạ gây vỡ kính, ảnh hưởng đến sự an toàn tính mạng khi tham gia giao thông thời gian gần đây khiến nhiều lái xe bức xúc. Vậy hành vi ném đá của đối tượng sẽ bị xử lý ra sao?
Thời gian gần đây, có nhiều vụ việc các xe lưu thông trên đường cao tốc bị ném vật lạ gây vỡ kính, ảnh hưởng đến sự an toàn khi tham gia giao thông của lái xe. Cụ thể: Đêm ngày 15/2, Lã Đắc Hùng (SN 2001, trú tại thôn Xuân Chiếng, Ngũ Phúc, Kiến Thụy, Hải Phòng) có hành vi ném chai nước gây vỡ kính một chiếc xe ô tô bán tải đang di chuyển trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Mới đây, nhiều chủ phương tiện đến cơ quan chức năng trình báo về việc bị ném đá gây vỡ kính xe khi lưu thông trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng vào đêm ngày 20/2.
Liên quan đến sự việc trên, trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội đã có những tư vấn về sự việc dưới góc nhìn pháp lý.
Có thể nói rằng hành vi ném đất, đá... lên đường cao tốc nhằm vào các phương tiện giao thông đang di chuyển là hành vi hết sức nguy hiểm và là hành vi vi phạm pháp luật
Hành vi ném đất đá lên đường cao tốc, đặc biệt là ném thẳng vào các phương tiện giao thông đang di chuyển không chỉ là hành vi cản trở giao thông đường bộ, gây rối trật tự công cộng, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Bởi vậy, nếu hậu quả của việc ném đất đá nêu trên dẫn đến vỡ kính xe ô tô của người tham gia giao thông thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên thì người ném gạch đá sẽ bị xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau:
Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm.
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Có tổ chức.
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.
c) Tài sản là bảo vật quốc gia.
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác.
đ) Để che giấu tội phạm khác.
e) Vì lý do công vụ của người bị hại.
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Hành vi ném vỡ kính xe ô tô đang lưu thông trên đường cao tốc với tốc độ 100-120 km/h là hành hết sức nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Bởi vậy, nếu thiệt hại về tài sản (giá trị tấm kính chắn gió bị hỏng) chưa tới 2 triệu đồng thì người ném vỡ kính vẫn có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 178 Bộ luật hình sự nêu trên.
Ngoài điều kiện về hành vi thì việc buộc tội các đối tượng ném đất, đá vào xe ô tô đang lưu thông còn phải thỏa mãn điều kiện về chủ thể như độ tuổi, khả năng nhận thức, điều khiển hành vi theo quy định pháp luật.
Trong trường hợp các đối tượng ném đất đá vào xe ô tô chưa đủ căn cứ xử lý về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản thì vẫn có thể xem xét về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Trong trường hợp không đủ căn cứ để xử lý hình sự về hai tội danh trên thì hành vi đó sẽ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 2, Điều 5 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP.
Cụ thể như sau: "2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:... d) Ném gạch, đất, đá, cát hoặc bất cứ vật gì khác vào nhà, vào phương tiện giao thông, vào người, đồ vật, tài sản của người khác;.."
Có thể nói rằng hành vi ném đất đá lên tàu hỏa hoặc ném vào xe ô tô trên đường cao tốc là hành vi rất thiếu văn hóa, gây nguy hiểm cho người khác. Bởi vậy, các cấp chính quyền, các địa phương cần tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để người dân, đặc biệt là thanh, thiếu niên hiểu, chấp hành pháp luật để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Xem thêm: