Diễn viên Vĩnh Xương: Bỏ cương vị Trưởng đoàn Nhà hát kịch để bán bánh canh, phở bò

18-10-2018 07:26:23

Quyết định nghỉ việc của diễn viên Vĩnh Xương để bán bánh canh lúc bấy giờ đã khiến cả nhà hát chấn động.


Diễn viên Vĩnh Xương đã từ bỏ cương vị Trưởng đoàn Nhà hát kịch VN để bán bánh canh, phở bò

20 năm theo đuổi nghệ thuật, Vĩnh Xương nhận mình không thuộc diện diễn viên ngôi sao. Chiều cao khiêm tốn, vẻ nam tính cũng khiêm tốn, đẹp trai cũng khiêm tốn, sức diễn, khả năng diễn anh chỉ thấy mình ở dạng tạm  ổn. Chính vì thế, anh từ bỏ vị trí quán lý trong một nhà hát kịch danh tiếng để về làm một ông chủ quán bánh canh ghẹ, quán phở. Hằng ngày cặm cụi bê đồ, dắt xe, đón khách….

Bỏ nghề diễn vì chưa tạo được dấu ấn thực sự nổi trội

Đối với khán giả phim truyền hình Việt Nam, Vĩnh Xương không phải là cái tên xa lạ. Anh tham gia khá nhiều phim truyền hình và điện ảnh như: "Những người bạn học", "Họa mi về tổ", "Bức đại tự", "Vào Nam ra Bắc", "Hà Nội 12 ngày đêm”, “U tôi”…Với ngoại hình điển trai, gương mặt toát lên vẻ chất phác, hiền lành, Vĩnh Xương thường được giao những vai diễn trai quê, những anh chàng "mọt sách" có tính cách nhút nhát, thật thà, thậm chí là "đụt đụt".

Vĩnh Xương cũng tự nhận, con đường nghệ thuật của anh trong 20 năm thăng thì không có mà trầm thì nhiều. Cũng có lúc đóng vai chính của một vở kịch, bộ phim, đưa ra khán giả không thực sự ấn tượng thì đó là nốt trầm của bước đường nghệ thuật. 

“Truyền hình tôi đóng khá nhiều nhưng không được nhớ tới nhiều, sân khấu tôi đóng rất nhiều vai, nhưng cũng không được nhớ tới, phim điện ảnh cũng đóng nhiều nhưng cũng tạo được dấu ấn thực sự nổi trội. Tổng thể tôi chỉ là diễn viên yêu nghề, chăm chỉ, làm tròn vai của mình. Nếu mà tôi làm xuất sắc những gì mình được giao, thì tôi trở thành ngôi sao rồi. Tôi tự biết mình ở đâu, ở ngưỡng nào không ngộ nhận mình.


DV Vĩnh Xương tận tay bê đồ phục vụ khách

Dẫu vậy, nhưng nam diễn viên Vĩnh Xương vẫn tự hào với 1 vai diễn. “Nhưng thôi ít ra trong lòng khán giả tôi cũng có một vai diễn Nam ô tô điên, một vai cực kì phụ, cực kỳ nhỏ trong phim Lập Nghiệp. Bộ phim có 6 tập, tôi xuất hiện tổng cộng 3 phút mà giờ 20 năm nhiều người vẫn nhận ra. Ê! Nam ô tô điên sao dạo này tóc bạc quá! Nam ô tô điên dạo này nhiều râu quá! Thôi đó cũng là niềm hạnh phúc của mình!”, anh nói.

Tuy nhiên, theo nam diễn viên Vĩnh Xương, lý do lớn nhất không hoạt động nghệ thuật là 2 cậu con trai của mình. “34 tuổi tôi lấy vợ và tới tận 39 tuổi tôi mới có con, và lại sinh đôi, áp lực về kinh tế rất lớn, cộng với việc không muốn con quá thiếu thốn. Trong khi đó, làm nghệ thuật quá vất vả về kinh tế. Không phải cũng ai có show diễn vài chục triệu, chúng tôi đi diễn kiếm từng 100-200.000 đồng.

Chính vì những lý do trên nên dù lúc đó là Trưởng đoàn Đoàn biểu diễn 1, Nhà hát kịch Việt  Nam, Vĩnh Xương đã xin thôi việc để chăm sóc con cái và kinh doanh. Quyết định nghỉ việc của anh lúc bấy giờ đã khiến cả nhà hát chấn động. 

Sau khi nghỉ việc, Vĩnh Xương cùng với diễn viên Anh Tuấn đã vào Sài Gòn nửa tháng để học món bánh canh ghẹ. Sau đó, cả hai cùng về mở quán Bánh canh ghẹ, mà hiện giờ sau 4 năm đã trở thành cái tên nức tiếng tại Hà Nội. Giờ đây, khi mọi thứ đã ổn, Vĩnh Xương tiếp tục mở thêm quán phở Kinh Kỳ. Vĩnh Xương khá khiêm tốn, dù mở 2 cửa hàng ẩm thực, nhưng anh chỉ dám nhận là buôn bán nhỏ.

Hình ảnh ông chủ nổi tiếng tận tuy lau bàn, dắt xe cho khách đã khiến quán của anh ngày càng "được lòng" hơn.


Diễn viên Vĩnh Xương hạnh phúc bên gia đình

Ngôi sao lồng tiếng miền Bắc

Nói đến thế hệ lồng tiếng miền Bắc không thể không nói đến diễn viên Trọng Phan, Lan Hương, Đỗ Kỷ, Đình Chiến, tiếp lứa sau là Công Lý, Tùng Dương, Trung Hiếu. Tuy nhiên sau đấy, Trung Hiếu làm quản lý, Tùng Dương đi kinh doanh, anh Công Lý học đạo diễn thì từ 2007- 2013 thì Vĩnh Xương là ngôi sao số 1 lồng tiếng về giọng nam trẻ. 

Trời phú cho Vĩnh Xương một giọng nam khá trung tính, không quá tính cách, không quá mềm mại, nên được mời lồng tiếng rất nhiều. Bộ phim nào Vĩnh Xương cũng lồng vai chính, hết vai chính này đến vai chính khác trong đó có Hồng Đăng, Hải Anh, Việt Anh…. Cát sê lồng tiếng ngày ấy của Vĩnh Xương có giá 500.000 đồng từ 8h30- 11h30, chiều từ 1h30 đến 5h30, tối từ 7h đến 10h30. 

“Có tháng tôi lồng tiếng đến 27-28 ngày, đến nỗi chỉ từ nhà đến phòng lồng tiếng, từ phòng lồng tiếng về nhà. Có những hôm mệt quá thiếp đi trong phòng”, nam diễn viên kể. 

Dù là ngôi sao lồng tiếng nhưng dường như khán giả ít nhớ tới Vĩnh Xương. “Tôi đã lồng tiếng cho 5 người đạt giải bông sen và cánh diều vàng. Có người gọi điện ra cảm ơn, nhưng có người không một lời cảm ơn”, anh nói. Từ khi kinh doanh Vĩnh Xương cũng nghỉ luôn công việc lồng tiếng.

Đến giờ, Vĩnh Xương hài lòng với vai trò ông chủ quán và ông chủ gia đình của 2 cậu con trai kháu khỉnh. Hình ảnh một Nam ô tô điên ngày nào đã không còn, anh giờ ông chủ quán lâm râm sợi bạc, hàng ngày cặm cụi phục vụ khách hàng.



Xem thêm: Bữa trưa vui vẻ cùng diễn viên Vĩnh Xương

Phạm Lý
Theo Đời sống Plus/GĐVN //