Điện ảnh Việt: Kỳ vọng khởi sắc

05-01-2021 15:54:25

Sau một năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, điện ảnh Việt đang có những bước “chạy đà” bằng các dự án với những kỳ vọng cho sự đột phá.

Poster phim “Bố già”.

Lấp khoảng trống kịch bản

Mới đây, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) tổ chức lễ trao giải cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim Điện ảnh 2020”. Chỉ trong vòng gần 3 tháng cuộc thi đã nhận được 226 kịch bản dự thi. Trong đó có 186 kịch bản hợp lệ theo đúng thể lệ của cuộc thi.

Sau vòng sơ khảo và chung khảo, BTC đã lựa chọn được 3 tác phẩm để trao giải. Trong đó, 2 giải Nhì (không có giải Nhất) được trao cho kịch bản “Culi không bao giờ khóc” - tác giả Phạm Ngọc Lân, Nghiêm Quỳnh Trang, “Thiên mạc anh hùng ca” - tác giả Nguyễn Thị Mai Phương.

Điều đáng nói, là cuộc thi còn ghi đậm dấu ấn của những người trẻ. Đơn cử như kịch bản “Thiên mạc anh hùng ca” đã được tác giả trẻ Nguyễn Thị Mai Phương viết theo lối huyền sử với mong muốn tôn vinh những người anh hùng vô danh, chưa được khắc dấu, ghi tên vào lịch sử, mà lịch sử nước nhà là kho tàng vô tận để khai thác.

Hay như tác giả trẻ Phạm Ngọc Lân với “Culi không bao giờ khóc” (đồng tác giả cùng Nghiêm Quỳnh Trang) chia sẻ rằng bản thân anh và những người trẻ ý thức được thời đại mới đã thay đổi cách thức làm phim và cả cách thưởng thức điện ảnh của khán giả. Tuy nhiên, tác giả hứa kịch bản sẽ được đưa vào sản xuất trong điều kiện tốt nhất và sau đó sẽ đưa phim đi xa nhất để xứng đáng với tiềm năng của dự án. Trước đó, Phạm Ngọc Lân cũng khá “nổi tiếng” với vai trò một đạo diễn phim độc lập với những phim xuất sắc giành giải tại các Liên hoan phim quốc tế như “Một thành phố khác”, “Một khu đất tốt”…

Với vai trò là Trưởng Ban Chung khảo cuộc thi, TS Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh Việt Nam nhìn nhận, rất bất ngờ khi cuộc thi đã tập trung được một khối lượng kịch bản lớn. Kết quả cuộc thi cũng cho thấy, khối lượng kịch bản trong đội ngũ không chuyên rất nhiều. Ở đó, ngoài sự nở rộ về số lượng thì một thành công khác của cuộc thi là các tác phẩm dự thi còn phong phú về đề tài, về các dòng kịch bản, từ lịch sử, dã sử, đương đại, chiến tranh, hậu chiến, gia đình cho đến các đề tài nóng... Dù rằng, chất lượng kịch bản dự thi chưa thực sự cao như mong muốn. Trong số 18 kịch bản vào chung khảo, chất lượng chênh lệch lớn. Có kịch bản về đề tài, chủ đề, cách thể hiện rất cũ. Cuộc thi không có giải Nhất vì không có kịch bản nổi trội. Nhưng, điều đáng mừng là 2 kịch bản đoạt giải Nhì rất xứng đáng.

Cảnh trong phim “Gái già lắm chiêu”.

Bà Ngô Phương Lan cũng nhìn nhận, những kịch bản được giải thưởng của cuộc thi lần này, tính khả thi trong sản xuất phim rất cao. Có những kịch bản phù hợp để Nhà nước chọn khi đặt hàng làm phim. Có dạng kịch bản sẽ được nhà sản xuất phim tư nhân tìm đến. “Với vai trò của Hiệp hội Xúc tiến và Phát triển Điện ảnh, nơi tập hợp hầu hết các nhà sản xuất và một số nhà đầu tư điện ảnh, chúng tôi sẽ giới thiệu các kịch bản cho các thành viên, những hãng phim lớn, đang tạo nên dòng chảy điện ảnh hôm nay”- bà Lan nói.

Không chỉ dần tìm ra phương án giải “cơn khát” về kịch bản phim điện ảnh, được biết trong năm 2021, Cục Điện ảnh sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản phim hoạt hình và tài liệu.

“Kích hoạt” những dự án

Bên cạnh việc giải “bài toán” kịch bản, ngay trong những ngày đầu năm 2021 hàng loạt các dự án điện ảnh cũng đã chính thức khởi động. Ngay trong tháng 1/2021 đã có 4 bộ phim Việt Nam lên lịch công chiếu gồm “Võ sĩ đại chiến”, “Cậu vàng”, “Em là của em” và “Sám hối”.

Tiếp đó, trong dịp Tết là hàng loạt các bộ phim như “Trạng Tí phiêu lưu ký”, “Lật mặt 5: 48 giờ”, “Gái già lám chiêu V: Những cuộc đời vương giả”, “Bố già”. Đây được xem là cuộc đua lý thú của điện ảnh Việt Nam tại các phòng vé khi không phải cạnh với các sản phẩm “bom tấn” của nước ngoài.

Theo ghi nhận của các đơn vị phát hành, đây đều là những bộ phim đã ghi được dấu ấn từ những phần trước hoặc đến từ những nhà sản xuất trong nước có uy tín trên thị trường nên chất lượng được đảm bảo tương đối. Ngoài những bộ phim đã đặt lịch trước như trên, thị trường phim Việt vẫn còn không ít phim đã sản xuất xong và sẵn sàng ra rạp khi tình hình khả quan hơn.

“Trạng Tí phiêu lưu ký”.

Mới đây, trong buổi ra mắt “Bình Ngô đại chiến”, một tập phim thuộc dự án “Việt sử kiêu hùng”, đại diện nhóm Đuốc Mồi (nhóm các bạn trẻ thực hiện dự án) cho biết họ đã huy động 1.600 người đóng góp 1,3 tỷ đồng để làm tập phim này. Đây dự án phi lợi nhuận được thực hiện từ tháng 6/2017.

Nhóm Đuốc Mồi xác định cho mình sứ mệnh truyền cảm hứng, tình yêu sử Việt cho người Việt bằng việc thực hiện và quảng bá những bộ phim dã sử theo phong cách diễn họa, tái hiện những nhân vật lịch sử, những trận đánh hay những sự kiện quan trọng trong lịch sử Việt Nam. Từ đó đến nay, nhóm đã gây quỹ thành công 2,5 tỷ đồng và đã hoàn thành 270 phút phim với 22 tập phim.

Có thể nói, bằng những cách làm khác nhau, điện ảnh Việt đang có những bước “chạy đà” khá mạnh mẽ trong những ngày đầu năm. Cho dù, việc thành hay bại của mỗi dự án điện ảnh vẫn còn đang bỏ ngỏ những hơn hết thấy sự quyết tâm của các nhà sản xuất sau một năm “lao đao” bởi dịch bệnh. Ở đó, nếu như trước kia, các nhà làm phim nước nhà cho rằng mình bị tác phẩm ngoại chèn ép suất chiếu, thì giờ đây điện ảnh Việt đang là “cuộc đấu” của tác phẩm trong nước. Một minh chứng rõ nét nhất với những gì mà điện ảnh Việt Nam là được trong năm 2020 cho thấy rằng khán giả chỉ quay lưng với những bộ phim kém chất lượng, chứ chẳng hề tẩy chay điện ảnh nước nhà.             

 

MINH QUÂN
Đại đoàn kết //