Dịch Covid-19 được đưa vào trang phục dân tộc cho Khánh Vân ở Miss Universe
Đưa dịch Covid-19, cô Minh Hiếu, võ phục đất Bình Định,… vào áo dài là những ý tưởng độc đáo, giúp Khánh Vân tự tin ‘chinh chiến’ tại Miss Universe.
Ý tưởng kết hợp áo dài và bộ đồ bảo hộ chống dịch Covid-19
Với mong muốn tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam, đề cao lòng tự hào tự tôn dân tộc đồng thời khuyến khích quảng bá hình ảnh đất nước một cách sáng tạo, cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2020” đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia.
Từ bộ áo dài truyền thống, các thí sinh đã thiết kế, biến tấu trang phục dân tộc trở nên mới mẻ, chú trọng yếu tố trình diễn và thông điệp truyền tải, tôn vinh vẻ đẹp vĩnh cửu của những tuyệt tác tự nhiên, phong cảnh, văn hóa lịch sử,… Điều đó sẽ giúp Khánh Vân chinh phục thành công cuộc thi Miss Universe, tỏa sáng nơi đấu trường quốc tế.
1. “Việt Nam kiên cường”
Lấy cảm hứng từ quá trình chiến đấu kiên cường chống dịch Covid-19, bài thi “Việt Nam kiên cường” của Cao Văn Tường hướng đến tính thời sự và bày tỏ lòng biết ơn với các bác sỹ trên toàn thế giới.
Trang phục gồm lớp khoác bên ngoài và bộ đồ bảo vệ, bên trong là tà áo dài trắng. Áo bảo hộ bên ngoài thiết kế để dễ tháo ra khi trình diễn. Sau lưng là chiếc bình xịt sát khuẩn, gắn trên lưng như một chiếc balô, dính liền với áo bảo hộ.
Nét dịu dàng, tinh khôi của tà áo dài càng tôn lên nét đẹp mạnh mẽ, kiên cường chống dịch của bộ đồ bảo hộ. Theo thí sinh Cao Văn Tường, khi Khánh Vân trình diễn trang phục dân tộc, đến giữa sân khấu sẽ mở cúc áo bảo hộ, xoay một vòng lộ ra tà áo dài trắng tinh khôi.
2. “Đi đường quyền”
Cô Minh Hiếu trở thành cảm hứng thiết kế áo dài
Lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống Việt Nam kết hợp với múa quyền, đi đường quyền hay còn gọi là đường lang quyền, tác phầm “Đi đường quyền” của thí sinh Nguyễn Duy Gun là một bài thi thú vị, hợp trend mà giới trẻ yêu thích hiện nay.
Trong thiết kế, tà áo dài kết hợp cùng vàng đeo trên tay, cổ thể hiện cuộc sống giàu có, thịnh vượng mà phòng khoáng, đúng chất miền Tây Việt Nam. Mặt khác, hình ảnh 7 quyển sổ đất mang ý nghĩa là thành quả cho sự cần cù, nỗ lực không ngừng nghỉ của con người VIệt Nam. Bên cạnh đó, số 7 cũng là con số may mắn trong quan niệm của nhiều người với hi vọng Khánh Vân có thể
Ở tà sau là hình ảnh của cô Minh Hiếu - một nhân vật đang nổi tiếng trên mạng xã hội. Cô Minh Hiếu được nhiều khán giả yêu thích vì hiền lành, thiện lương lại nhiệt tình, phóng khoáng. Ngoài ra, chất liệu để làm nên bộ áo dài này là lụa Nam Vang, thể hiện vẻ sang trọng, tinh tế hòa quyện cùng nét đẹp dịu dàng, tao nhã.
3. “Đất võ trời văn”
Áo dài nữ tính kết hợp võ phục là ý tưởng vô cùng táo bạo
Bài thi của Cao Văn Tường - “Đất võ trời văn” được lấy ý tưởng từ võ thuật lâu đời Tây Sơn, Hát Bội của mảnh đất Bình Định anh hùng. Thiết kế áo dài cách tân theo đường nét của môn nghệ thuật hát Bội và võ thuật Tây Sơn, họa tiết rồng phụng, thêu, đính kết, tua rua,…
Cảm hứng từ chính mảnh đất Bình Định địa linh nhân kiệt sinh ra các anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ; hay các nghệ nhân tuồng cổ, hát bội Đào Duy Từ, Đào Tấn, nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử,…
Với bộ trang phục này, tác giả mong muốn Khánh Vân sẽ thể hiện sự mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam, giới thiệu võ thuật cổ truyền ra thế giới. Đồng thời tạo điểm nhấn khi trình diễn bằng cách Khánh Vân trực tiếp dùng roi hoặc “đi đường quyền” một cách ấn tượng, dứt khoát.
4. “Áo dài tung lưới”
Ý tưởng giúp áo dài thể hiện nét đẹp lao động
Bài dự thi “Áo dài tung lưới” của Nguyễn Thái Cường lấy ý tưởng từ văn hóa bắt cá mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ. Bộ trang phục được thiết kế với phần trung tâm là cô gái mặc áo dài trắng gồm phần trên là người thật còn phần dưới là hình nhân.
Phần chân của Khánh Vân khi mặc sẽ được giấu dưới chiếc váy hình cuộn nước bên dưới. Cuộn nước nâng trên mình chiếc ghe chở đầy hoa súng, bên dưới là đàn cá bạc tung tăng. Khi trình diễn, Khánh Vân sẽ thể hiện động tác quăng lưới, tượng trưng cho việc con người chế ngự và khai thác thiên nhiên.
5. “Lạc Vân”
Áo dài được nâng tầm lộng lẫy với lông vũ
“Lạc Vân” của Võ Thanh Can lấy cảm hứng từ hình tượng loài chim nước quen thuộc, sải cánh bay trên Trống Đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác thuộc văn hóa khảo cổ Đông Sơn.
Thiết kế vẫn giữ nguyên phom dáng áo dài Việt Nam với phần tay ráp lăng và cổ cao truyền thống, được xử lý hiện đại hóa với chất liệu lưới trong suốt kết hợp cùng lụa tơ tằm tự nhiên. Điểm nhấn chính từ nhiều chất liệu lông trắng khác nhau tạo nên vẻ đẹp bay bổng, lãng mạn.
Hiệu ứng đính kết pha lê thủ công tạo điểm nhấn cho yếu tố trình diễn sân khấu với hình ảnh đôi cánh cách điệu bắt chéo nhau, cùng hình ảnh chim Lạc chế tác thủ công đính kèm phía sau, thay khăn mấn và trâm cài truyền thống.