Đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường để giảm nguy cơ bệnh tật

24-03-2023 11:58:38

Bộ Y tế đang có kiến nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, nhằm hạn chế lượng tiêu thụ đồ uống có đường đang làm tăng nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm.

Nguy cơ bệnh tật không lây nhiễm khi tiêu thụ nhiều đồ uống có đường

Tại Hội thảo khoa học về tiêu thụ đồ uống có đường với sức khỏe và tác động của chính sách thuế và giá do Bộ Y tế tổ chức ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, tỷ lệ béo phì thừa cân cũng đang tăng nhanh trong giới trẻ Việt Nam. 

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì đã tăng gấp 7 lần ở thanh thiếu niên 5-19 tuổi (từ 2,6% năm 2002 đến 19% năm 2020) và tăng gấp đôi ở người lớn (từ 10,9% năm 2002 lên 18,3% năm 2016).

Theo ông Tuyên, một trong những nguyên nhân tỷ lệ béo phì, thừa cân tăng nhanh trong giới trẻ là do gia tăng tiêu thụ đồ uống có đường, các sản phẩm có đường, thức ăn nhanh... 


Tỷ lệ trẻ em thừa cân và béo phì trong giới trẻ tăng 7 lần trong 8 năm qua. Ảnh BYT

Ông Tuyên nhận định, thừa cân béo phì là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm như huyết áp cao, đột quỵ, đái tháo đường, bệnh tim, ung thư...

Do đó, cần phải có những quy định chặt chẽ để giảm lượng tiêu thụ đồ uống có đường, giúp bảo vệ sức khỏe của giới trẻ nói riêng và người dân Việt nói chung, tiến tới giảm tỷ lệ bệnh không lây nhiễm, giảm gánh nặng cho xã hội. 

Cần áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường

Thực trạng trẻ em, thanh niên dùng nước uống có đường ngày càng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến nghị mỗi ngày chỉ nên ăn 25g đường (tương đương 5 thìa cà phê), mức tối đa là 50g/ngày.


Tác hại của đồ uống có đường đối với sức khoẻ. Ảnh BYT

"Gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm chiếm tới 70% tổng gánh nặng bệnh tật toàn quốc và các bệnh này là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong. Ước tính hằng năm, tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 77% tổng số tử vong toàn quốc, trong đó chủ yếu là các bệnh về tim mạch, ung thư, tiểu đường…."

Theo Bộ Y tế

Trong khi đó, một lon nước ngọt 300 hoặc 330ml cung cấp 30-40g đường. Ngoài ra còn có lượng đường không nhỏ có sẵn trong các đồ ăn khác như hoa quả, bánh kẹo, đồ ăn nhanh...

"Có những thực phẩm chúng ta không nghĩ có đường thì nó có đường như nước tương cà, tương ớt, sốt…" , bác sĩ Nguyễn Hồng Diễm, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết.

Để kiểm soát việc tiêu thụ đồ uống có đường, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đề xuất lựa chọn một trong 3 giải pháp: 

Thứ nhất: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, bên cạnh đó áp dụng với các giải pháp khác nhau như truyền thông, ghi nhãn đồ uống có đường. 

Thứ hai: Áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường. 

Thứ ba: Nhà nước không can thiệp đến vấn đề này, thị trường về đồ uống có đường và tiêu thụ đồ uống có đường của người dân vẫn như thực trạng hiện nay.


Trà sữa, đồ uống có nhiều đường đang được giới trẻ ưa thích. Ảnh minh họa Pixabay

Bộ Y tế kiến nghị giải pháp thứ nhất là hiệu quả, có sức nặng nhất, kinh tế nhất và mang lại lợi ích cho sức khỏe người dân. 

Trên cơ sở quan điểm bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế cho rằng cần đánh thuế theo hàm lượng đường. Cụ thể, sẽ quy định ngưỡng, dưới ngưỡng không đánh thuế, trên ngưỡng thì đánh thuế và đánh theo mức thuế càng nhiều đường càng cao. 

Các sản phẩm bị đánh thuế sẽ không bao gồm sữa và các sản phẩm từ sữa, thực phẩm dạng lỏng dùng mục đích dinh dưỡng… 

Hiện nay, Bộ Tài chính đang được Chính phủ giao nhiệm vụ soạn thảo dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt để trình Quốc hội. Bộ Y tế đã và đang tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu, đánh giá, cung cấp thông tin về các tác động của việc tiêu thụ đồ uống có đường đến sức khỏe và các tác động của chính sách thuế đối với việc ngăn ngừa và giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong của các bệnh không lây nhiễm, thừa cân, béo phì.

 

Diệu Linh
Theo Dân Việt //