Đào mộ người chết lên đốt hài cốt vì nợ tiền không trả

26-05-2020 15:30:48

Ngày 26/5, nguồn tin cho biết, Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) vừa phối hợp với VKSND cùng cấp khám nghiệm hiện trường vụ xâm phạm mồ mả, hài cốt xảy ra tại xã Hậu Thành.

Theo Tuổi Trẻ, công an huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết vừa phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân huyện Cái Bè khám nghiệm hiện trường vụ xâm phạm mồ mả, hài cốt. 

Vietnamnet đưa tin theo điều tra ban đầu, năm 2019, ông Nguyễn Văn Kiệm (63 tuổi, ngụ xã Hậu Thành) vay của ông Lâm Văn Quýnh (56 tuổi, ngụ phường Tân Thới Hòa, quận Tân Phú, TP.HCM) 300 triệu đồng với lãi suất 18 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, ông Kiệm còn lập hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất đối với thửa đất số 813, tờ bản đồ số 24 tọa lạc tại xã Hậu Thành cho ông Quýnh.


Ảnh minh họa

Sau khi vay, ông Kiệm đóng lãi cho ông Quýnh đến tháng 2/2020 thì không có khả năng đóng tiếp nữa. Vào ngày 12/5, ông Quýnh đã dẫn một số người khác đến thửa đất số 813 của ông Kiệm đào phần mộ của bà Trần Thị Hằng (mẹ vợ ông Kiệm) lên và đốt hài cốt của bà Hằng. 

Hiện cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cái Bè đang củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tội xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt là một trong những tội đã được quy định rất sớm tại Bộ luật Hình sự 1985 với định danh Điều 204. Tội xâm phạm mồ mả, hài cốt. Đến Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi, bổ sung 2009 tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 246 và tại Bộ luật Hình sự 2015 thì tội danh này được quy định tại Điều 319.
Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được xác định là hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

- Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này vì tội phạm này không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

- Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm

Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt là tội xâm phạm đến trật tự, an toàn đối với thi thể, phần mộ và hài cốt của người đã chết và thông qua đó đã xâm phạm đến phong tục, tập quán, truyền thống của dân tộc Việt Nam.

- Các dấu hiệu thuộc về mặt khách quan của tội phạm

- Hành vi khách quan

Người phạm tội thực hiện một trong các hành vi sau đây:

+ Đào, phá mồ mả là hành vi huỷ hoại hoặc làm hư hỏng mồ mả, làm cho mồ mà không còn nguyên vẹn như trước.

Hành vi đào, phá mồ mả được thực hiện dưới nhiều phương thức khác nhau và với những động cơ, mục đích khác nhau như: để lấy những đồ vật quý hiếm mà thân nhân người quá cố cho vào quan tài chôn cùng với người quá cố; để trả thù thân nhân người quá cố; để che giấu hành vi phạm tội… Tuy nhiên, nếu hành vi đào, phá mồ mả, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không coi là hành vi phạm tội như: đào mộ để bắt chuột, bắt rắn; đập phá một vài hoa tiết trang trí trên mộ…

+ Chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ.

Hành vi chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thường đi kèm với hành vi đào, phá mồ mả (đào phá mồ mả để chiếm đoạt những đồ vật để trong quan tài), nhưng cũng có trường hợp người phạm tội không đào, phá mồ mả nhưng vẫn chiếm đoạt được những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ như: lợi dụng việc đổi mộ (bốc hài cốt) đã chiếm đoạt đồ trang sức chôn theo người chết; lấy các đồ vật có giá trị để trên mộ (bát hương, lọ hoa, di ảnh…).

+ Các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Ngoài hành vi đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ thì các hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cũng được coi là hành vi phạm tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.

Hành vi khác nói ở đây là bất cứ hành vi nào xâm phạm đến thi thể, mồ mả, hài cốt như: đánh tráo thi thể, lấy các bộ phận của thi thể, đánh tráo hoặc chiếm đoạt hài cốt, chia sẻ hài cốt. v.v…

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //