Đại gia Lê Ân lại thắng kiện, TANDTC bác đơn xin phúc thẩm của UBND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

25-02-2019 13:27:23

Mới đây, TANDTC đã bác đơn kháng nghị bản án của UBND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, buộc UBND tỉnh này phải thi hành bản án sơ thẩm, bồi hoàn cho đại gia Lê Ân.

Thông báo này được đưa ra ngày 28/1. Theo đó, TANDTC đã bác đơn kháng nghị của UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, buộc tỉnh này phải thi hành bản án sơ thẩm, bồi hoàn cho đại gia Lê Ân, Chủ tịch Hội đồng thanh lý Ngân hàng TMCP Vũng Tàu, gọi tắt là VCSB diện tích đất 20.000m2 đã thu hồi sai quy định tại số 141 Bình Giã.

Trước đó, ngày 9/3/2015, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM tuyên UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phải thực hiện thủ tục công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB đối với diện tích trên 4.600 m2 tại số 141 Bình Giã. Đồng thời buộc UBND tỉnh này bồi hoàn cho VCSB giá trị của trên 15.700 m2 đất theo giá đất quy định tại thời điểm thi hành án.

Hai diện tích đất nói trên nằm trong 20.000 m2 đất của VCSB tại 141 Bình Giã, thành phố Vũng Tàu mà UBND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thu hồi sai quy định trong hai đợt.

Bản án có hiệu lực pháp luật gần 4 năm nay nhưng UBND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vẫn chưa thi hành, chống án và đòi Tòa án NDTC xem xét lại bản án đã tuyên theo thủ tục giám đốc thẩm.

Trong thông báo “Giải quyết đơn đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm” vừa gửi đến UBND Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tòa án NDTC kết luận: “Không có cơ sở để kháng nghị bản án hành chính phúc thẩm số 19/2015/HC-PT ngày 9/3/2015 của Tòa án nhân dân tối cao tại TP.HCM theo thủ tục giám đốc thẩm”.

 


Thông báo của TANDTC gửi đến UBND Tỉnh ngày 28/1/2019 về việc bác đơn xin phúc thẩm trong vụ kiện liên quan đến 2000 m2 đất mà UBND Tỉnh này đã thu hồi sai quy định của VCSB

Nguồn gốc của vụ kiện giữa đại gia Lê Ân và UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu

Công ty TNHH Một thành viên Du lịch dầu khí Việt Nam (viết tắt OSC Việt Nam) được nhà nước cho thuê 30.480,4 m2 đất. Ngày 19/10/1991, OSC Việt Nam ký hợp đồng số 19/91/HĐXN cho Xí nghiệp xây dựng nhà và trang trí nội thất 5/10 (sau này là công ty TNHH Bình Giã) thuê mặt bằng diện tích 20.000 m2 đất tại 141 Bình Giã, Vũng Tàu. Thời hạn thuê 15 năm, với thỏa thuận: “Bên B (thuê) phải thực hiện mọi chế độ chính sách của nhà nước… phải nộp thuế đất.

Sau khi Xí nghiệp trang trí nội thất đổi tên thành công ty Bình Giã, tại công văn số 218-VCSB ngày 3/7/1992, có bút phê của OSC Việt Nam đề ngày 1/8/1992 xác nhận: “Hợp đồng thuê mặt bằng giữa XN dịch vụ của OSC với XNXD 5/10 nay là  công ty TNHH Bình Giã vẫn duy trì, hợp đồng vẫn có giá trị”. Như vậy, công ty TNHH Bình Giã là chủ thể hợp pháp thuê đất của nhà nước và thuê tài sản trên đất của OSC Việt Nam.

Theo khoản 1 Điều 16. Điều 17 Nghị định 18/NĐ-CP ngày 13/2/1995 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết quy định về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức trong nước giao đất, cho thuê đất thì 14/6/1995 công ty Bình Giã thế chấp 20.000 m2 đất thuê và tài sản trên đất tại 141 Bình Giã cho VCSB để vay vốn đầu tư xây dựng, theo khế ước số 5404 ngày 14/6/1995 là phù hợp pháp luật.

Trước đó, công ty Bình Giã đã có công văn số 188 đề nghị UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ đạo cho VCSB hỗ trợ vốn để làm đường Trần Phú. Ngày 14/7/1993, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có bút phê vào công văn, đồng thời UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành công văn số 996A cam kết nếu công ty TNHH Bình Giã không thanh toán kịp thì UBND tỉnh cho phép VCSB khấu trừ đúng số tiền công ty đã vay vào 20.000 m2 đất, theo quyết định số 927/QĐ-UBT ngày 28/6/1993 của UBND tỉnh.

Công ty Bình Giã không có khả năng trả nợ, ngày 20/11/1995 công ty này đã có Giấy đề nghị số 83/CV-BG tự nguyện giao toàn bộ tài sản đã thế chấp cho VCSB để trừ vốn vay và lãi (gồm 2,5 tỷ tiền gốc và 318.180.000 đồng) và cam kết kể từ ngày 30/11/1995, VCSB tự tất toán khế ước 5404 giữa hai bên.

VCSB đã nhận 20.000 m2 đất và tài sản trên đất nói trên, tất toán khế ước vay số 5404 giữa hai bên và nộp thuế sử dụng đất tại thời điểm năm 1996 với số tiền 17.892.160 đồng. UBND tỉnh chưa thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh bằng quỹ đất cho VCSB với diện tích 20.000 m2 khi công ty Bình Giã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Do đó, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải chịu trách nhiệm thanh toán bằng quỹ đất cho VCSB như đã cam kết.

 

 


Gần 4 năm nay đại gia Lê ân mòn mỏi đợi chờ UBND Tỉnh BR-VT thi hành bản án hành chính cho mình

Thu hồi đất sai quy định

Việc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng việc bảo lãnh theo công văn 966A là bảo lãnh bằng diện tích đất giao theo Quyết định số 927/QĐ-UBT ngày 28/6/1993 và Quyết định số 45/QĐ-UBT ngày 14/1/1994; căn cứ vào hai quyết định này thì UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chỉ chỉ giao 10.000 m2 đất tại khu Chí Linh, phường 10, thành phố Vũng Tàu cho VCSB để khấu trừ, cân đối vào kinh phí đầu tư xây dựng đồn biên phòng 518 mà VCSB đã đầu tư nên không liên quan đến 20.000m2 đất tại 141 Bình Giã mà UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cam kết bảo lãnh.

Khi nhà nước thu hồi đất để xây dựng công trình tuyến cống hộp thoát nước từ cống Lê Hồng Phong đến cống Trần Bình cũng đã thực hiện việc bồi thường tài sản trên đất của VCSB. Hơn nữa, VCSB sử dụng 20.000 m2 đất cũng đã được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu chấp nhận tại Công văn số 1091/UP-VP ngày 14/4/1998 (sau ngày hết hạn hợp đồng thế chấp), cho phép VCSB lập dự án “mở khu du lịch tại số 141 Bình Giã”.  

Cho nên hết thời hạn thuê đất thì VCSB vẫn có quyền sử dụng đất tại số 141 Bình Giã và quyền sử dụng đất tại 141 Bình Giã là tài sản của VCSB.

Ngoài ra, ngày 4/12/2002, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành Quyết định số 9729/QĐ-UBND, ngày 2/2/2007 và Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu ban hành Quyết định 522/QĐ-UBND thu hồi toàn bộ diện tích 20.000 m2 đất khi đất này đã có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số 01/QĐ ngày 4/1/2001của TAND Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để giải quyết tranh chấp giữa OSC Việt Nam với Ngân hàng TMCP đang có hiệu lực và tại Bản án số 1366/PTHS ngày 5 và 6/8/2003 Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã xác định diện tích đất và tài sản trên đất tại 141 Bình Giã là tài sản của VCSB để bảo đảm thi hành án; khi thu hồi không ban hành quyết định thu hồi và cũng không xem xét đến quyền lợi của VCSB là vi phạm quy định tại Điều 136 Hiến pháp năm 1992 và các quy định pháp luật liên quan đến thu hồi đất.

Công nhận quyền sử dụng đất và phải đền bồi cho VCSB

Đối với diện tích 4.613,2 m2 (đo đạc thực tế là 4.874,6 m2) bị thu hồi theo Quyết định 522/QĐ-UBND ngày 2/2/2007 của Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu để giao cho thành phố Vũng Tàu xây dựng trường học nhưng chưa được thực hiện, thực tế VCSB vẫn quản lý, sử dụng đến nay. Để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm xác định theo Quyết định 522/QĐ-UBND là sai pháp luật nên tuyên hủy quyết định này và buộc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải công nhận quyền sử dụng diện tích 4.613,2 m2 đất này cho VCSB theo quy định pháp luật là có căn cứ.

Phần diện tích đất thu hồi theo Quyết định 9729/QĐ-UBND (đo đạc thực tế là 15.776,5 m2) lẽ ra UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phải công nhận quyền sử dụng đất cho VCSB theo trách nhiệm bảo lãnh nhưng nay Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh được giao đất đã xây dựng phần lớn trên đất, nên không thể trả lại. 

Phần đất này được xác định là phần đất kinh doanh ngay từ khi nhà nước giao cho OSC Việt Nam, sau này là UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã cho phép VCSB cải tạo, lập thành khu vui chơi giải trí du lịch. Với thực tế sử dụng như trên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định giá trị đất trên theo giá đất nông nghiệp là không phù hợp nhưng Tòa án cấp phúc thẩm xác định là loại đất dùng làm mặt bằng xây dựng, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để buộc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thanh toán giá trị cho VCSB theo quy định của nhà nước là có căn cứ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho VCSB.

Ngọc Giang
Theo Đời sống Plus/GĐVN //