Đại diện hoa hậu Đỗ Thị Hà lên tiếng về bức ảnh về thăm trường gây 'bão'
Bức ảnh hoa hậu Đỗ Thị Hà ngồi khi thầy giáo đứng trong buổi về trường Đại học hậu đăng quang đang gây tranh cãi trên MXH. Mới đây, người đại diện của hoa hậu đã lên tiếng.
Vào sáng ngày 8/12, Hoa hậu Việt Nam 2020 Đỗ Thị Hà đã trở về trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội để tham dự buổi gặp gỡ cùng Ban giám hiệu và bạn bè. Đây cũng là lần đầu tiên Đỗ Hà trở về trường với cương vị Hoa hậu Việt Nam.
Trong ảnh, thầy hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân ở ghế chủ tọa bên cạnh, nhưng không ngồi, mà đứng chắp tay phía trước, tư thế đang phát biểu một cách trịnh trọng và có phần khiêm nhường, "khúm núm".
Bức ảnh gây tranh cãi. Ảnh Báo Tiền Phong.
Một số bài đăng trên mạng xã hội bình luận về bức ảnh này khá gay gắt, cho rằng "thầy đứng nói trước trò như trong bức hình" là không thuận mắt. Bên cạnh đó, có tranh luận về vị trí ngồi chính giữa của hoa hậu.
Hình ảnh này ngay lập tức làm dậy sóng mạng xã hội. Một bên chê trách thái độ Hoa hậu khi để thầy đứng lên trò chuyện, trong khi bản thân vẫn là sinh viên thuộc sự quản lý của trường đại học. Một bên lại thông cảm và lý giải là do góc máy chụp.
Ngay sau đó chia sẻ với báo Tuổi trẻ PGS.TS Phạm Hồng Chương - hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân đính chính đây không phải là cuộc về thăm trường của hoa hậu như các báo và mạng xã hội loan tin, mà là ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam "giao lại" sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường sau khi cô thực hiện các nghĩa vụ của một tân hoa hậu với các nhà tài trợ và các hoạt động thiện nguyện.
Bức ảnh chụp cuộc gặp gỡ giữa ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam với lãnh đạo nhà trường và hoa hậu Đỗ Thị Hà trước khi hoa hậu có buổi giao lưu nhỏ trong hội trường cùng cha mẹ, các thí sinh khác của trường cùng dự thi hoa hậu và các bạn bè cùng lớp, bạn cùng câu lạc bộ lễ tân nơi Đỗ Thị Hà từng tham gia như một công việc làm thêm.
Về chuyện đứng chắp tay "khúm núm" báo cáo trước sinh viên của mình, ông Phạm Hồng Chương cho biết không phải ông đang "báo cáo" với tân hoa hậu mà là ông đang đáp từ với nhà báo Lê Xuân Sơn - trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam - sau khi ông này có phát biểu trao lại sinh viên Đỗ Thị Hà cho nhà trường để nhà trường có trách nhiệm giúp đỡ hoa hậu thực hiện trách nhiệm xã hội của một hoa hậu và quan trọng hơn là phải hoàn thành quá trình học tập.
Đồng thời đại diện truyền thông của Đại học Kinh tế Quốc dân, thầy Nghĩa cho biết tất cả đều là hiểu lầm và do góc máy chụp. Thầy Nghĩa giải thích: "Khoảnh khắc thầy Hiệu trưởng khoanh tay chỉ là vô tình và do góc máy chụp. Hôm đó nhà trường không hề báo cáo thành tích hay hoạt động. Nội dung là cảm ơn BTC Hoa hậu và gửi lời chào đến gia đình em Hà đã đến thăm trường. Khi thầy Hiệu trưởng đang quay sang trò chuyện với BTC thì phóng viên vô tình chụp phải khoảnh khắc này".
Về việc ghế của Đỗ Hà quá lớn, ngang hàng với ghế của giáo viên, thầy cho biết: "Đây là phòng VIP đón tiếp của nhà trường nên chỗ ngồi được xếp như nhau, không hề có việc cố tình xếp ghế trước. Nhà trường sắp xếp gặp mặt gia đình em Hà và BTC Hoa hậu ở đây trong thời gian ngắn, sau đó mới tiến hành xuống hội trường giao lưu".
Tân hoa hậu Đỗ Thị Hà được xếp ngồi ghế trung tâm của buổi gặp mặt cùng với hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân - Ảnh: Trường đại học Kinh tế quốc dân.
Đại diện của Hoa hậu Đỗ Thị Hà cũng cho hay: "Thầy đứng phát biểu là trước hội đồng quản trị trường, trước ông Lê Xuân Sơn - Trưởng Ban Tổ chức Hoa hậu Việt Nam và cả trước phụ huynh của Hà thì đứng là lẽ đương nhiên. Không phải là thầy ‘báo cáo’ gì với Hà cả.
Phải nhìn bối cảnh và những người có mặt ở đó mới hiểu trình tự diễn ra hết sức bình thường. Hơn nữa đó cũng chỉ là 1 khoảnh khắc thôi, 1-2 giây sau thầy thay đổi động tác, thay đổi chuyển động cơ thể thì góc nhìn sẽ khác ngay. Còn về phía Hà là 1 người lễ phép, ngoan hiền nên chắc chắn Hà biết cư xử đúng mực của mình".
Ngoài ra, phía này cũng nêu quan điểm về việc Hoa hậu Đỗ Thị Hà liên tiếp gặp nhiều scandal thời gian gần đây: “Thực ra, sau mỗi cuộc thi hoa hậu đều hay có các khủng hoảng. Nó có thể xuất phát từ các sự việc thực tế, cũng có thể từ những thị phi không thể biết nguồn gốc từ đâu, cũng có thể từ những hiểu lầm giống tình huống bức ảnh trên đây.
Về việc mặc áo dài trắng, make up đậm đi tặng quà cho người có hoàn cảnh khó khăn, thì đó là tình huống bất khả kháng. Hoa hậu về quê được người dân trong xã đón tiếp nồng nhiệt quá khiến chậm lịch trình hơn dự kiến nhiều tiếng đồng hồ nên từ hội trường xã, cô đã đi thẳng đến một số địa chỉ tặng quà cho kịp hẹn mà không kịp thay trang phục và tẩy trang, chỉ cất bỏ vương miện và dải băng. Các tình huống như vậy cũng như trường hợp bức ảnh nói trên đều bị thổi phồng, xuyên tạc đến méo mó trên mạng xã hội. Đó là một thực trạng đáng buồn”.