Đã có kết quả mẫu bệnh phẩm các trường hợp liên quan ca cúm A/H5 ở Phú Thọ
Liên quan đến trường hợp bệnh nhi mắc cúm A/H5 tại Phú Thọ, tất cả các mẫu bệnh phẩm của người tiếp xúc bệnh nhi này đều âm tính với virus cúm A/H5.
Ngay sau khi phát hiện ca nhiễm cúm A/H5 tại Phú Thọ, Chi cục Thú y vùng 1 cùng Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Thọ đã tổ chức kiểm tra tình hình dịch bệnh tại xã Đông Thành (huyện Thanh Ba) và lấy 5 mẫu gộp xét nghiệm virus cúm gia cầm (gồm 1 mẫu swab gộp môi trường tại gia đình bệnh nhân và 4 mẫu swab gộp hầu họng tại 4 hộ xung quanh có nuôi gia cầm). Các mẫu này đều có kết quả âm tính virus cúm A/H5.
Tính đến nay, cơ quan y tế Phú Thọ đã lấy 66 mẫu bệnh phẩm của những người tiếp xúc gần và người có liên quan dịch tễ, bao gồm: Thành viên trong gia đình bệnh nhân; hàng xóm; cô giáo và bạn học cùng lớp; nhân viên y tế trực tiếp thăm khám, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại các tuyến.
Các kết quả xét nghiệm của tất cả các mẫu bệnh phẩm ở người có liên quan dịch tễ với bệnh nhân đều âm tính với virus cúm A/H5.
Liên quan đến trường hợp bệnh nhi mắc cúm A/H5 tại Phú Thọ, ngày 21/10, Cục Y tế dự phòng đã có công văn đề nghị tỉnh Phú Thọ tăng cường công tác phòng chống dịch cúm gia cầm trên địa bàn.
Theo đó, Cục Y tế dự phòng yêu cầu Sở Y tế Phú Thọ tổ chức điều tra và xử lý triệt để ổ bệnh; tăng cường giám sát phát hiện ổ bệnh cúm mới ở người; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh để có các biện pháp phòng chống dịch kịp thời.
Bộ Y tế đề nghị tỉnh Phú Thọ điều tra, xử lý ổ dịch cúm A lây sang người. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ
Cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ bệnh. Đồng thời cần tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm bệnh, chết và những vùng có nguy cơ cao.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị tỉnh Phú Thọ sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch. Cùng đó, thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định.
Cũng trong ngày 21/10, Bộ NNPTNT đã có công điện khẩn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, hạn chế thấp nhất virus cúm gia cầm lây nhiễm và gây tử vong cho người, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, giảm thiểu thiệt hại cho ngành chăn nuôi.
Đối với địa phương có ổ dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày, hoặc địa phương phát hiện gia cầm có kết quả dương tính với virus cúm gia cầm A/H5, gia cầm mắc bệnh, nghi mắc bệnh do các chủng virus cúm A/H5 cần xử lý tiêu hủy gia cầm, công bố dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch, tiêm cho toàn bộ đàn gia cầm tại thôn, xã có dịch và các địa phương có nguy cơ cao.
Sở Y tế tỉnh Phú Thọ khuyến cáo người dân thực hiện biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm. Ảnh: Sở Y tế Phú Thọ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc; kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn.
Tuyệt đối không buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm mắc bệnh, vứt xác gia cầm, chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, báo cáo dịch bệnh theo quy định; hằng ngày tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng hoặc sử dụng vôi bột để sát trùng khu vực nuôi.