Cuộc tình ngang trái và phận đời đắng cay của người mẹ đơn thân làm phụ hồ nuôi 3 con nhỏ

09-03-2018 06:00:26

Người phụ nữ hơn 30 tuổi phải chịu nhiều cay đắng trong cuộc sống hôn nhân, từng 2 lần ôm con về nhà bố mẹ đẻ để bắt đầu lại cuộc sống.


Chị Hà và 3 con nhỏ

Người phụ nữ có hoàn cảnh vô cùng éo le mà chúng tôi muốn nhắc đến là chị Ngô Thị Hà (30 tuổi, trú tại thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội).

Thiếu nữ tuổi 20 cam chịu làm 'vợ bé' vì yêu

Từng là một học sinh thuộc dạng khá giỏi của lớp, nhưng sau khi học hết lớp 6, chị Hà phải nghỉ học vì gia đình quá khó khăn. Chị phụ giúp bố mẹ và chăm sóc các em, đến năm 14 tuổi thì bắt đầu đi phụ hồ, gánh gạch thuê để kiếm tiền lo cho 3 em gái được ăn học đoàng hoàng.

Năm 2008, khi vừa bước sang tuổi 20, chị theo chân bố xuống huyện Đông Anh làm công nhân đóng gạch. Tại đây chị quen người đàn ông gần 40 tuổi rồi đem lòng cảm mến, nhưng thật trớ trêu, người đàn ông này đã có vợ và 2 con gái. Anh ta đến với chị chỉ vì muốn có con trai để "nối dõi".

“Lúc phát hiện anh ta có vợ và 2 con gái, tôi như phát điên. Tôi chạy bộ từ huyện Đông Anh về nhà (Sóc Sơn) rồi anh ta đến nhà xin lỗi mong tha thứ. Anh ta nói muốn có con trai, vì yêu quá nên tôi đồng ý.

Kể từ hôm đó anh ta ăn ở tại nhà tôi luôn, chung sống như vợ chồng dù không có danh nghĩa chính thức. Vợ anh ta biết chuyện nhưng cũng để yên vì ước mong có đứa con trai nối dõi tông đường. Hai vợ chồng anh ta nói thẳng với tôi rằng nếu sinh con trai sẽ đón về nuôi và cho tôi một khoản tiền 25 triệu đồng. Tôi đau xót lắm”, chị Hà chia sẻ.

Mang thai đủ 9 tháng 10 ngày, chị sinh được một bé trai kháu khỉnh như mong muốn của đôi vợ chồng “khát” con trai kia. Nhưng một lần nữa trò đùa oan nghiệt của cuộc đời vẫn buông tha chị.


Hàng ngày chị đi phụ hồ, đến trưa lại về nhà chuẩn bị rau cháo cho con ăn

“Khi con được 1 tháng, họ quan tâm lắm và luôn nung nấu ý định mang con đi. Đến khi con được 2 tháng thì phát hiện bị bệnh tim bẩm sinh, anh ấy tỏ ra lạnh nhạt và về chung sống với người vợ kia, bỏ rơi mẹ con tôi. Kể từ đó anh ấy cũng không liên lạc với mẹ con tôi nữa”.

Lúc con trai cần tiền để mổ tim tôi có liên lạc với bố đứa trẻ nhưng chỉ nhận được những lời lẽ khó nghe: “Cô điên à! Bệnh này chữa hết nhiều tiền lắm, không có tiền đâu! Mang nó đến trại trẻ mồ côi mà cho đi!”. Tôi ân hận vô cùng. Thương con, tôi đi vay mượn tiền khắp nơi để chữa bệnh cho con, đến khi con được ra viện, người đàn ông đó cũng không nửa lời hỏi thăm, không một phần quà bánh”.

Chị Hà đặt tên con theo họ mẹ là Ngô Đức Mạnh. Bé Mạnh năm nay đã 10 tuổi nhưng chưa hề biết đến mặt bố.

Hôn nhân đổ vỡ vì cưới nhầm chồng nghiện

Khi bé Mạnh vừa cai sữa mẹ, chị nhờ ông bà ngoại trông nom và đi làm công nhân ở Bắc Ninh. Thương cháu gái còn trẻ mà đã chịu cảnh cô đơn, cậu họ giới thiệu cho chị một người đàn ông 37 tuổi, đã qua một đời vợ. Sau vài lần hẹn hò đi uống nước, chị lại yêu.

Năm 2013, chị kết hôn với anh Đào Văn Phúc (37 tuổi) và theo chồng về sinh sống tại xã Nam Tiến (huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên). Sau những trắc trở về đường tình duyên, chị quên đi quá khứ và hy vọng sẽ có một cuộc sống đầm ấm hạnh phúc bên người chồng mới. Nhưng số phận lại thử thách chị một lần nữa. Chồng chị không chịu làm ăn, suốt ngày lao vào cờ bạc, rượu chè.

Năm 2014, khi đứa con gái đầu lòng Đào Thị Hân chào đời, những tưởng chồng sẽ thay đổi, nhưng không ngờ anh còn đối xử tệ bạc hơn với vợ mình. “Có lần trong cơn say anh ta đánh tôi đến ngất xỉu, may nhờ có hàng xóm can ngăn, lần khác khi đang ăn cơm con khóc to anh ta hắt bát canh vào mặt tôi rồi bảo tôi không biết dạy con”, chị Hà nói.


Ba anh em rất ngoan và yêu thương nhau

“Hàng ngày tôi đều phải dậy từ 4h sáng để đi gánh gạch thuê cho một lò gạch gần nhà, rồi đến 8h sáng lại về để cho con bú. Mỗi ngày công chỉ được 180 ngàn đồng, thế nhưng ngày nào cũng phải mua cho chồng 1 lít rượu, ngày nào không mua rượu thì ngày đó tôi xác định chịu đòn”.

Năm 2016, bé Đào Thị Hoan ra đời, khi bé được 5 tháng tuổi thì chị phát hiện chồng có hiện tượng “lạ”. Chị Hà kể: “Mỗi khi đi làm về thấy chồng cùng đám bạn ngồi ở trong nhà uống rượu nhưng lại khóa trái cửa. Đến khi tôi gọi anh ta ra mở cửa, vào được nhà thì lại bắt tôi chui vào trong buồng và cấm tôi được ra ngoài.

Một lần con khóc to quá, tôi mới bế con đi ra gọi bố để dỗ dành thì thấy chồng và 4 người nữa đang cầm tờ giấy bạc đốt lên hít. Tôi thấy thế lao vào can ngăn nhưng anh ta không nghe mà còn đánh đập tôi không thương tiếc. Lúc đó tôi mới nói “sống thế này thì thà chết đi còn hơn” rồi bế con ra giếng nước. Anh ta đuổi theo tôi, giằng lấy đứa con rồi rút lấy chiếc cần giếng vụt tôi đến ngất xỉu.

Ngay hôm đấy gia đình họ hàng nhà chồng có đến can ngăn và bảo sẽ cho vào trại nếu còn như thế này. Anh ta tỏ ra hối hận và hứa sẽ tu chí làm ăn, nhưng chỉ được vài hôm đâu lại vào đó, thậm chí còn tồi tệ hơn. Những tài sản có giá trị trong nhà đều bị anh ta bán đi hết, đôi gà bố mẹ tôi mang lên cho chưa kịp thịt ăn cũng bị anh ta mang bán”.


4 mẹ con chị sống trong căn nhà rộng khoảng 18 m2, lợp  mái brô xi măng

Tay trắng ôm hai con về nhà bố mẹ đẻ

Không chịu được cảnh sống như địa ngục, chị nộp đơn ly hôn chồng và xin nuôi con. Chị tay trắng ôm hai con về nhà bố mẹ đẻ. Ở đây, chị lại tiếp tục với công việc làm mướn làm thuê không biết mệt nhọc để nuôi 3 con nhỏ ăn học.

Bố mẹ chị đều đã già yếu, quanh năm lam lũ chỉ đủ ăn, không giúp được gì nhiều cho con gái. Mấy mẹ con chị sống trong căn phòng nhỏ rộng khoảng 18 m2 vốn là nhà kho cũ còn trống. Trong ngôi nhà ẩm thấp, mái lợp bằng brô ximăng, vào mùa hè nắng nóng không ngủ được, mùa mưa thì dột khắp nơi.

Hàng ngày, chị Hà gửi 2 cháu Hân, Hoan ở nhà cho ông bà ngoại trông nom, còn cháu Mạnh nay đã học lớp 4. Chị đi phụ hồ ở một công trình gần nhà, đến trưa chị lại về nhà chuẩn bị cơm nước cho các con.

Anh Chu Văn Phúc (38 tuổi), hàng xóm sống cạnh nhà chị Hà cho biết: “Cả làng này ai cũng biết hoàn cảnh của cô Hà, vô cùng khó khăn, khi một nách nuôi 3 đứa con nhỏ, đứa lớn thì bị tim bẩm sinh, đứa bé thì suy dinh dưỡng nặng, ốm đau liên tục. Đi làm thì chẳng được bao nhiêu tiền cứ vài hôm lại thấy đi vay tiền đưa con đi viện. Rất thương mấy đứa trẻ, đang tuổi ăn tuổi học mà bữa đói bữa no”.

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Chị Ngô Thị Hà
Địa chỉ: Thôn Đa Hội, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội
Điện thoại: 0166 353 2841

Xem thêm clip: Chồng làm xa...vợ ở nhà ngủ với 2 người bạn của chồng

Văn Long
Theo Đời sống Plus/GĐVN //