Cuộc sống bé Đạt “xếp dép” và mẹ đầy ắp niềm vui từ căn phòng trọ nhỏ và từ “gia đình” Vinamilk
Chỉ mới hơn nửa tháng kể từ ngày chị Linh, mẹ của cậu bé Đạt “xếp dép”, được nhận vào làm tại Nhà máy Trường Thọ nhưng cuộc sống của 2 mẹ con thay đổi rất nhiều.
Gặp chị khi vừa hết ca làm, ý định ban đầu của chúng tôi là thực hiện 1 cuộc phỏng vấn để hiểu hơn về câu chuyện của chị và bé Đạt, nhưng dần dần, buổi phỏng vấn đã trở thành cuộc nói chuyện rất thân tình và đầy bất ngờ về tính cách của Đạt và niềm vui đơn giản trong cuộc sống hàng ngày của 2 mẹ con…
Bức ảnh cậu bé lượm ve chai xếp dép từng lấy bao nước mắt của dư luận
“Mẹ nhớ không được lấy sữa của nhà máy đó nha mẹ”
Đây là lời Đạt “dặn” mẹ mình ngày đầu tiên đi làm. Không chỉ vậy, Đạt còn gửi cho bà ngoại và cô bác sĩ áo trắng (cách bé gọi các cô làm chung nhà máy với mẹ) 2 cái móc chìa khóa hình chiếc xe để làm quà. Món quà đơn giản ấy khiến ai cũng cảm động và trêu rằng chắc Đạt muốn “hối lộ” các cô chú để mẹ được mọi người thương!
Đối với Đạt, một cậu bé hơn 4 tuổi sinh ra và lớn lên ở trại mồ côi, nơi có môi trường xã hội phức tạp, để có một ý thức về sống thật thà và quan tâm đến người khác như vậy không hề dễ. Chưa kể, em còn nhắc nhở người khác những ý thức tốt đó.
Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn, chúng tôi hỏi chị Linh về cách dạy dỗ Đạt. Chị thật thà nói: “Thật sự em không dạy Đạt được nhiều đâu, đó giờ chỉ có nói với nó mình sống phải thật thà, không được trộm cắp, lừa dối người khác”.
Đến đây, phần nào chúng tôi đã hình dung được hành động Đạt xếp dép cho các bạn đi dã ngoại ở công viên là xuất phát từ chính ý thức của em, dù chưa có bất kì ai dạy em việc đó.
Chẳng phải những điều gì cao siêu mà chính cách chị Linh nói với con về những chuyện đơn giản, gần gũi ngay trước mắt bé đã ngấm dần vào suy nghĩ của Đạt. Từ đó hình thành nên ý thức thật thà, biết quan sát và quan tâm đến mọi người xung quanh bằng những việc rất đơn giản.
Chị Linh tâm sự rằng hiện rất vui với công việc hiện nay vì được các cô, các chị làm chung quan tâm, giúp đỡ như người nhà
“Vì các bạn không có bố, mẹ. Con còn có mẹ…”
Ngày đầu tiên theo mẹ vào nhà máy nhận việc, mọi người tại Nhà máy Trường Thọ, mỗi người góp một ít giúp cho 2 mẹ con có tiền để mua các đồ dùng cho nơi ở mới. Vì nhà máy cũng đã hỗ trợ những vật dụng cần thiết nên Đạt xin mẹ bỏ ống heo số tiền được các cô chú cho, khoảng hơn 600 ngàn.
Cuối tuần vừa rồi, Đạt tự nói với mẹ chở em xuống trại mồ côi ở Bình Dương, nơi 2 mẹ con nương nhờ từ khi em mới sinh đến năm 3 tuổi, mang theo số tiền đó để tặng các bạn. Chị đã hỏi con vì sao không giữ để mua đồ ăn, mua sữa, Đạt trả lời mẹ rằng:
“Vì các bạn không có bố mẹ, con còn có mẹ, có bà ngoại, có chú Phi…”. Còn lại mấy chục ngàn, Đạt nói mẹ chở ra chợ để mua cho mẹ 1 cái áo mới để mặc đi làm, thay vì đòi mẹ mua 1 cái ô tô đồ chơi như bao đứa trẻ khác!
Có lẽ chính việc luôn lắng nghe con, ủng hộ những ý tốt của con đã giúp chị Linh hướng Đạt đến những suy nghĩ muốn được chia sẻ với người khác.
Nhà máy đã tặng cho 2 mẹ con 1 chiếc xe đạp để chị Linh đi làm và đưa đón Đạt đi học
Niềm vui lộ rõ trên mặt cậu bé “xếp dép” khi được mẹ đến trường đón về nhà
Hay chỉ đơn giản là được chú Phi (Q. TB HC-NS Nhà máy Trường Thọ, người đã trực tiếp giúp đỡ cho 2 mẹ con từ những ngày đầu đến nay) cho đi chơi 1 vòng bằng xe máy
“Ông cụ non” ước mơ trở thành cảnh sát!
“Ông cụ non” là cách mà các cô chú tại Nhà máy Trường Thọ gọi cậu bé “xếp dép”. Ai trong nhà máy cũng nói hiếm thấy đứa bé nào có cái tâm và biết quan sát, suy nghĩ cho người khác như Đạt. Chắc có lẽ cuộc sống thiếu thốn từ nhỏ đã “ép” Đạt già dặn trước tuổi.
Như hôm nhà máy gọi chị Linh đến để nói chuyện và sắp xếp công việc, Đạt đã nói với mẹ: “Người ta có lừa mình không mẹ, con sợ người ta bắt cóc mẹ lắm! Mình về đi mẹ!”.
Cuộc sống tại trại trẻ mồ côi rồi những ngày lang thang công viên nhặt ve chai với mẹ đã hình thành cho bé một bản năng bảo vệ mẹ, bảo vệ chính mình. Có lẽ vì vậy mà khi được hỏi ước mơ lớn lên muốn làm gì, Đạt trả lời ngay: “Con muốn làm cảnh sát”.
“Ông cụ non” say sưa khám phá việc lắp ráp mô hình
Cả buổi nói chuyện, chị Linh cứ nhắc đi nhắc lại cùng với niềm vui ánh lên trong mắt: “Mọi thứ xảy ra nhanh quá, nhiều khi em vẫn chưa tin được chị ạ!”. Còn bé Đạt thì đã hết "lo" vì từ nay, 2 mẹ con đã có thêm những người thân “mới xuất hiện” như chú Phi, bà ngoại, cô bác sĩ áo trắng và các cô chú làm chung với mẹ tại nhà máy.
“Em thật sự cám ơn cô Tổng Giám Đốc Vinamilk và các anh, chị ở nhà máy Trường Thọ đã cho em cơ hội được làm việc, được có cơ hội chăm lo cho Đạt tốt hơn. Em không còn phải lang thang hàng ngày ngoài đường để nhặt từng cái ly, cái chai, bớt được cái lo cho bữa cơm hàng ngày của Đạt” – chị Linh chia sẻ.
Mong rằng đây sẽ là một khởi đầu mới cho chị Linh và bé Đạt để từ căn phòng trọ nhỏ, 2 mẹ con sẽ có thêm niềm vui và hy vọng. Để từ mái nhà lớn Vinamilk, chị Linh sẽ phấn đấu, nỗ lực hơn để xây dựng một tương lai tốt hơn cho 2 mẹ con và bé Đạt sẽ được học hành sớm thực hiện ước mơ của em!