Cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam được coi là hình mẫu thế giới
Dưới tiêu đề "Cuộc chiến chống SARS-CoV-2: Mô hình Việt Nam - Hình mẫu thế giới", trang điện tử OJODIGITAL của Argentina đã ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam được coi là hình mẫu.
Truyền thông quốc tế ca ngợi cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam
Theo bài báo, trong gần 3 tháng qua, virus SARS-CoV-2 - tác nhân gây bệnh Covid-19, đã lây lan mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, làm lúng túng hệ thống y tế của nhiều nước trên thế giới. Sự chủ quan ban đầu đã khiến cho nhiều nước phải trả giá với những số liệu chưa từng có về số người mắc bệnh và tử vong, Tuổi trẻ đưa tin.
Trong bối cảnh đó, vẫn có những điểm sáng trên thế giới về công tác phòng chống và ngăn chặn sự lây lan của dại dịch để đưa vào thực tế như một hình mẫu cho thế giới. Đó là trường hợp của Việt Nam - quốc gia nằm gần sát với ổ dịch lớn đầu tiên trên thế giới, với dân số lên tới hơn 95 triệu người song tới thời điểm hiện tại mới chỉ có 257 ca dương tính với SARS-CoV-2, trong đó 144 người đã khỏi bệnh và không có trường hợp tử vong.
Điều mà người ta tưởng là 'một sự việc lạ lùng' nhưng trên thực tế hoàn toàn không phải ngẫu nhiên. Để hiểu được vì sao Việt Nam lại có được những thành công như vậy có lẽ cần phải hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, một đất nước đã trải qua nhiều năm tháng chiến tranh nhiều hi sinh gian khổ nhưng rất đoàn kết.
Những ngày tháng khó khăn vì bệnh dịch vừa qua một lần nữa cho thấy người dân Việt Nam ủng hộ những quyết sách mà chính phủ đưa ra bảo đảm cho sự thành công của việc thực hiện lệnh giãn cách xã hội.
Còn nhớ năm 2003, Việt Nam cũng đã thành công trong việc đẩy lùi dịch Hội chứng viêm đường hô hấp cấp (SARS) với một loạt biện pháp ngăn chặn mạnh ngay từ đầu, từ việc lập ra một ủy ban chỉ đạo tập trung bao gồm các nhà quản lý và chuyên gia y tế hàng đầu, cách ly những người nhiễm bệnh tại một số bệnh viện chuyên ngành, xác định sớm nguồn lây nhiễm từ bên ngoài để thực hiện việc kiểm soát chặt các cửa khẩu biên giới, cũng như thực hiện việc khử trùng toàn bộ các khu vực có người nhiễm bệnh.
Khi bùng phát đại dịch COVID-19 lần này, những kinh nghiệm của lần chống dịch trước đó đã giúp Việt Nam hoàn toàn chủ động, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội và sự điều hành hiệu quả của chính phủ.
Trước đó, theo baoquocte.vn, hãng Sputnik (Nga) có bài viết đánh giá Việt Nam chủ động thực hiện cách ly toàn xã hội để sớm khống chế dịch bệnh. Dẫn ý kiến của các chuyên gia về quyết định của Chính phủ Việt Nam tiến hành cách ly xã hội từ 0h ngày 1/4, bài báo cho rằng, việc công bố dịch toàn quốc khi số ca bệnh Covid-19 mới vượt mức 200 người cho thấy "Chính phủ Việt Nam đã hành động đúng thời điểm cần thiết". Đưa ra quyết định vào thời điểm này giúp Việt Nam có đủ thời gian để chuẩn bị các nguồn lực cũng như giúp người dân, các cơ quan chức năng chủ động trong việc ứng phó.
Trang điện tử Hespress của Morocco cũng có bài viết khen ngợi Việt Nam thành công trong kiềm chế sự lây lan dịch Covid-19 thông qua các chính sách hiệu quả.
Bài viết đánh giá cao sự chủ động của Việt Nam trong công tác phòng dịch Covid-19. Tác giả cho rằng, Việt Nam đã sớm có các biện pháp phòng dịch, minh bạch thông tin nhất là việc thông báo tình hình dịch, các biện pháp phòng ngừa cho người dân. "Các biện pháp phòng ngừa này đã góp phần hạn chế dịch lây lan. Thành công của Việt Nam là sớm nhận ra khủng hoảng, thông báo hàng ngày với công chúng, đưa ra các mô hình thành công để ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với cuộc khủng hoảng toàn cầu này".
Trong một bài viết với tiêu đề “Việt Nam đã chiến thắng trong 'cuộc chiến' chống virus SARS-CoV-2 như thế nào” của hãng truyền thông Đức Deutsche Welle (DW), người viết cũng đã đặt câu hỏi: Việt Nam có hệ thống chăm sóc y tế và nguồn lực tài chính hạn chế để đối phó với dịch Covid-19. Vậy bằng cách nào, Việt Nam có thể giữ tỷ lệ mắc Covid-19 thấp như vậy?
Bài viết trên DW khẳng định, Việt Nam đã làm rất tốt công tác phòng chống dịch. Trong dịp Tết Nguyên đán hồi cuối tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã “phát động cuộc chiến” với virus SARS-CoV-2 , mặc dù dịch bệnh khi đó mới chỉ bùng phát tại Trung Quốc.
Theo bài viết, ngay từ đầu, Việt Nam đã thực hiện các biện pháp cách ly nghiêm ngặt và tiến hành theo dõi toàn bộ những người từng tiếp xúc với người nhiễm virus. Bất kỳ ai từ vùng có nguy cơ nhiễm dịch cao tới Việt Nam đều bị cách ly 14 ngày. Tất cả các trường phổ thông và đại học đều phải đóng cửa từ đầu tháng 2.
Các nước phương Tây như Đức chỉ thống kê những trường hợp nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với họ. Trong khi đó, Việt Nam theo dõi cả những trường hợp tiếp xúc ở cấp độ 2, cấp độ 3 và cấp độ 4 với người nhiễm virus. Tất cả những người này sau đó đều được kiểm soát nghiêm ngặt theo từng cấp độ về quá trình di chuyển và hạn chế tiếp xúc.
Cũng nhận dịnh về công tác chống dịch tại Việt Nam, hãng thông tấn EFE (Tây Ban Nha) cho rằng, với các nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã tìm cách ngăn chặn đại dịch Covid-19 bằng cách triển khai các biện pháp phòng ngừa như cách ly hàng loạt và theo dõi triệt để các ca nghi nhiễm.
Hãng EFE dẫn lời một quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Hà Nội - ông Park Kidong cho biết, "giãn cách xã hội", "kích hoạt sớm hệ thống ứng phó" và "cách tiếp cận toàn xã hội dưới sự lãnh đạo mạnh mẽ" là những lý do dẫn đến sự thành công của Việt Nam cho tới thời điểm hiện tại.