Cuộc bầu cử lịch sử

23-05-2021 07:00:06

Hôm nay, ngày 23/5, cử tri cả nước đi bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh vô cùng đặc biệt khi mà dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, với số ca lây nhiễm SARS-CoV-2 tăng nhanh. Nói như GS sử học Vũ Minh Giang thì cuộc bầu cử lần này là cuộc bầu cử lịch sử.


Đường phố Hà Nội trong những ngày bầu cử.

GS Vũ Minh Giang cho rằng, bất kỳ cuộc bầu cử Quốc hội nào cũng đều có ý nghĩa rất quan trọng vì đó là lúc toàn dân thông qua lá phiếu thể hiện ý chí của mình lựa chọn ra những người đại diện cho nhân dân đảm nhận những trọng trách hệ trọng trong hệ thống chính trị, là nơi thông qua các chỉ tiêu quan trọng nhất của quốc gia trong quá trình phát triển, chỉnh đốn những khung pháp lý, định chế bảo đảm cho sự phát triển của đất nước.

Theo GS, trong tiến trình lịch sử từ khi Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được hình thành sau cuộc Tổng tuyển cử năm 1946 đến nay có những kỳ bầu cử Quốc hội đã đi vào lịch sử như một dấu mốc đặc biệt.

Trong đó trước hết  phải kể đến cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội Việt Nam đầu tiên vào ngày 6/1/1946. Đó là một sự kiện lịch sử đã khiến cho nhiều người trong và ngoài nước bất ngờ và ngỡ ngàng trước thắng lợi rực rỡ của nó. Không mấy người tin rằng chính phủ lâm thời non trẻ khi ấy có thể tổ chức thành công một cuộc tổng tuyển cử trên quy mô cả nước trong những điều kiện hết sức khó khăn và tình thế hiểm nghèo.

Theo GS Vũ Minh Giang, cuộc bầu cử lịch sử thứ hai chính là cuộc bầu cử Quốc hội sau khi đất nước thống nhất. Tròn 30 năm sau ngày giành được chính quyền về tay nhân dân hai chữ Độc lập mới được thực hiện trọn vẹn. Cuộc bầu cử Quốc hội lịch sử thứ ba là cuộc bầu cử sau khi Đảng ta quyết định đổi mới đất nước.

Đối với cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV (ngày 23/5/2021) GS Vũ Minh Giang cho rằng, theo cách nhìn nhận của giới nghiên cứu lịch sử, hoàn toàn có thể sánh với 3 cuộc bầu cử nói trên. Đây là giai đoạn chúng ta đã chuẩn bị hành trang bước vào thời kỳ xây dựng đất nước phồn vinh và cuộc sống hạnh phúc. Sứ mệnh lịch sử trọng đại này đã được xác định là mục tiêu chính trị của Đại hội XIII.

“Trọng trách của Quốc hội lần này là phải chọn ra những người xứng đáng để thực hiện những nhiệm vụ đó, phải thông qua những quyết sách lớn và đồng thời phải bổ sung, phát triển những định chế, khung pháp lý cho hoạt động của đất nước trong thời kỳ đưa đất nước đi tới phồn vinh, nhân dân tới cuộc sống hạnh phúc” - GS Vũ Minh Giang nói.

Như vậy, cuộc bầu cử để chọn ra những người xứng đáng là đại biểu nhân dân, thì những vị đại biểu đó phải luôn quán triệt dân là gốc; phải lắng  nghe, thấu hiểu và phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng chính đáng của nhân dân - nói như ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Trong quá trình lâu dài lịch sử dựng nước và giữ nước của người Việt Nam, từ những kinh nghiệm xương máu, tổ tiên ta đã rút ra bài học vô cùng quan trọng, đó là lấy dân làm gốc. Tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh, được Đảng ta kế thừa và phát huy. Trong 35 năm đổi mới đất nước vừa qua, bài học đó càng hiện lên một cách rõ nét. Khi xác định dân là gốc thì nhân dân sẽ được phát huy vai trò làm chủ, sức sáng tạo và mọi nguồn lực để xây dựng, bảo vệ đất nước. Chở thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân, sức dân như nước - người Anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi khẳng định. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng, “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T 8, tr.276).

Vì thế, trong lần bầu cử này, khi nhận được sự tín nhiệm của cử tri thì các vị ĐBQH cũng như đại biểu HĐND cần một lần nữa nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình với nhân dân. Trách nhiệm với Dân cũng là trách nhiệm với Nước. Khi người dân đã tin tưởng, đặt kỳ vọng vào mình thì càng phải phục vụ nhân dân tốt hơn, và càng không bao giờ được phản bội nhân dân, quay mặt trước những nỗi lo toan của dân.

Trở thành đại biểu của dân thì không bao giờ được quan liêu, xa dân và cũng không để dân xa. Quan liêu, xa dân sẽ không hiểu lòng dân, thì khó biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực.  Mị dân cũng không qua được con mắt tinh tường của quần chúng, nhân dân không bao giờ chấp nhận bất cứ sự giả tạo nào.

Vì thế, khi trở thành đại biểu của dân thì căn cốt phải là sự chân thành, chân thành với dân, chân thành và trung thực trong những ý kiến đóng góp chứ không phải lợi dụng diễn đàn Quốc hội hay HĐND để đánh bóng tên tuổi của riêng mình mà không nói được gì cho dân.

Nhân đây, xin được nhắc lại cảnh báo từ rất sớm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong “Thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, tháng 10/1945, Người viết: “Cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân. Quên rằng dân bầu mình ra là để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, T4, tr57).

Lời căn dặn tha thiết và nghiêm khắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với các vị đại biểu dân cử cũng chính là đòi hỏi và kỳ vọng của cử tri, của nhân dân thể hiện trong lá phiếu đi bầu hôm nay, 23/5/2021, một kỳ bầu cử đặc biệt, một kỳ bầu cử lịch sử.

HÀ TRỌNG NGHĨA
Theo Đại Đoàn Kết //