Công ty Urenco vượt mặt lãnh đạo TP Hà Nội thế nào?
Dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải để phát điện (dự án Nedo) đang khiến Urenco sa lầy bởi hàng loạt các gói thầu chưa được quyết toán, thậm chí gói thầu số 11 về vận chuyển thiết bị còn được thực hiện chỉ định thầu sai khi chưa được TP Hà Nội phê duyệt, chưa ký được hợp đồng kinh tế.
Một góc dự án Nedo, nơi xảy ra nhiều lùm xùm về các gói thầu.
Là một doanh nghiệp Nhà nước hoạt động công ích, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Cty Urenco) được giao phụ trách nhiều dự án vệ sinh môi trường sử dụng ngân sách cũng như nguồn vốn nước ngoài tài trợ. Nhưng đơn vị này đã nhiều lần vượt mặt lãnh đạo TP, quyết định sai thẩm quyền dẫn tới thất thoát vốn nhà nước.
Mới đây, đoàn kiểm tra công vụ của UBND TP Hà Nội đã có kết luận về trách nhiệm của chủ đầu tư là Cty Urenco đối với dự án Nedo. Theo đó, DN này thực hiện sai rất nhiều gói thầu trong dự án này.
Dự án Nedo do Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới của Nhật Bản viện trợ. Tổng vốn để thực hiện dự án này là 645 tỷ đồng, trong đó ngân sách TP đối ứng hơn 140 tỷ đồng (100% vốn ngân sách cấp phát).
Mục tiêu của dự án là nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo vệ môi trường thông qua việc xây dựng các hệ thống lò đốt và xử lý làm sạch khí thải, thu hồi nhiệt và máy phát điện sử dụng công nghệ tuốc-bin hơi nước để sử dụng rác thải công nghiệp cho mục đích sản xuất điện năng tại TP Hà Nội, góp phần xử lý triệt để chất thải nguy hại của TP.
Tháng 2/2013, UBND TP có văn bản phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình. Sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung, dự án phải lập kế hoạch đấu thầu tăng thêm 32 gói thầu so với kế hoạch phê duyệt ban đầu (tăng từ 12 lên 44 gói thầu), bao gồm cả một số công việc đã thực hiện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trong 44 gói thầu nêu trên, gói thầu số 11 về vận chuyển thiết bị đang khiến cả chủ đầu tư, nhà thầu cũng như UBND TP Hà Nội đau đầu nhất, bởi lẽ, hiện gói thầu đã thực hiện xong, nhưng cả chủ đầu tư và nhà thầu đều chưa có hợp đồng kinh tế cũng như các thủ tục khác. Tổng giá trị gói thầu này lên đến gần 8 tỷ đồng.
Theo giải trình của Urenco, “… thời gian từ ngày UBND TP Hà Nội phê duyệt kế hoạch đấu thầu đến ngày lô thiết bị tài trợ đầu tiên cập cảng Việt Nam (21/6/2013 đến 2/7/2013) quá gấp, trong khi Cty phải thực hiện rất nhiều thủ tục liên quan đến thuế và hải quan, do vậy không kịp thực hiện các thủ tục chỉ định thầu theo quy định.
Để đảm bảo tiến độ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa, ngày 22/6/2013, Cty đã ký hợp đồng nguyên tắc với Cty TNHH MTV Đầu tư thương mại và dịch vụ quốc tế (Interserco) để bốc dỡ và vận chuyển toàn bộ thiết bị về công trường”.
“Cho đến ngày 7/6/2017, UBND TP mới có quyết định phê duyệt dự toán ủy thác nhập khẩu, bốc dỡ và vận chuyển hàng hóa thiết bị (gói thầu số 11) thuộc dự án. Đến thời điểm này đã đủ điều kiện chỉ định thầu theo quy định”, theo giải trình của Urenco.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ và đối chiếu với thực tế, Đoàn kiểm tra kết luận, việc thống nhất giữa Urenco và phía Nhật Bản về lịch giao nhận hàng hóa, thiết bị của gói thầu số 11 đã được UBND TP giao cho Urenco thực hiện, nhưng các mốc thời gian thực hiện gói thầu này không được cân nhắc, điều chỉnh phù hợp với việc thực hiện các phần việc của phía Việt Nam theo quy định về quản lý đầu tư xây dựng. Nghiêm trọng hơn, Urenco không báo cáo đề xuất với UBND TP để xin ý kiến chỉ đạo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Ngoài ra, một sự vượt mặt TP của Cty Urenco là đơn vị này ký hợp đồng nguyên tắc với Interserco về việc thực hiện gói thầu 11 trước khi UBND TP Hà Nội có quyết định phê duyệt dự toán gói thầu này. Như vậy, giá trị con số gần 8 tỷ đồng của gói thầu mà 2 bên thực hiện UBND TP hoàn toàn không nắm được.
Một trong những sai phạm tiếp theo và Urenco mắc phải, đó là chỉ định thầu gói thầu số 11 sai quy định. Theo đó, quy định chỉ cho phép chỉ định thầu đối với gói thầu dưới 5 tỷ đồng. Trên 5 tỷ đồng, chủ đầu tư phải tổ chức đầu thầu rộng rãi.
Đoàn công tác đánh giá, năng lực cán bộ Urenco hạn chế, lập kế hoạch dự án đấu thầu không đầy đủ, phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, không kịp thời báo cáo lãnh đạo TP về gói thầu 11 dẫn tới sai phạm.
Đoàn kiểm tra kiến nghị lãnh đạo TP chỉ đạo Cty kiểm điểm, lãm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan đến khuyết điểm, thiếu sót, đồng thời đề xuất xử lý nghiêm túc, khách quan.
Được biết, trong quá trình lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ, lãnh đạo Urenco tiếp tục bị TP Hà Nội tuýt còi trong việc đầu tư xe hút bụi Hako của Đức, thùng chứa rác 600 lít không hiệu quả... Điều này gây tâm lý bức xúc trong tập thể cán bộ, công nhân viên Cty cũng như biểu hiện lợi ích nhóm. Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sai phạm của Urenco trong các bài tiếp theo...
(Còn nữa)
Xem thêm: Chính phủ đề nghị lùi thời gian thông qua Luật Đặc khu sang kỳ họp sau