Con gái lấy chồng không biết nấu cơm, mẹ vẫn tất bật chăm lo từ A-Z

07-03-2018 07:00:18

Từ khi con gái sinh, chị Thùy trở lại thời kỳ con mọn đúng nghĩa, hết chăm lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, lại chăm cháu từ miếng ăn đến giấc ngủ.


Con gái lấy chồng không biết nấu cơm, mẹ vẫn phải chăm lo. Ảnh minh họa

Hẹn hò với mấy người bạn nhân dịp đầu năm mà chị Thùy (Đống Đa, Hà Nội) cứ nhấp nhổm, sốt ruột vì những công việc không tên ở nhà. Đáng lẽ ra, ở tuổi ngoài 50, khi con cái đã trưởng thành thì sẽ được nhàn nhã, thư thái, nhưng với chị Thùy, cuộc sống có lẽ ngày càng bộn bề hơn.

Nhìn những người bạn có thời gian đi spa chăm sóc da, tóc... hay ngồi tám chuyện “trên trời dưới bể” mà chị thấy buồn cho chính bản thân mình.

Vợ chồng chị Thùy sinh được một cô con gái, năm nay 25 tuổi và đã kết hôn. Vì là con một nên từ nhỏ con gái chị được bố mẹ bao bọc, chiều chuộng hết mức. Từ nhỏ đến lớn, chị Thùy chăm sóc con từ miếng ăn, giấc ngủ, mọi việc trong nhà không phải động tay, kể cả quét nhà, cắm cơm... Cứ đi học, đi làm về là có mẹ dọn cơm chỉ việc ngồi xuống ăn, ăn xong đứng lên phòng xem tivi, lướt điện thoại hay làm đẹp cho bản thân.

Khi con gái đến tuổi lấy chồng mà vẫn vụng về lười biếng, không biết một chút gì về nữ công gia chánh, chị sốt ruột dạy con thì đúng như “nước đổ lá khoai”. Dạy con lau nhà thì vắt nước không kỹ, nhà ướt nhẹp trơn ngã, rửa bát cũng lúng túng không làm vỡ thì còn nguyên dầu mỡ, cắm cơm thì bữa nhão bữa khô...

Chị Thùy khuyên bảo nhẹ nhàng không được rồi quát mắng nhưng dường như con gái chị không nhập tâm. Cô gái còn cãi lý với mẹ: “Mẹ à, con gái thời nay chỉ cần biết làm đẹp và làm được nhiều tiền là con trai xếp hàng chạy theo rồi. Những việc nhà cỏn con ấy, thuê người làm là được. Chứ bỏ bê nhan sắc là chồng cũng chê, cũng chán mà”.


Vào bếp nấu món gì là hỏng món đó. Ảnh minh họa

Bất lực với con, chị đành bỏ mặc và không muốn nói gì thêm. Tưởng đến khi con gái lấy chồng, mua cho một căn hộ ở riêng, vợ chồng chăm sóc lẫn nhau để mẹ được thảnh thơi, nhàn rỗi. Ai ngờ, cậu con rể cũng bận tối ngày, con gái thì vụng nên suốt ngày cơm hàng cháo chợ, nếu không thì lại gọi “mẹ ơi nấu cơm bọn con về ăn với nhé”.

Đến khi con gái sinh con đầu lòng, thì chị Thùy càng thêm bận rộn hơn bao giờ hết. Bà thông gia mắt kém nên không chăm được cháu, thế là mọi việc lại do bà ngoại quán xuyến hết. Chạy đi chạy lại giữa hai nhà khiến chị Thùy mệt mỏi, sút cân trông thấy. Cuối cùng, vợ chồng chị bàn nhau cho thuê căn hộ, còn vợ chồng con gái về ở chung để tiện chăm sóc.

Từ đây, chị Thùy trở lại thời kỳ con mọn đúng nghĩa, hết chăm lo cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, lại chăm cháu từ miếng ăn đến giấc ngủ. Con gái chị từ khi sinh con, cũng biết việc hơn một chút, nhưng chủ yếu chỉ quanh quẩn việc bỉm sữa, còn mọi việc nhà vẫn đến tay chị.

Nhiều khi nhìn những người bạn chiều tan làm là thảnh thơi đi đánh cầu lông, tennis mà chị “ứa nước mắt”. Có lúc ngồi nói chuyện với chồng, chị Thùy thở dài: “Vợ chồng mình đã chiều cái An quá nên thành ra vụng về, lười nhác. Bằng đấy tuổi đầu rồi mà không làm được gì, đã vụng chèo lại khéo chống. Đúng là bao bọc con quá, thành ra nó ỷ lại, bố mẹ phải lo cho nó hết đời, đến cả cháu nữa ấy chứ”.

Nghe vợ than thở, chồng chị Thùy cũng ngậm ngùi rồi nắm lấy bàn tay vợ, nếu có nói lời nào đó anh cũng chỉ biết bắt đầu bằng “nếu như vợ chồng mình ngày trước đừng nuông chiều con quá”.

Đúng vậy, đó chỉ là một trong muôn vàn câu chuyện kể về những đứa con “có lớn mà không có khôn” khi được bố mẹ cưng chiều quá mức. Đáng lẽ ra, ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ phải để cho con tự làm những công việc nhỏ nhất, biết chia sẻ việc nhà với bố mẹ thì khi lớn lên chúng sẽ tự lập hơn trong cuộc sống.


Xem thêm Hiện trường vụ án ca sĩ Châu Việt Cường liên quan tới cái chết của cô gái trẻ.

L.H
Theo Đời sống Plus/GĐVN //