Con cái ngược đãi cha mẹ: Lỗi không chỉ ở những đứa con hư
Gần đây, có những vụ việc con đánh đập, thậm chí sát hại bố mẹ gây nên sự phẫn nộ trong công chúng. Ai cũng đồng tình lên án hành động bất nhân ấy, nhưng ẩn chứa sau đằng sau đó là những ẩn ức không phải ai cũng để ý.
Chúng ta phải khẳng định rằng, con cái ngược đãi, đánh đập thậm chí sát hại cha mẹ, dù với bất kỳ lý do gì, cũng là điều không thể chấp nhận được. Bởi theo đạo lý của người Á Đông, con cái phải có trách nhiệm báo hiếu đấng sinh thành mới đúng đạo làm người.
Vì thế, có những đứa trẻ từ khi được sinh ra đến lúc lớn lên, ơn chưa trả đã làm đau lòng cha mẹ khi chúng gây nên những tội lỗi ngoài xã hội, tệ hại hơn, chúng còn hành hạ, đánh đập chính cha mẹ của mình, đó là tội lỗi “trời không dung, đất không tha”.
Nhưng, nếu xét ở góc độ giáo dục, trong số hàng trăm nguyên nhân dẫn đến hành động ngang ngược, trái với đạo lý của những đứa con, thì các phụ huynh cũng nên nhìn nhận lại cách giáo dục con cái của mình. Bởi như người xưa đã nói “con cái là tấm gương phản chiếu của bố mẹ”.
Ngay cả khi trong một gia đình nề nếp, gia giáo những tưởng mọi thứ diễn ra rất “quy lát” thì vẫn có những cách dạy dỗ chưa thực sự phù hợp. Vì thế, những gia đình vất vả đông con, hoặc những người kinh doanh tối ngày không có điều kiện gần gũi con cái, thì việc chúng được sống “tự do” và phát triển theo một cách hoàn toàn bản năng là điều có thể hiểu được.
Bên cạnh đó, sự khắt khe quá mức, hoặc những cơn nóng giận không kiềm chế được, nhiều ông bố - bà mẹ đã có những hành động với con cái mình một cách quá thô bạo dẫn đến tổn thương trầm trọng cho đứa trẻ. Cộng đồng mạng đã từng chứng kiến và thể hiện sự phẫn nội với câu chuyện một đứa trẻ bị bố mẹ lột truồng trói ở hè phố vì mắc lỗi, một bé gái bị mẹ đẩy ngã, đánh chửi và để lại siêu thị không cho về nhà chỉ vì nó vô tình làm mất gói kẹo,… hay rất nhiều trường hợp con đi chơi game bị bố mẹ đến tận nơi đánh chửi, thậm chí còn làm nhục con trước mọi người với mục đích cho nó xấu hổ sẽ chừa,…
Và rất nhiều những câu chuyện bố mẹ “phạt” con một cách thô bạo, thái quá trong cơn cuồng nộ tột độ mà không kiềm chế được cảm xúc.
Có thể nói, khi con cái hư, lặp đi lặp lại những lỗi lầm, hẳn bố mẹ nào cũng sẽ bực bội, tức giận. Thậm chí, ngay cả khi đứa con ngoan ngoãn của mình vẫn học hành chăm chỉ, giỏi giang, nhưng bỗng một ngày nó phạm lỗi thì bố mẹ cũng đau đớn, thất vọng,… đó là tâm lý chung của các bậc phụ huynh, bởi ai cũng luôn đặt kỳ vọng vào con và hi vọng chúng sẽ ngoan ngoãn, giỏi giang, thành đạt.
Tuy nhiên, mỗi đứa trẻ sinh ra đều đã mang trong mình một cá tính riêng, phần còn lại, phụ thuộc vào chính môi trường sống của chúng. Tốt hay xấu chỉ một phần do tính cách, còn lại là sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Quay trở lại những ví dụ đã dẫn chứng ở trên về cách cha mẹ “phạt” con cái một cách thô bạo, những trận “cuồng phong bạo chúa” ấy đã vô tình gây nên tổn thương trầm trọng cho đứa trẻ. Một đứa “con nít” 10 tuổi bị cha mẹ lột truồng trói ngoài hè phố sẽ mãi mãi không bao giờ quên khoảnh khắc “ô nhục” đó, nó sẽ hằn sâu trong tâm trí và trở thành nỗi hận thù có thể kéo dài suốt đời. Một đứa “choai choai” 14-15 tuổi sẽ không bao giờ có thể quên được trận đòn “boxing” của cha mình khi đấm thẳng vào mặt, thậm chí lấy mũ bảo hiểm đập thẳng vào đầu con kèm theo những câu chửi rủa thậm tệ, nhất là lại được sự “tiếp tay” của người mẹ ngay trong quán game gây nên những tổn thương tâm lý cực kỳ trầm trọng.
Nỗi đau thể xác có thể ngày một ngày hai sẽ nguôi ngoai. Nhưng hình ảnh nó bị cha mẹ “làm nhục” trước hàng chục đứa bạn rồi bị quay clip tung lên mạng cho hàng triệu người xem sẽ là một cú sốc không thể xoá nhòa trong tâm trí một đứa thiếu niên đang ở tuổi “dở dở, ương ương”. Và đó chính là một trong những nguyên nhân tạo ra tính cách bạo lực, “máu lạnh” thôi thúc sự “trả thù” ở trẻ.
Với một đứa trẻ đã đủ nhận thức, việc nó chứng kiến những trận đòn roi, làm nhục từ chính bố mẹ - những người nó yêu thương nhất, nơi nó cho là vững chãi nhất sẽ làm nó thay đổi suy nghĩ, “à thì ra, bố mẹ cũng khác gì người dưng đâu, cũng đánh đập, nhục mạ mình không thương tiếc, đâu có yêu thương mình thật lòng”… Những suy nghĩ ấy sẽ theo suốt quãng đường phát triển của đứa trẻ và đến khi chúng lớn lên, đủ tư cách là một người trưởng thành, chúng sẵn sàng quay lại “đối đầu” với chính cha mẹ, như cách cha mẹ đã từng làm với chúng.
“Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” - câu thành ngữ này không phải ám chỉ trực tiếp người mẹ, người bà nuông chiều con cháu, mà sâu xa hơn, đó chính là cách giáo dục con cái trong mỗi gia đình. Nếu như cha mẹ luôn tìm cách gần gũi để tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của con, trở thành những người “bạn” với con, đồng hành cùng con trên mọi nẻo đường đời một cách tâm lý, đầy yêu thương, vị tha nhưng cũng vô cùng nghiêm khắc, cứng rắn,… biết cách kiềm chế cảm xúc, không dùng bạo lực cũng như những lời mắng chửi, chọn cách hành xử văn minh, khôn khéo thì chắc chắn những đứa trẻ lớn lên sẽ học được chính những đức tính ấy của cha mẹ, vì thế chúng sẽ là những đứa con ngoan ngoãn, hiểu biết và thực sự chín chắn, trưởng thành.