Cỏ nhọ nồi hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết, dùng thế nào cho đúng?

23-10-2018 15:36:02

Thông tin sử dụng cỏ nhọ nồi chữa sốt xuất huyết được nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Bác sĩ đông y bày cách sử dụng cỏ nhọ nồi hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết hiệu quả.


 Cỏ nhọ nồi hỗ trợ điều trị sốt xuất huyết hiệu quả

Theo thống kê của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 77.355 trường hợp mắc sốt xuất trong đó có 11 trường hợp tử vong. Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng. 

Hiện nay, trên các diễn đàn về sức khỏe, thông tin sử dụng cỏ nhọ nồi chữa sốt xuất huyết được chia sẻ rất nhiều. Tuy nhiên, nhiều người vẫn băn khoăn không biết liệu bài thuốc này có thực sự hiệu quả.

Chia sẻ với Đời sống Plus, bác sỹ đông y Hoàng Xuân Đại cho biết cỏ nhọ nồi còn có tên là cây cỏ mực, hạn liên thảo là một trong các vị thuốc được kết hợp cùng các vị khác để tạo thành bài thuốc chữa sốt xuất huyết từ tài liệu tuyên truyền của Bộ Y tế. 

Theo đông y cỏ nhọ nồi có vị ngọt, chua, tính lương (mát huyết), chỉ huyết (cầm máu) vào 2 kinh can và thận, tác dụng bổ thận âm, thanh can nhiệt, làm đen râu tóc, chỉ huyết lỵ, dùng chữa can thận âm kém, xuất huyết nội tạng (chảy máu dạ dày, tiểu tiện ra máu, thổ huyết do lao, rong kinh), kiết lỵ, chân thương, sưng tấy lở loét, mẩn ngứa...

Trong sách y dược học cổ truyền, cỏ nhọ nồi là vị thuốc quý. Tuy nhiên vì cỏ nhọ nồi là vị thuốc nên muốn sử dụng hiệu quả tốt nhất cần kết hợp cùng các vị thuốc thành bài thuốc. Ngoài ra, do cỏ có tính thanh nhiệt nên chỉ dùng với tác dụng thanh nhiệt khi sốt, nếu hết sốt cần giảm liều hoặc dừng uống. Bởi, nếu lạm dụng thanh nhiệt có thể dẫn đến tình trạng mất cân bằng cơ thể, tăng hàn từ đó gây ra ỉa chảy. 

Bài thuốc chữa sốt xuất huyết bằng nhọ nồi

* Lúc mới mắc bệnh dùng thuốc gồm: cỏ nhọ nồi 30g, cỏ mần trầu, củ sắn dây 30g, lá bông mã đề (hay lá cối xay, rễ cỏ tranh) 20g. Tất cả các thứ trên cho vào ấm, sắc lấy nước uống, hoặc giã nhỏ, chế với nước sôi, chắt lấy nước uống.

* Trường hợp sốt kéo dài kèm theo xuất huyết dùng thuốc gồm: cỏ nhọ nồi 30g, Sinh địa 12g, củ tóc tiên 12g, huyền sâm 12g, hoè hoa (sao) 12g. Các thứ trên cho vào nồi sắc lấy nước uống. Đây là liều trung bình cho trẻ em 10 tuổi dùng trong ngày. Trẻ em nhỏ dùng ít hơn (nửa liều lượng), trẻ em lớn tăng lên gấp rưỡi.

Hoặc có thể sử dụng một trong các phương thuốc dân gian sau:

- Kim ngân hoa 20g, liên kiều 12g, hoàng cầm 12g, rễ cỏ tranh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, hoa hòe 16g, chi tử 8g. Nếu khát nước, thêm huyền sâm, sinh địa mỗi thứ thêm 12g, sốt cao thêm tri mẫu khoảng 8g.

- Nhọ nồi 40g, rau má 20g, cỏ mần trầu 20g, lá huyết dụ 20g. Rửa thật sạch rồi đem sắc đặc để uống.

- Rau diếp cá 100g, rau ngót 100g, nhọ nồi 50g rửa thật sạch. Xay với chút muối và nước lọc, chắt lấy nước uống.

- Nhọ nồi 20g, lá cối xay sao vàng 12g, rễ cỏ tranh 20g, sài đất 20g, kim ngân hoa 12g, hạ khô thảo sao qua 12g (nếu không có thì thay bằng bồ công anh 12g), hoa hòe 10g, gừng tươi 3 lát, sắc với 600ml nước trong 30 phút, uống ấm chia 3 lần trong ngày.

- Nhọ nồi (bao gồm cả rễ, hoa, lá, cành) rửa thật sạch, ngâm với nước muối. Sau đó đem xay nhuyễn với muối và nước lọc. Chắt lấy nước uống, bã dùng để đắp lên trán và buộc vào gan bàn chân.


Sốt xuất huyết có thể bộc phát thành dịch gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng động. Bệnh có thể trở nặng bất ngờ và gây tử vong cao

Lưu ý khi dùng cỏ nhọ nồi chữa sốt xuất huyết

Bác sĩ đông y Hoàng Xuân Đại khuyến cáo khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết như sốt cao liên tục trên 2 ngày kèm theo một trong các triệu chứng nhức đầu, đau cơ khớp, nổi ban, chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu chân răng... cần phải đến ngay cơ sở y tế thăm khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ, việc điều trị bằng đông y chỉ là phương pháp hỗ trợ. 

Đặc biệt những trường hợp bệnh nặng, xuất huyết nhiều, có dấu hiệu thần kinh (mê sảng, vật vã) và tim mạch phải gửi đi bệnh viện kịp thời để phối hợp các phương pháp điều trị.

Trong các bài thuốc chữa sốt xuất huyết đều có vị nhọ nồi do đó không được dùng cho người bị rối loạn chức năng đại tràng, đại tiện phân sống, phân loãng, đầy bụng, chậm tiêu. 

Bên cạnh đó, cách dùng cỏ nhọ nồi tươi và khô cũng khác nhau vì vậy người bệnh cần lưu ý để sử dụng cho hiệu quả. Các chuyên gia về y học cổ truyền cho hay cỏ nhọ nồi khô chỉ sắc uống, còn nhọ nồi tươi chỉ giã lọc lấy nước cốt uống. Không dùng cỏ nhọ nồi để nấu canh ăn như nhiều người đang làm. Bởi cách này không những làm mất tác dụng của vị thuốc mà khả năng thanh nhiệt sẽ giảm. Phần bã của cây tươi có thể đắp lên trán hoặc cơ thể nhằm làm mát…

Ngoài ra, cũng cần chú ý rằng, cỏ nhọ nồi tươi có tác dụng thanh nhiệt còn khi xuất huyết lại dùng cỏ nhọ nồi khô đun lên lấy nước uống để cầm máu. Hai tác dụng này của cỏ nhọ nồi tương đối khác nhau, vì thế dùng đúng cách, đúng lúc là rất cần thiết.

Với các bài thuốc trị sốt xuất huyết từ cỏ nhọ nồi, trẻ em từ 1 – 5 tuổi dùng liều bằng 1/3 người lớn. Trẻ em từ 6 – 13 tuổi dùng liều bằng 1/2 người lớn. Trẻ em từ 14 tuổi trở lên bằng liều người lớn. 

Trong quá trình điều trị, nên cho bệnh nhân bị bệnh sốt xuất huyết ăn thức ăn dễ tiêu như cháo, phở, súp và không nên dùng những loại rau củ quả có màu đen, đỏ, nâu vì dễ bị nhầm với xuất huyết dạ dày khi đi ngoài hay nôn ói, không dùng những thức uống ngọt đóng chai, thức uống có ga, nước trà.


Xem thêm lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN //