Cô giáo dùng tấm lòng người mẹ giảng dạy cho trò
23 năm qua, cô Đinh Thị Phương Thảo dùng suy nghĩ, tình thương, cách giáo dục của người mẹ để dạy và dìu dắt học trò.
Cô Đinh Thị Phương Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình cùng học trò của mình. Ảnh NVCC.
Yêu nghề giáo khi còn ngồi trên ghế nhà trường
Từ khi còn là học sinh, cô Đinh Thị Phương Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã rất yêu nghề giáo. Chính vì vậy tốt nghiệp THPT, cô chọn theo học ngành Sư phạm Tiểu học của Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Bình.
Năm 1999 tốt nghiệp cao đẳng, cô Thảo được phân công về công tác tại Tiểu học Gia Lập, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình giảng dạy.
Cô Thảo trải lòng: “Ngày mới về nhận công tác, là một cô giáo trẻ khiến tôi không khỏi lo lắng, thế nhưng khi trực tiếp giảng dạy, trò chuyện với học sinh đã giúp tôi tự tin, nắm bắt được tâm lí và điều chỉnh cách dạy sao cho hiệu quả. Bên cạnh đó khi giảng dạy, tôi dùng tấm lòng của người chị, người mẹ để giảng dạy cho học sinh”.
Cô Đinh Thị Phương Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình quan niệm: “Thành công không phải là chìa khóa mở cánh cửa hạnh phúc, hạnh phúc là chìa khóa dẫn tới cánh cửa thành công. Nếu bạn yêu điều bạn đang làm thì bạn sẽ thành công và hạnh phúc”.
Cô Thảo tâm sự thêm: “Mỗi giờ ra chơi thay vì xuống phòng hội đồng, tôi sẽ ở lại lớp trò chuyện, chơi với học sinh và lắng nghe các em chia sẻ. Đối với những học sinh tiếp thu bài chậm, tôi tranh thủ phụ đạo, hướng dẫn thêm cho các em. Trong quá trình dạy những phần kiến thức khó, trừu tượng, tôi thường nhấn mạnh, dạy đi dạy lại để các em hiểu và nhớ lâu hơn.
Bên cạnh đó, học sinh Tiểu học còn nhỏ, chưa ý thức được nhiều việc mà mình đã và đang làm. Do đó, ngoài sự giáo dục của gia đình thì cô giáo phải tỉ mỉ dìu dắt, hướng dẫn các em. Thậm chí, có nhiều vấn đề giữa phụ huynh và con cái không đồng quan điểm, giáo viên chính là người gỡ rối, cầu nối”.
Cô Thảo nhớ lại: “Khi tôi còn công tác ở trường cũ, lớp tôi chủ nhiệm có một học sinh cá biệt, học rất yếu, ngỗ nghịch hay quấy phá bạn bè, không bạn nào muốn ngồi cạnh. Trước tình hình đó, tôi nhiều lần gặp phụ huynh em nhưng họ xem đó là chuyện bình thường và không sự hợp tác để cùng giáo dục em ấy”.
Sau nhiều lần như vậy, cô Thảo tự nhắc nhở bản thân không được nản lòng, bỏ cuộc, phải “thay đổi chiến thuật” để tiếp cận với học sinh cá biệt đó.
Chân dung cô Đinh Thị Phương Thảo – giáo viên Trường Tiểu học Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
“Thế rồi, mỗi ngày lên lớp tôi luôn cố gắng dành thời gian để hỏi han, hỗ trợ em ấy. Trong các giờ học, tôi không để em ấy ngồi yên quá lâu, luôn gọi đứng dậy trả lời, đọc bài… Nhiều hôm, em ấy chống đối, tôi bắt chép phạt, vừa viết vừa khóc. Đặc biệt, lúc chép xong, ánh mắt giận hờn khi em đem bài lên nộp tôi nhớ mãi.
Sau một thời gian kèm cặp, em ấy đã tiến bộ hơn trong học tập, tuân thủ nề nếp lớp học và không còn chọc phá bạn như trước đây.
Ngày tổng kết cuối năm học, cô trò chia tay để về nghỉ hè, em ấy đưa cho tôi một mẫu giấy và dặn “cô về nhà mới được mở ra đọc”. Lúc mở ra, tôi đã không cầm được xúc động khi nhìn những dòng chữ nắn nót viết “em cảm ơn cô đã chỉ bảo dìu dắt em trong năm qua. Em xin lỗi cô vì đã có lúc làm cô buồn, từ này em hứa sẽ cố gắng ngoan và học tập tốt để không phụ lòng cô. Em mong cô chủ nhiệm em thêm năm học lớp 5”, cô Thảo kể lại.
Cần tấm lòng
Theo cô Thảo, giáo viên tiểu học không đòi hỏi kiến thức quá cao siêu nhưng họ cần hiểu biết rộng. Do đó những kiến thức học trong trường đại học mới là nền móng ban đầu. Trong quá trình giảng dạy và cuộc sống, giáo viên cần tích lũy, bồi đắp thêm kiến thức.
Bên cạnh đó, để có tiết dạy hiệu quả, mỗi giáo viên phải cần đổi mới phương pháp dạy học, phải biết "thổi hồn" vào các môn học mới giúp được học trò say mê với bài học và khám phá kho tàng kiến thức.
Ví dụ, đối với những học sinh tiếp thu bài chậm, giáo viên phải cân đối lượng kiến thức giảng dạy, đưa ra những yêu cầu phù hợp, sẵn sàng dành thời gian ngoài giờ để hỗ trợ, phụ đạo thêm.
Ngoài ra, người giáo viên thấu cảm, hiểu từng hoàn cảnh, đặc điểm tâm sinh lý của học sinh để đồng hành được với các em. Cũng vì vậy 23 năm công tác trong ngành giáo dục, mỗi năm cô Thảo đều lập ra kế hoạch, mục tiêu rõ ràng cho giảng dạy.
Theo chia sẻ của cô Đỗ Thị Mỹ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình: “Cô Thảo là giáo viên tiêu biểu của nhà trường, luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của nhà trường. Đối với đồng nghiệp cô luôn chia sẻ, hỗ trợ, chính vì vậy cô luôn nhận được sự tín nhiệm của đồng nghiệp, tin tưởng của lãnh đạo và kính trọng của học trò”.