Cô giáo chửi học sinh 'con lợn' dưới góc nhìn của giáo viên sexy nhất MXH Việt
Theo cô giáo Thanh Nhàn, cả cô Kim Tuyến và cậu học viên chẳng ai hành xử đúng trong đoạn clip đã được chia sẻ trên mạng xã hội vài ngày qua.
Là giáo viên, đừng hành xử như cô giáo Kim Tuyến!
Cô giáo Trần Đinh Thanh Nhàn không còn xa lạ với người dùng mạng xã hội Việt Nam. Thanh Nhàn được mệnh danh là "Cô giáo sexy nhất MXH Việt Nam" vì sở hữu phong cách hết sức nóng bỏng.
Cô giáo Thanh Nhàn là giáo viên dạy tiếng Anh. Ngoài ra, cô còn khiến người khác ngưỡng mộ vì thành thạo đến 3 ngoại ngữ và chơi tốt 4 loại nhạc cụ.
Mới đây, sự việc một giáo viên dạy tiếng Anh khác là Nguyễn Thị Kim Tuyến cãi nhau với học viên, mắng học viên là "con lợn" khiến dư luận khá bức xúc.
Với tư cách của một giáo viên dạy tiếng Anh, có lớp học riêng và từng đi dạy ở một trường quốc tế tại TP. Hồ Chí Minh, cô Thanh Nhàn đã đưa ra các quan điểm sau sự việc trên.
"Khi xem đoạn clip em hơi sốc, cảm giác nổi da gà vì màn "cãi tay đôi" giữa cô giáo và học trò. Lý giải của cô giáo sau đó rằng chuyện nộp tiền khi đi muộn, không làm bài là có quy định.
Tuy nhiên, theo em mỗi giáo viên, mỗi thầy cô có cách dạy, xử lý tình huống riêng nhưng có quy định nộp tiền phạt thì không nên cho lắm.
Chuyện phạt tiền đi muộn, không làm bài thì đánh thẳng vào kinh tế nhiều. Những bạn hoàn cảnh khó khăn sẽ mau nản, các bạn kinh tế khá giả chắc chắn chọn việc nộp phạt hơn làm bài", cô Thanh Nhàn chia sẻ.
Cô giáo Thanh Nhàn còn rất trẻ, mới 23 tuổi nhưng đã có kinh nghiệm 2 năm đứng trên bục giảng. Trước đó cô làm việc ở một trường tư và bây giờ, cô có hẳn lớp học của riêng mình tại nhà.
"Theo như em xem clip thì cô giáo chửi học trò là "con lợn", chửi thề thì cô giáo hoàn toàn sai không có điểm nào đúng. Đoạn clip được phát tán có thể ảnh hưởng đến giáo viên khác vì sự việc "nóng" quá, cả nước đều biết.
Một người giáo viên không cần quá hoàn hảo nhưng ngoài việc kiến thức mình có dạy cho học trò thì cách kìm chế cảm xúc, đối nhân xử thế cũng rất quan trọng.
Khi mình quát nạt không làm dịu được sự bực tức của cả học trò và chính cả bản thân mình. Nó chỉ khiến học trò bướng bỉnh, ghét thêm, không tôn trọng giáo viên. Mình nên xử sự nhẹ nhàng tình cảm vì tuổi học trò thường bồng bột. nông nổi.
Tuy nhiên, bạn học trò cũng không hẳn đúng. Lúc đó nếu bạn ấy bảo: "Em không muốn học với cô nữa, em thấy quy định quá nghiêm khắc, gia cảnh em cũng khó khăn, không đủ điều kiện" thì có lẽ mọi chuyện dừng lại ở đấy.
Nhưng chính bạn ấy lại bảo cô giáo "lừa đảo", câu đó có lẽ là châm ngòi cho những hành động về sau. Cả hai bên đều không đúng trong trường hợp này", cô Nhàn chia sẻ thêm.
Kinh nghiệm cá nhân của cô giáo 23 tuổi
Thanh Nhàn tốt nghiệp ngành Phiên dịch và đến với công việc dạy học một cách rất tình cờ. Tuy nhiên, đã thích gì là phải làm đến cùng và làm tốt. Một thời gian sau, Nhàn đăng ký lớp nghiệp vụ sư phạm chuẩn quốc tế, khóa học kéo dài 2 tháng. Tốt nghiệp, cô xin vào dạy tiếng Anh cho một trường quốc tế trên địa bàn thành phố.
Chính quãng thời gian đi dạy ở trường tư đó, Nhàn đã gặp phải những học trò cá biệt đầu tiên trong sự nghiệp dạy học.
"Hồi đầu em được phân công dạy lớp học sinh cá biệt, quậy phá. 3 tháng đầu em stress vì các em chẳng chịu học hành. Em quay lưng lên thì lớp nói chuyện, nặng nề hơn thì thấy bị học trò ném máy bay giấy, bắn giấy. Em chán nản vô cùng.
Sau vài đêm mất ngủ, em nghĩ ra cách đối phó với học trò quậy phá. Em đến lớp và thông báo có tiết kiểm tra. Tuy nhiên, em chia lớp thành 2 nhóm: nhóm thi cử nghiêm túc và nhóm không cần thi vẫn được điểm cao.
Thấy thế nhóm cá biệt có chút hối hận. Các bạn sau đó đều lí nhí nói lời xin lỗi. Đó cũng là tiết kiểm tra nghiêm túc mà em cảm nhận được sau 3 tháng nhận lớp".
"Hai năm làm nghề, em học được cách kìm chế bản thân mình ở mức tốt. Em chưa bao giờ lớn tiếng bởi khi lớn tiếng với học trò giữa đám đông các em rất dễ tổn thương. Có chuyện gì thì nên gặp mặt, trao đổi riêng sau đó.
Thậm chí trước giờ em không bao giờ chửi học trò: "Ô em dốt quá", em chỉ nói chuyện nhẹ nhàng: "Em đã làm tốt rồi nhưng phải tốt hơn thì mới có điểm cao".
Em hiểu rằng trường học giống xã hội thu nhỏ, có nhiều hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Mình không nên to tiếng quát nạt, chửi thề trước mặt nhiều người vì thế học trò càng bướng, càng lỳ, cá biệt hơn nữa.
Em từng biết chuyện một học sinh cá biệt luôn cãi tay đôi có hoàn cảnh đặc biệt hơn các bạn khác. Cuộc sống, gia đình không mỉm cười với học trò. Em hiểu mình là người dạy dỗ không nên đẩy học trò càng ngày càng đi xa, phải dang tay bảo vệ làm cho học trò thấy vẫn có người dạy dỗ khuyên răn", cô Nhàn chia sẻ thêm.