Cô giáo bày trò "đấu tố" nên con tôi đòi bỏ học lớp 7

23-10-2017 16:12:43

"Nếu không cho con nghỉ học thì chuyển trường cho con đi, nếu không một ngày nào đó con không kiềm chế sẽ giết bạn trong nhóm của con".

Cô giáo bày trò đấu tố nên con tôi đòi bỏ học lớp 7. Ảnh minh họa

Con tôi năm nay học lớp 7 tại một trường được cho là nổi tiếng. Vậy mà sau khi học được hai tháng, con tôi thủ thỉ: “Ba ơi cho con nghỉ học được không?”. 

Tôi hỏi tại sao, con tôi nói rằng: "Nếu ba không cho nghỉ học thì chuyển trường cho con đi, nếu không một ngày nào đó con không kiềm chế sẽ giết bạn trong nhóm của con".

Tôi thật sự lo sợ và hoang mang khi con tôi nói lên điều đó vì thật sự con tôi là một đứa trẻ hiếu động nhưng lành tính.

Câu chuyện bắt đầu từ đầu năm học, giáo viên chủ nhiệm lớp con tôi là một cô giáo trẻ nhưng nghiêm khắc và có cách giáo dục thật kỳ lạ. Cô bắt học sinh trong lớp nộp tiền để mua cho mỗi học sinh một cuốn sổ nhỏ mà bây giờ tôi gọi vui là cuốn “ Nhật ký tội lỗi”.

Cô giáo chia ra mỗi nhóm bốn bạn để kiểm soát lẫn nhau. Mỗi ngày sẽ do một bạn trong nhóm giữ bốn cuốn sổ để ghi vào tất cả các lỗi của các bạn nhóm mình trong ngày.

Thế là tất cả tội lỗi được ghi vào cho đến cuối tháng. Bạn nào có lỗi nhiều sẽ được cô giáo viết vào sổ mời cha mẹ họp và lập biên bản cuộc họp hẳn hoi. Đó là một điều bình thường trong cách giáo dục bất thường này.

Nhưng thật bất thường là có một số bạn có tính hay chọc phá thì mỗi khi đến ngày được giữ bốn cuốn sổ thì cố tình viết các lỗi mà các bạn trong nhóm mình không có để bạn mình nhiều lỗi hơn.

Không những vậy còn cố tình nói sẽ ghi lỗi này, lỗi kia vào sổ để bạn sợ mặc dù bạn không có lỗi.

Nói chung ngày nào giữ được bốn cuốn sổ thì xem như ngày đó nắm được “Thượng phương bảo kiếm”, và nội dung nhận xét sẽ phụ thuộc vào sự thanh thiên hay dối trá và láu cá của người viết.

Tôi nói dối trá vì nếu như bạn nào có lỗi mà hối lộ cây kem thì cũng có thể được gạch bỏ lỗi đó, hoặc nếu bạn đó chơi thân với mình thì sẽ không ghi lỗi.

Cô giáo chia ra mỗi nhóm bốn bạn để kiểm soát lẫn nhau. Ảnh minh họa

Còn láu cá là nếu lớn hơn, mạnh hơn thì có quyền ghi lỗi vào sổ mà không sợ bạn mình kháng cự lại mặc dù không có lỗi đó.

Con tôi là một học sinh hiếu động từ nhỏ mặc dù khả năng học và tiếp thu bài thì tương đương với bạn đứng hạng 3 trong lớp.

Chính vì tính hiếu động nên dễ mắc lỗi, đã vậy còn bị bạn ghi thêm lỗi nên thực sự là nhiều lỗi và luôn luôn bị áp lực về việc này.

Mỗi ngày con tôi đi học là một căng thẳng tột độ vì sợ bị lỗi nhiều thì cô giáo sẽ mời ba mẹ. Đến lúc này thì con tôi hoàn toàn không còn chịu nổi áp lực này phần vì hiếu động hay bị các lỗi nhỏ, phần thì bị bạn gán thêm lỗi vào sổ, mà mách cô thì cô không giải quyết.

Tôi không biết là trên thế giới còn thầy cô nào có cách giáo dục kiểu này không? Nhưng tôi thấy cách giáo dục học sinh kiểu cô giáo của con tôi thì thật sự là tai hại.

Nói đến đây tôi mới thấm thía câu chuyện mà người Nhật nói với người Việt: rằng nếu đem so một người Việt và một người Nhật thì chưa chắc ai hơn ai, nhưng nếu so sánh nhóm ba người Việt với ba người Nhật thì nhóm của người Nhật hơn hẳn nhóm người Việt.

Đúng vậy, nếu giáo dục kiểu như thế này thì làm sao thành người được, bởi vì giáo dục bằng cách cho học sinh kiểm soát nhau sẽ sinh ra chuyện đấu tố nhau, lừa lọc nhau, hối lộ nhau, rồi cuối cùng là đối phó nhau.

Tất cả điều phát sinh từ việc giáo dục này và cuối cùng đào tạo ra con người như thế nào thì mọi người đã biết.

Tôi nghĩ đây là cái rễ của các vấn đề gọi là "hot" nhất hiện nay như: tham nhũng, hối lộ, chém giết lẫn nhau, lừa thầy, phản bạn, đấu tố lẫn nhau.

Và cũng là cái gốc làm cho người Việt làm việc nhóm không hiệu quả so với người Nhật.

Trần Nguyên Long
VNExpress //